61Thứ Ba, 06/08/2024, 12:55

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 06/08/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 209

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng hành giả niệm Phật phải có đủ tiêu chuẩn, đó là ba tư lương “Tín, Nguyện, Hạnh”. Ba tư lương này như chiếc kiềng ba chân phải mạnh, nếu một chân yếu thì đỉnh không thể đứng vững. Trong Tịnh Độ có câu: “Tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật”. “Hành miên mật” rất quan trọng, không thể hôm nay thì tu tập quá căng thẳng, hôm sau lại quá trùng.

Khi Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi thiền dưới cội cây Bồ Đề thì thiên nhân gảy đàn tỳ bà để khải thị cho Ngài rằng dây đàn quá trùng thì không phát ra âm thanh, dây đàn quá căng sẽ khiến sợi dây đàn bị đứt và dây đàn được chỉnh vừa vặn thì âm thanh mới thật thanh thoát. Từ đó Ngài ngộ được rằng hành đạo không thể quá căng cũng không quá trùng, nhà Phật gọi là trung đạo.

Hòa Thượng lại nhắc chúng ta rằng Tịnh Độ tông đề xướng “Giải Hành tương ưng”. “Giải” là hiểu và “Hành” là làm. Cho nên Tịnh Độ có câu: “Huệ hành (Giải), hạnh hành (thật làm)”, đây là câu nói được Hòa Thượng nhắc trong Tịnh Độ Giải Kinh Khoa Chú. “Huệ hành” được nhắc trong năm Kinh một luận, đặc biệt ba bộ quan trọng nhất là “Kinh Vô Lượng Thọ, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Di Đà yếu giải” được Tịnh Độ tông y cứ để tu hành. Ngoài ba bộ Kinh này thì chúng ta không tiếp xúc thêm cuốn Kinh nào khác vì chúng ta là người không thuộc hàng căn tánh bậc trung hay bậc thượng. Việc mất thời gian nghiên cứu sẽ khiến việc tu tập của chúng ta loãng đi.

Mấy năm qua, tôi chỉ nghe Hòa Thượng giảng, thậm chí không xem đến năm Kinh một luận vì Hòa Thượng đã chính mình lấy từ nơi năm Kinh một luận này để tu hành nên nghe Hòa Thượng giảng đã là đủ. Hơn nữa bản thân chúng ta không đủ trí tuệ cho nên chỉ cần nghe và làm theo Hòa Thượng đã là khó rồi.

Mấy chục năm qua, nhờ nghe lời, cố gắng làm theo Hòa Thượng và không tự mình khám phá thêm khung trời mới nào nên mọi người thấy tôi đã làm ra một chút gì đó. Những người tự cho mình có trí tuệ, năng lực, mong muốn tự mình khai mở khung trời mới thì đó là ngạo mạn. Kết quả là khung trời mới thì không thấy mà chỉ làm cản trở con đường tu học của mỗi hành giả mà thôi.

Chúng ta tu học Tịnh Độ thì chỉ có năm Kinh một luận. Ngoài những bộ này ra thì không xem, không nghe cho dù ai đó có mời chúng ta cũng không nghe. Không phải chúng ta xem thường mà là vì chúng ta hiểu căn tánh của mình rằng để nghiên cứu và hiểu rõ về năm Kinh một luận còn không hết vậy mà chúng ta còn đi học rộng nghe nhiều hay sao. Càng học rộng nghe nhiều thì vọng tưởng càng lớn, phân biệt, chấp trước càng sâu nặng. Cho nên, phần nhiều những chướng ngại là từ nơi chính mình không chịu thuần, không chịu chuyên tu mà luôn tạp tu.

Thực tế đã có người niệm Phật thấy người khác trì chú linh nghiệm nên cũng đi trì chú hay lúc gặp khó khăn hoạn nạn thì không niệm Phật mà lại trì chú do đó chướng ngại là từ nơi chính mình. Một khi đã chuyên thì sẽ an. Bản thân tôi mấy chục năm chỉ một câu “A Di Đà Phât” và một người thầy nên tâm an, đặc biệt là chỉ nghe một người nên không cần phải phân biệt, chấp trước, không cần so sánh người này, người kia tu tốt hơn. Người nghe nhiều người quá thì thường rơi vào trạng thái so sánh, phân biệt, chấp trước.

Việc tu tập của hành giả học Phật có một hiện trạng là mỗi tháng đều có Kinh riêng để tụng nhằm cầu bình an, cầu tiêu tai, cầu siêu độ. Điều này cũng tốt vì đây là cách hướng dẫn người sơ cơ học Phật nhưng đối với người chuyên thì phải là: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”.

Nhiều người khi mới tu hành đã không biết bắt đầu từ đâu nên hôm nay Hòa Thượng chỉ dạy cho chúng ta biết các bộ Kinh để chúng ta y cứ theo mà học tập và cách dụng tâm tu hành như thế nào cho tốt. Trong bài học hôm nay, Hòa Thượng nhắc đến những điều mà hành giả niệm Phật cần chuẩn bị đầy đủ: “Tịnh Tông học hội yêu cầu hành giả niệm Phật phải có đủ sáu khóa mục gồm: Năm đức, Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ và 10 nguyện. Năm đức là Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng. Khổng Lão Phu Tử cả một đời hành trì năm đức này, chúng ta cũng lấy nó làm nền tảng học Phật”.

Trước khi dụng tâm thực hành “Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ” thì chúng ta phải bắt đầu trên nền tảng tâm “Ôn Lương Cung Kiệm Nhượng”. “Ôn” là ôn hòa; “Lương” là lương thiện; “Cung” là cung kính; “Kiệm” là tiết kiệm, cần kiệm, tránh phung phí; “Nhượng” là nhường.