70Thứ Năm, 01/08/2024, 18:09
204 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 204

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 01/08/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 204

Bài học hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta, Tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ, ngộ ra được sinh tử luân hồi thật đáng sợ; Hòa Thượng cũng dạy chúng ta, hành giả chân thật niệm Phật nhất định sẽ vãng sanh, không còn thối chuyển, thẳng đến thành Phật. Chúng ta chân thật hiểu được sinh tử trong sáu cõi luân hồi là đáng sợ thì chúng ta không còn dính mắc, chấp trước, tham cầu “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, chúng ta không dám làm việc tiếp nối dòng sinh tử. Chúng ta khởi tâm tham thì chúng ta đọa vào Ngạ quỷ, chúng ta khởi sân thì chúng ta đoạ vào Địa ngục, chúng ta khởi si thì chúng ta đoạ vào cõi Súc sinh. Chúng ta làm việc không minh bạch, rõ ràng thì đó là chúng ta ngu si. Chúng ta được tiếp nhận giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền, chúng ta có chỉ đạo sát sao thì chúng ta phải rõ ràng, minh bạch trong mọi việc, chúng ta biết rõ chúng ta làm việc này thì kết quả sẽ ra sao. Chúng ta làm đúng nguyên lý, nguyên tắc thì chúng ta sẽ có kết quả rõ ràng. Chúng ta biết hành giả niệm Phật nhất định vãng sanh thì chúng ta sẽ chuyên tâm niệm Phật, chỉ làm những việc chân thật lợi ích chúng sanh, không làm những việc làm tăng thêm “danh vọng lợi dưỡng”.

Tâm Bồ Đề là trên cầu Phật đạo, dưới hoá độ chúng sanh. Ngoài hai việc này thì không còn việc gì khiến chúng ta bận tâm. Người chân thật niệm Phật thì trong lòng luôn nguyện được rời khỏi thế giới Ta Bà, nếu có đủ điều kiện thì họ sẽ đi ngay, không cần tuổi thọ. Chúng ta đều có tình chấp rất nặng, chúng ta còn dính mắc vào nhiều thứ. Khi còn trẻ, chúng ta muốn có vợ, có chồng, sau đó, chúng ta luyến ái đến con, cháu. Đến thời điểm phải ra đi, chúng ta không muốn đi nhưng chúng ta vẫn phải đi nên chúng ta đau khổ đến cùng tận.

Khi bệnh khổ hay cái chết sắp đến thì cơ thể chúng ta luôn có sự báo hiệu rõ ràng nhưng chúng ta không chấp nhận. Khi thời tiết thay đổi, sắp chuyển mùa, sắp chuyển mưa thì cơ thể của chúng ta cũng thường cảm thấy khó chịu. Khi chúng ta phải ra đi mà chúng ta cảm thấy khiếp sợ, chúng ta cố gắng bám víu thì các cơ của chúng ta sẽ căng cứng. Sinh - Lão - Bệnh - Tử là chắc thật, nếu chúng ta có cơ hội tốt để ra đi sớm một ngày thì chúng ta bằng lòng đi sớm một ngày. Để có được tâm trạng này thì chúng ta phải tận tâm tận lực làm hết những việc cần làm, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, không có tiếc nuối.

Hòa Thượng Hải Hiền, Hòa Thượng Tịnh Không tận tâm tận lực làm hết những việc cần làm, các Ngài ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác ra đi một cách nhẹ nhàng, không còn việc gì nuối tiếc. Bác Hồ cũng ra đi một cách nhẹ nhàng, tỉnh táo đến lúc ra đi, không bị hôn mê, bất tỉnh. Người còn nhiều việc chưa làm, làm chưa tốt thì khi ra đi sẽ tiếc nuối.

Bài học hôm trước Hòa Thượng nói, hương là mùi thơm của phát tâm Bồ Đề. Hôm nay, Hòa Thượng nói: “Đại sư Thanh Lương nói, có hai mùi hương, thứ nhất là hương nhẫn nhục. Chúng sanh từ vô thỉ kiếp, nghiệp chướng, tập khí quá sâu nặng, tuy là chúng ta phát tâm Bồ Đề, cũng có Phật Bồ Tát gia trì nhưng chúng ta vẫn có vô số chướng ngại. Chỉ cần chúng ta có thể nhẫn thì chúng ta có thể dễ dàng vượt qua tất cả những chướng ngại”. Nghiệp chướng, tập khí của chúng ta quá sâu nặng nên chúng ta có rất nhiều chướng ngại. Trên “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Nhất thiết pháp đắc thành y nhẫn”. Tất cả pháp thành công đều ở chữ nhẫn. Chúng ta nhẫn nại, chịu khó thì chúng ta luôn tự thay đổi, làm mới. Mọi sự, mọi việc muốn thành công thì phải có sự nhẫn nại, rèn luyện dài lâu. Người xưa dùng hai viên đá chà vào nhau, nếu đủ nóng thì hai viên đá sẽ phát lửa, nếu chúng ta trà chưa đủ lâu mà chúng ta dừng lại thì hai viên đá sẽ nguội.

Hòa Thượng nói: “Trong sáu pháp tu của Bồ Tát có dạy chúng ta bố thí. Bố thí là buông xả, đây là tu công đức; nhẫn nhục là thành tựu của công đức. Chúng ta nhẫn nhục thì chúng ta mới không mất công đức. Bình thường, chúng ta tích công bồi đức, chúng ta có được công phu này đều nhờ chữ nhẫn. Chúng ta không thể nhẫn thì chúng ta đi được nửa đường thì đã thất bại. Sau nhẫn nhục là tinh tấn, chúng ta không thể nhẫn nhục thì chúng ta không thể tinh tấn. Sáu phép tu của Bồ Tát đạo là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Chúng ta tu pháp môn nào thì chúng ta cũng phải trải qua trình tự như thế này”.