82Thứ Năm, 01/08/2024, 18:09
203 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 203

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 31/07/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 203

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng thân thì phải gần với thân Phật và tâm thì phải khai mở được tâm Phật. Thân Phật là thân oai nghi đi đứng nằm ngồi đều luôn ở trạng thái chuẩn mực, quy củ, đức hạnh và trong đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác đều luôn có chuẩn mực, phép tắc. Việc này rất quan trọng vì hằng ngày chúng ta tuy học đạo Thánh Hiền, giáo huấn của Phật Bồ Tát nhưng chỉ làm ra hành nghi, biểu pháp sai lầm. Thế mới biết được rằng đạo tâm của chúng ta ngày một thối chuyển chứ không tiến bộ.

Chúng ta có cơ hội tiếp xúc Phật pháp chính quy, được học chuẩn mực Thánh Hiền một cách chính quy, thế nhưng dần dần đạo tâm của chúng ta đang tan nhạt, ích kỷ càng ngày càng lớn, càng lúc càng tình chấp, “tự tư tự lợi”. Đó là lý do vì sao Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền không thể phát dương quang đại. Đáng lẽ ra, chúng ta được tiếp nhận Phật pháp và giáo huấn Thánh Hiền thì càng lúc “cái ta” và “cái của ta” nhỏ đi, lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh lại lớn hơn.

Người học chuẩn mực Thánh Hiền được Hệ Thống tổ chức lễ cưới đúng bài bản, đúng tiêu chuẩn thì bây giờ còn mấy người? Họ đến với Hệ Thống, được rạng tổ vinh tông nhưng lại không có một chút tâm tri ân, báo ân để phụng trì Phật pháp, phụng trì Thánh Hiền, phụng trì chúng sanh. Người được học chuẩn mực Thánh Hiền mà còn không mang tâm tri ân báo ân vậy thì chúng ta bảo người thế gian phải mang tâm tri ân báo ân là điều rất khó.

Cho nên Hòa Thượng dạy thân phải gần với thân Phật, thân Phật là thân Giới Định Huệ. Gần với thân Phật nghĩa là đời sống phải chuẩn mực hơn, đối nhân xử thế, đối người tiếp vật phải chuẩn mực hơn, càng lúc càng khiêm cung, khiêm hạ hơn. Hòa Thượng từng dạy rằng: “Độ chúng sanh chính là phục vụ chúng sanh. Dùng tâm gì để phục vụ? Dùng tâm cung kính, tri ân mà phục vụ”.

Ngài cũng khẳng định tâm thì phải khai mở được tâm Phật. Tâm của Phật là “Định”, là tâm “Thanh Tịnh”. Trong tâm “Thanh Tịnh” thì nhất định không có ô nhiễm bởi bất cứ thứ gì. Người xưa từng dạy: “Năm đầu mới học Phật, Phật ở ngay trước mặt. Năm thứ hai học Phật thì Phật ở ngoài hiên. Năm thứ ba học Phật thì Phật đã về Tây Phương” còn mình ở lai đây chìm đắm trong danh lợi. Ngày ngày chúng ta được học mà còn lui sụt, huống hồ chúng sanh chỉ học đòi theo dục vọng của thế gian.

Ngay khi thân chúng ta đề khởi được thân Phật, tâm chúng ta khai mở được tâm Phật thì hành nghi đi đứng nằm ngồi của chúng ta đã làm ra biểu pháp độ chúng sanh mà không cần chúng ta phải nói. Nói thật nhiều là sai rồi. Quan trọng là người ta nhìn vào hành nghi của mình là họ đã sanh ra sự ngưỡng mộ.

Hòa Thượng nói: “Kinh Vô Lượng Thọ là Giới Định Tuệ tam học đầy đủ nên chúng ta đặc biệt mang phẩm 32 đến phẩm 37 làm thành khóa tối. Nội dung của nó chính là Giới luật, mỗi ngày đọc tụng, phản tỉnh, cải lỗi, y giáo phụng hành chính là thân gần với thân Phật.

Chúng ta lại đem phẩm thứ 6 gồm 48 lời nguyện của Phật định thành thời khóa sớm. Bốn mươi tám nguyện là tâm nguyện của Phật, cho nên chúng ta có thể khai mở tâm của mình giống như tâm của Phật, nguyện của mình giống như nguyện của Phật, giải hành của mình giống như giải hành của Phật. Vậy thì mới là đệ tử chân thực của A Di Đà.

Hành giả niệm Phật như vậy mới chắc chắn nắm được phần vãng sanh, đâu phải niệm hữu khẩu vô tâm mà thành tựu được. Trước đây có người luôn dẫn chúng niệm Phật nhưng đến khi lâm chúng thì không niệm Phật và không cho ai niệm Phật hoặc có người chết tức tưởi mặt mũi xám xịt, thân thể cứng đờ. Những việc này lẽ ra phải được nói ra để cho người ta có tâm cảnh giác vì sao niệm Phật mà ra nông nỗi đó? Vì họ càng niệm thì càng “tự tư tự lợi”, càng hưởng thụ “năm dục sáu trần”, càng “tham sân si ngạo mạn”.

Giáo huấn của Phật được đặt trên nền tảng của tâm thanh tịnh. Đệ tử của Phật phải tu tâm thanh tịnh. Thân thì phải trải qua Giới Định nghiêm túc. Đây là chỗ khác biệt với Ma, Ma thì tùy thuận tập khí phiền não, thỏa mãn hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Cho nên Hòa Thượng dạy lấy phẩm 32-37 làm thời khóa vì nội dung về giới luật, tụng mỗi ngày một lần để phản tỉnh, cải đổi, y giáo phụng hành chứ không phải tụng để có số lượng, không phải tụng để có công đức với Phật. Còn phẩm 6 là tâm nguyện của Phật làm thành thời khóa sớm để chúng ta tâm, nguyện, giải, hành đồng với Phật, chứ không phải thuận theo tập khí phiền não.