96Thứ Sáu, 02/08/2024, 12:58
205 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 205

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 02/08/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 205

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nhắc chúng ta, người niệm Phật chú trọng ở chữ tâm, phải dùng chân tâm, tâm không có phân biệt chấp trước niệm Phật. Trong “Niệm Phật Viên Thông Chương”, Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật là: “Gom nhiếp sáu căn tịnh niệm nối nhau”. Tâm niệm Phật là tâm giác, chánh, tịnh. Chúng ta luôn dễ dàng rơi vào trạng thái chểnh mảng, lười biếng, dính mắc vào “danh vọng lợi dưỡng” vì chúng ta chưa có công phu. Có người, khi mới tu thì có đạo tràng nhỏ, sau một thời gian, họ có được đạo tràng lớn, họ tưởng đó là do Phật ban. Đây là Ma dụ dỗ chúng ta. Phật không ban cho chúng ta những thứ khiến chúng ta dính mắc, Ngài chỉ mong muốn chúng ta sớm giác ngộ, giải thoát.

Hòa Thượng nói: “Phật hiệu chính là tâm, tâm chính là Phật hiệu”. Đây gọi là nhất tâm. Nếu chúng ta đạt đến tâm như vậy thì chúng ta niệm Phật sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Trong mọi sự, mọi việc, chúng ta phải luôn ở trạng thái phải rất cố gắng vì chúng ta có quá nhiều vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ở Đà Lạt, tôi nhìn thấy những con ngựa bị che ở hai bên mắt vì chủ của chúng muốn chúng chỉ tập trung nhìn thẳng phía trước, không nhìn sang hai bên.

Chúng ta muốn thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền, hoằng dương Phật pháp thì chúng ta cũng phải bắt đầu từ chữ tâm. Chúng ta không dính mắc vào ngôn ngữ. Những người có kiến thức, hiểu biết ở thế gian nhưng họ cũng không thể hiểu được Phật pháp. Trong việc học tập Phật pháp, tu hành, chúng ta phải dùng tâm cảm nhận.

Hòa Thượng nói: “Ngộ là khai ngộ, tiểu ngộ, đại ngộ hoặc triệt ngộ. Ngộ có thể phân làm hai loại lớn. Một loại là giải ngộ, nghĩa là thông đạt đối với lí luận nhưng không có công phu tu hành, phiền não chưa đoạn, vô minh chưa phá, không thể bước vào được cảnh giới của Phật mà vẫn theo nghiệp mà đi vào sinh tử, luân hồi. Loại thứ hai là chứng ngộ, người thế gian thường gọi là chứng đạo, chứng quả gọi là minh tâm, kiến tánh. Đây là người đã đoạn phiền não, phá được vô minh, có quá trình công phu tu tập, đã có được thọ dụng”. Chúng ta học Phật pháp thì chúng ta phải cầu chứng ngộ.

Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta làm nhà học Phật chứ đừng làm nhà Phật học”. Nhà Phật học là nhà thông thái, hiểu lý luận, phương pháp nhưng không thật làm. Nhà học Phật là người thật học, thật làm. Trong nhà Phật gọi những người thông hiểu kiến thức ở thế gian là “Thế chí biện thông”. Trí tuệ chân thật phải được lưu xuất ra từ tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Trong nhà Phật có ba thứ lớp tu hành là tu tập, chân tu, chánh tấn. Chúng ta tu tập thì chúng ta phải xả ly những ác duyên chướng ngại tâm thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta phải bỏ hết những duyên khiến chúng ta có thể bị ô nhiễm của thế tục, viễn ly tất cả những cơ hội để bị tiêm nhiễm bởi ác duyên bởi vì tâm thanh tịnh chính là đạo. Ngày xưa, các đạo tràng đều xây dựng ở trên núi cao, rừng sâu nơi không có dấu chân người. Mục đích là giúp người sơ học chúng ta có hoàn cảnh tốt để tu tập”. Chúng ta phải ở nơi giúp chúng ta tránh duyên, không ở những nơi nhắc thức chúng ta khởi tập khí xấu ác.

Hòa Thượng nói: “Chân tu thì bắt đầu từ ở nơi trì giới. Trì giới là chánh tu, là chân tu. Chúng ta tu hành mà chúng ta không giữ giới thì đây là chúng ta không thật tu, không có chánh tu. “Tu” là tu sửa những tư tưởng, hành vi sai lầm từ vô thỉ kiếp đến nay, dẫn đến việc chúng ta tạo tác sát, đạo, dâm, vọng. Đây là những nghiệp nhân khiến chúng ta đời đời, kiếp kiếp luân hồi thọ khổ. Ngày ngày, phải đem những hành vi này sửa đổi thậm chí ngay đến ý niệm cũng không sanh”. Mười ác là từ nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta sinh ra, trong đó thân thì sát, đạo, dâm; Miệng thì nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt; ý thì tham, sân, si. Người chân tu, chánh tu thì phải thay đổi ý niệm, hành vi sai lầm. Người chân thật tu hành thì ngay đến ý niệm cũng không sinh khởi.

Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy Địa ngục ngũ điều căn”. Chỉ cần chúng ta có một điều chưa đoạn sạch thì chúng ta đã bị trói buộc, khó mà vãng sanh”. Những người có thể vãng sanh đều là Bồ Tát Bất Thối. Chúng ta muốn vãng sanh thì chúng ta phải đạt đến công phu như trên Kinh đã nói. Chúng ta niệm Phật như nhai trầu, chìm đắm trong “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chúng ta không thể vãng sanh.