Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 04/08/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 207
Hòa Thượng dạy chúng ta rằng sống ở trong thế gian này phải có lòng nhẫn nại. Tâm chúng ta bình thì thế giới bình, tâm chúng ta an thì thế giới an. Chư Phật Bồ Tát đều dạy chúng ta phải bình tâm. Hòa Thượng nói hằng ngày bạn xem báo chí và thấy nơi này chiến tranh, nơi kia động đất hay sóng thần thì tâm bạn đã bất an. Tâm bạn càng bất an thì thế gian này thêm động loạn.
Việc bạn biết được nhiều tin tức không có nghĩa bạn sẽ giúp được các nơi khổ nạn. Hòa Thượng chỉ dạy rằng thay vì chúng ta lo lắng ưu tư cho những nơi khổ nạn đó thì chúng ta bình tâm mà niệm Phật. Tâm bình thì chúng ta mới có thể giúp được những nơi đó có thêm chút tốt lành. Sở dĩ thế gian nhiều kiếp nạn và khổ đau là vì tâm người không biết thế nào là thiện, là ác, gần như thiện ác lẫn lộn, thiện thì tưởng là ác mà ác thì tưởng là thiện. Thiện ác, tốt xấu đều không phân minh.
Buổi tọa đàm trước thềm Lễ Tri ân Cha Mẹ tối qua tại Thành Phố Hồ Chí Minh diễn ra đầy cảm xúc. Những người được mời lên chia sẻ cảm ngộ tâm đắc học tập đều là tình cờ, không hề có sự sắp xếp trong kịch bản. Những câu chuyện của họ đầy cảm xúc khiến không khí của buổi tọa đàm trở nên thiêng liêng. Thế nhưng, những người lớn tuổi, 60-70 tuổi thì không hề cảm nhận được từ trường đó mà nói chuyện không khác gì đang ở chợ. Họ không hề có chút cảm xúc nào, không cảm nhận được bầu không khí thiêng liêng. Cùng may rằng từ trường xúc động của buổi gala đã lấn hết từ trường xấu do họ tỏa ra nên không làm nhiễu loạn được buổi tọa đàm.
Một người lịch sự, dù không biết đến đạo lý, mà thấy một buổi lễ nghiêm túc như vậy, họ sẽ thúc liễm thân tâm một chút. Tuy nhiên, những người lớn tuổi này đã quá quen với sự bao chao dao động với cường độ mạnh nên ở những nơi thiêng liêng đầy cảm xúc đó mà họ vẫn vô cảm. Ngay đến người đang ở trong hoàn cảnh tốt đẹp như vậy mà còn không khởi lên chút ý niệm thiện thì làm sao những người không có hoàn cảnh tốt đẹp lại có thể khởi được niệm thiện lành.
Điều này giải thích cho thấy thế gian làm sao mà không bất an, làm sao mà không động loạn. Vì lý do này mà những nơi bất an, động loạn thì tâm nhẫn nại của chúng ta phải càng cao và chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để làm ra biểu pháp nhằm cảnh tỉnh mọi người. Làn sóng dao động bất thiện đang càng lúc càng mạnh, lấn lướt các hoàn cảnh thiện nên nếu chúng ta không nỗ lực, kiên trì hơn thì sóng bất thiện sẽ chùm khắp. Một khi năng lượng bất thiện chùm khắp thì thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần sẽ từ nơi đó mà hình thành với tần suất ngày một nghiêm trọng hơn.
Phật dạy: “Cảnh tùy tâm chuyển, y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Y báo là hoàn cảnh sống và chánh báo là tâm chúng ta. Con người bao chao, dao động, bất thiện thì hoàn cảnh này có phải là hoàn cảnh sống của chúng ta nữa không? Ở hoàn cảnh mà con người không khởi niệm thiện, chỉ toàn là “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” thì hoàn cảnh đó sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều tai nạn, còn nơi nào càng thanh tịnh thì nơi đó càng yên ổn. Cho nên chúng ta đã tích cực rồi thì nay phải tích cực hơn nữa để làm ra việc thiện lành, điều tốt đẹp để cứu giúp thế gian này.
Hòa Thượng chỉ dạy rằng trong thời hiện đại này, bố thí pháp là làm ra tấm gương tốt để cảm động được tâm hồn khô cằn, gỗ đá của con người ngày nay. Buổi tọa đàm hôm qua rất thiêng liêng mà những người trên 70 tuổi sau lưng tôi nói chuyện từ đầu đến cuối, không có chút cảm xúc gì. Họ đã trải qua sướng khổ cuộc đời mà lại không cảm nhận được nhân tình thế thái nên khiến tôi rớt nước mắt. Cho nên chúng ta thấy: “Đường xa, gánh càng nặng mà gánh càng nặng thì đường lại càng xa”. Chúng ta đi đường ngược vòng thì chúng ta còn khó khăn hơn rất nhiều.
Hòa Thượng dạy: “Công phu là từ nơi nội tâm mà làm nên Phật pháp gọi là nội minh. Nội là trong, minh là sáng. Sáng từ trong nội tâm của mình. Nếu chúng ta không nắm được trọng điểm này thì chúng ta tuy học rộng, nghe nhiều vẫn không thể nào có lực”. Mọi sự mọi việc đều có dụng công từ nơi nội tâm của chính mình mà làm. Công phu không có lực vì chúng ta chỉ ở bề ngoài, không ở trong nội tâm cho nên mọi sự chúng ta phải quay về với nội tâm, bắt đầu từ tâm chân thành mà làm.