Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 05/08/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 208
Hòa Thượng dạy chúng ta rằng tu hành cầu giải thoát thì người tại gia cũng có thành tựu chứ không chỉ người xuất gia mới có. Nếu tu hành đúng tiêu chuẩn thì thành tựu đó không phân biệt người xuất gia hay tại gia. Lý do chính để xuất gia chính là hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức. Hình tướng người xuất gia dễ làm cho người khác kính trọng. Cách đây 15 năm, hình thức của người tại gia rất khó để hoằng pháp lợi sanh tuy nhiên hiện nay đã thay đổi. Trong các buổi lễ tri ân, tôi chưa bao giờ biểu hiện là người tu hành nhưng được nhiều Phật tử gặp tôi đều chắp tay chào theo nghi thức Phật pháp.
Tu hành chú trọng ở thực chất chứ không ở hình thức, điều này phù hợp với câu nói của người xưa: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” – Quân tử gặp nhau chẳng có gì để nói. Như hôm qua chúng ta tổ chức lễ hội tri ân tại Thành Phố Hồ Chí Minh rất cảm động. Sau khi kết thúc chương trình thì mọi người trở về nơi của mình chẳng có túm năm tụm bẩy để nói chuyện thành bại bởi chúng ta hiểu rằng: “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”.
Việc hôm nay xong rồi thì quên đi và việc ngày mai không để trễ nải thì đó mới gọi là tinh tấn. Trước đây, tôi từng bị trễ nải nhưng về sau tôi nhận ra rằng tinh tấn chính là việc nào ra việc đó, kết thúc mỗi việc là hồi hướng hết cho tất cả chúng sanh và công việc tiếp theo của ngày hôm sau, vẫn phải hoàn thành. Nếu làm xuyên suốt được như vậy thì chúng ta sẽ có thành tựu. Chứ thành tựu không ở hình thức xuất gia hay tại gia.
Người xuất gia mang trên mình sứ mạng hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức. Báo ân đức Phật mà làm, báo ân đức của Cha Mẹ mà làm, báo ân đức của Sư trưởng mà làm, báo ân đức của quốc gia mà làm. Làm với tâm báo ân thì chắc chắn việc làm đó sẽ vô cùng tốt đẹp.
Thế nhưng Hòa Thượng nói rằng tâm con người chúng ta rất dễ bị “danh vọng lợi dưỡng” làm cho thay đổi. Đây là vấn nạn vô cùng to lớn. Lúc chưa có cơ hội tiếp xúc thì “danh vọng lợi dưỡng” nhỏ và khi đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều người thì “danh vọng lợi dưỡng” càng to lớn, cho nên nếu không khéo quán chiếu thì sẽ bị động tâm. Hòa Thượng khuyên chúng ta phải dùng tâm rằng: “Đời này kiếp này gặp được Phật pháp, gặp được Tịnh Độ là cơ duyên trăm ngàn muôn kiếp mới có được”. Chúng ta biết dùng tâm thái “ngàn năm có một, hy hữu khó gặp” này mà tu hành, sửa lỗi nhất định sẽ thành tựu.
Hòa Thượng nói: “Những người được A Di Đà Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát tiếp dẫn là những người niệm Phật. Tiêu chuẩn để được tiếp dẫn là gì? Đó là Tín, Nguyện, Hành, ba tư lương này phải đầy đủ.” Chúng ta đi đường xa phải chuẩn bị, dự trữ thức ăn thì đó chính là tư lương. Chúng ta muốn đi Tịnh Độ thì phải chuẩn bị cho mình lương thực “Tín, Nguyện, Hạnh” và nếu chuẩn bị không đầy đủ thì không thể đến nơi, không thể vãng sanh.
Hòa Thượng nhắc chúng ta rằng: “Kinh A Di Đà là bộ Kinh chuyên để khuyên người tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật”. Đây là bộ Kinh ngắn nhưng trong đó Phật nói rất rõ ràng rằng 10 phương chư Phật đều thị hiện tướng lưỡi rộng dài để khuyên nhắc chúng sanh tin sâu đối với pháp niệm Phật. Phật là người không vọng ngữ nhiều đời nên mới có tướng chiếc lưỡi dài có thể chạm đến chóp mũi của mình. Trong Kinh A Di Đà cũng nói nếu có chúng sanh nào niệm Phật từ 1-7 ngày nhất tâm bất loạn thì đích thân Phật A Di Đà cùng Bồ Tát thánh chúng đến tiếp dẫn.
Hòa Thượng nói: “Trong chú giải của Kinh A Di Đà, Đại sư Ngẫu Ích đã nói lục tín: Tin tự, Tin tha, Tin sự, Tin lý, Tin nhân, Tin quả”. “Tin tự” là tin chính mình rằng mình có đủ năng lực làm những điều Phật dạy. Phật đến thế gian để dạy mọi việc cho chúng sanh có thể làm được, giúp chúng sanh chứng được những điều Phật chứng. Phật đã thấu suốt năng lực của chúng ta làm được nên Phật mới dạy. Nếu không làm được thì Phật sẽ không dạy.
Chúng sanh còn có thể trở thành Phật thì tất cả nhiều việc khác, chúng sanh cũng có thể làm được. Thế mới nói năng lực của con người là vô hạn. Có những việc lần đầu tiên mới làm nên chúng ta nghĩ rằng không thể làm được, thế mà chúng ta vẫn làm được tốt. Phật làm được Phật thì chúng ta cũng làm được Phật. Trong chữ Phật có bộ nhân đứng, có nghĩa là Phật do con người tu hành mà thành Phật chứ không phải là đấng siêu nhiên đến từ cõi hư vô nào đó.
Hòa Thượng từng nói: “Người là trượng phu ta không thành trượng phu sao?”, ý Ngài muốn sách tấn chúng ta rằng người ta có thể thành tựu thì chúng ta cũng có thể thành tựu. Chưa thành tựu là do chúng ta chưa cố gắng, chưa dụng tâm. Chiều hôm qua 4g30 mới kết thúc lễ tri ân tại Thành Phố Hồ Chí Minh, vậy mà trước 3g30 sáng nay tôi vẫn lễ Phật đầy đủ và đã có mặt trên zoom tại Đà Lạt để tham gia lớp học. Để chuẩn bị việc tu, việc học nên tôi không ở lại Thành Phố để ăn tối mà đi về luôn để tận dụng thời gian, tránh ảnh hưởng lớp học.
Tổ sư Tịnh Độ nhắc nhở chúng ta rằng tu hành có vãng sanh hay không là ở “Tín, Nguyện, Trì danh” và phẩm vị cao hay là ở công phu tu hành của mình. Mọi thứ đều từ nơi chính mình chứ không phải nhờ sự ân sủng của Phật A Di Đà. Cho nên chúng ta phải tin ở chính mình thì mới có thành tựu. Trước đây, tôi không có niềm tin nơi chính mình bởi vì nhiều năm làm mọi việc đều hư hại, thất bại. Tuy nhiên, nhờ Hòa Thượng khải thị, nhắc nhở mỗi ngày một ít nên tôi đã cố gắng chỉnh sửa lại, dần dần tôi đã tự thay đổi lúc nào mà bản thân không hề hay biết. Phật Bồ Tát dạy chúng ta là do các Ngài biết chúng ta sẽ làm được, cho nên không có lý do gì mà chúng ta không tin vào chính mình.
Tin thứ hai là “Tin tha”, chính là tin Phật. Phật là người hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn có thể kiểm soát được tập khí phiền não của chính mình và đã loại bỏ được hết những tập khí đó, làm chủ được mọi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chính mình. Người như vậy, chúng ta mới tin. Nếu một người chưa chuyển đổi, chưa làm chủ được tập khí phiền não mà chúng ta tin họ thì không chừng chính tập khí phiền não của họ sẽ dẫn chúng ta đi sai đường.
Có nhóm người khoe với tôi rằng họ đặt niềm tin ở một vị minh sư mới có 30 tuổi. Nếu là 30 tuổi thì thật sự người này chưa thể có đủ thời gian học tập, thời gian tu hành và thời gian trải nghiệm. Tôi từng khuyên mọi người hãy học Hòa Thượng Tịnh Không, khi đó Ngài đã hơn 90 tuổi. Ngài đối với “danh vọng lợi dưỡng, Tài Sắc Danh Thực Thùy” không còn bị ô nhiễm. Một người ngoài 90 tuổi đã hơn 30 năm “không quản người, không quản việc, không quản tiền” thì “Sắc”, “Danh”, “Ăn”, “Ngủ” đương nhiên không thể ràng buộc Ngài. Người trẻ quá, mới hơn 30 tuổi thì đáng lo bởi không biết lúc nào họ bị “Tài Sắc Danh Thực Thùy” lôi đi mất.
Cho nên “Tin tha” là tin Phật, tin lời giáo huấn của Phật. Những lời giáo huấn này ở đâu? Ở trên Kinh! Những lời giáo huấn đó phải được những người chân thật có tu, có học, truyền thụ lại cho chúng ta thì chúng ta mới có cơ sở để tin. Tôi có thể tin Phật, tin pháp môn Tịnh Độ là do tôi tin tất cả những điều Hòa Thượng dạy.
Thứ ba là “Tin sự” nghĩa là tin vào những việc làm, cách làm mà Phật dạy chúng ta. Ví dụ Phật dạy chúng ta bố thí tiền tài thì nhất định có tiền tài mà có tiền tài để làm gì? Để tiếp tục bố thí chứ không phải “bố thí một vốn để được bốn lời”. Hòa Thượng dạy chúng ta bố thí như một dòng nước. Nếu có dòng nước đến thì chúng ta dùng lực tác động để nước chảy nhanh hơn và dòng nước phía sau chảy đến sẽ mạnh hơn, tươi nhuận hơn. Nếu chúng ta đắp đất chắn dòng nước lại thì sẽ trở thành ao tù. Trong tiếng Hán, chữ tiền nghĩa là hàng hóa lưu thông cho nên tiền không phải để cất trong túi mà phải được vận chuyển lưu thông. Chúng ta làm mọi điều Phật dạy thì chúng ta sẽ đạt được kết quả rất viên mãn.
Thứ tư là “Tin lý” là tin những lời dạy của Phật đều có phương pháp, lý luận chắc thật, không có đàm huyền thuyết diệu. Yêu ma quỷ quái thì chỉ đàm huyền thuyết diệu, làm cho người người không hiểu, thậm chí từ người nói đến người nghe đều không hiểu. Con người ngày nay vọng tưởng đến mức đáng sợ, khiến tạo ra bao tội nghiệp và thị phi nhân ngã.
Thứ năm và sáu là “Tin nhân, Tin quả” là tin rằng “niệm Phật là nhân và thành Phật là quả”. Nhân quả ở đây không phải là nhân quả thông thường như “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” mà là nhân quả đặc biệt. Đó chính là người niệm Phật nhất định sẽ thành Phật. Chúng ta phải có niềm tin mạnh mẽ như vậy. Hòa Thượng thường nhắc lại chuyện khi Lục Tổ gặp Ngũ Tổ và được Ngũ tổ hỏi “Con đến đây để làm gì?” thì Lục tổ trả lời đầy tự tin rằng: “Con đến đây để làm Phật”.
Nếu được hỏi như vậy, câu trả lời của chúng ta sẽ theo tâm cảnh của mình, rất thấp hèn quanh quẩn chỉ chuyện cơm ăn áo mặc v..v… cho nên chúng ta phải có một chí hướng xuất trần, ít ra cũng phải có thể nói được rằng: “Con đến đây để làm những việc Thầy đã làm được.” Để nói được câu như Lục Tổ, chúng ta phải khẳng khái, quyết liệt, phải có ý chí lập định cho mình một đại nguyện. Nếu chúng ta không có đại nguyện thì không có đại hạnh, có tâm lớn mới làm được việc lớn.
Đôi khi có những người phát tâm lớn nhưng chỉ làm việc nhỏ bởi tâm lớn đó của họ chỉ là vọng tưởng. Nếu chúng ta có thể ban đầu là vọng tưởng nhưng nỗ lực thực hành, biến thành hiện thực thì vọng tưởng trở thành nguyện lực, cho nên ngay ý tưởng mà không hình thành thì sự thật làm sao có thể hình thành! Khi có đại nguyện thì thành tựu đạt được là đại viên mãn. Vậy chúng ta hãy quán chiếu xem mình đã có đại nguyện chưa? Trong Kinh Sám Hối có câu: “Bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con”. Đây chính là đại nguyện. Có đại nguyện mới có đại hạnh, có đại hạnh mới lập được đại công, mới có thành tựu đại viên mãn.
Hòa Thượng dạy chúng ta rằng cầu vãng sanh thì cầu cao một chút, không nên chỉ cầu đến “hạ phẩm hạ sanh” hay đến “biên địa nghi thành” vì nếu không tới được nơi đó thì coi như tuột mất. Hòa Thượng sách tấn chúng ta phải cầu thấp nhất là “thượng phẩm hạ sanh” vì nếu có tuột xuống một một vài bậc thì vẫn ở các phẩm thấp hơn, vẫn còn trong vòng an toàn. Người không có tâm lượng rộng lớn thì chỉ đến được “biên địa nghi thành”, trải qua 500 năm tại đó.
Nếu chúng ta có ý niệm rằng không muốn ở “biên địa nghi thành” mà phải mau thành Phật để độ chúng sanh và trong lòng lấy việc phục vụ lợi ích chúng sanh sớm nhất, nhanh nhất, nhiều nhất làm mục tiêu cao cả, quan trọng hơn phẩm vị của mình thì đó chính là đại nguyện. Có đại nguyện sẽ có đại hạnh, có đại hạnh thì sẽ có đại viên mãn. Cho nên hôm nay chúng ta phát nguyện lại với Phật, phát nguyện lớn hơn thì Phật sẽ rất hoan hỉ.
Trong Kinh Sám Hối cũng có câu: “Con nay phát tâm không vì tự cầu phước báu Trời, Người, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến các vị Bồ tát quyền thừa. Con chỉ y theo tối thượng thừa, phát tâm Bồ Đề, nguyện cùng chúng sanh trong pháp giới, một thời đồng chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ”. Cho nên từ lời Kinh này, chúng ta phải nhớ rằng hành giả niệm Phật không phải để có đạo tràng, để có cơm gạo, để khỏe mạnh sống lâu. Những thứ đó không cần cầu vì phước báu sẽ tự an bài. Niệm Phật mà cầu những thứ đó thì khác nào một đứa nhỏ chỉ xin Mẹ một viên kẹo.
Cho nên học với Phật thì phải có đại nguyện, đại hạnh, đại viên mãn như Phật, đó mới là đệ tử Phật. Đệ tử Phật mà không làm theo Phật thì chỉ làm theo Ma, làm đệ tử của Ma. Chúng ta vẫn quen với sự thấp kém, quen với tâm lượng nhỏ hẹp nên chúng ta chưa mở được đại nguyện, do vậy, Phật dạy bảo chúng ta, dẫn dắt chúng ta có đại nguyện. Đại nguyện là “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh.”
Mục tiêu thành Phật là để độ chúng sanh chứ không phải để cầu an hưởng hay thấy làm chúng sanh khổ quá nên muốn làm Phật hay thấy Ta Bà khổ quá mà muốn vãng sanh. Chúng ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mọi phương tiện đều tự hành, nhà ở, lâu đài, ăn uống, quần áo tự nhiên có, không cần mong cầu. Cho nên chúng ta đến nơi đó là để hoàn thành học nghiệp hay để công việc độ sanh của chúng ta được lớn hơn.
Hòa Thượng nói: “Đối với lục tín, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng, không có hoài nghi thì đây mới gọi là tin”. Khi có niềm tin này rồi thì chúng ta mới có lực để phát ra đại nguyện. Chúng ta phát ra nguyện lớn thì chúng ta sẽ làm được việc lớn. Có một cụ bà bán rau ở Đài Loan đã được công nhận là người có số tiền làm từ thiện nhiều đến mức khiến người ta không thể tưởng tượng nổi. Đây chẳng qua là vì bà có tâm lượng rộng lớn, phát ra nguyện rộng lớn nên việc làm tự nhiên tốt đẹp, rộng lớn và kết quả cũng to lớn./.
****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!