110Thứ Ba, 30/07/2024, 15:32
202 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 202

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 30/07/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 202

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng trong việc tu hành của chúng ta sẽ thường xuất hiện Ma chướng, người tu giải đãi không đúng pháp thì rất ít gặp còn người tu tinh tấn đúng pháp thì thường hay gặp. Cho nên Hòa Thượng sách tấn chúng ta phải có bản lĩnh để khắc chế, khắc phục Ma chướng.

Một số người đang tu hành tốt một thời gian thì bỏ tu, hóa ra họ đã bị dẫn dụ bởi không tài thì sắc, không sắc thì danh. Ma chướng đến rất nhẹ nhàng, êm đềm. Hòa Thượng nói Ma còn rất đáng yêu cho nên không ai có thể nhận ra. Vậy Ma chướng là gì? Hòa Thượng nói rằng đó là những gì trái với Kinh điển, lời Phật dạy thì đều là Ma chướng.

Những gì làm tăng thêm tập khí phiền não như “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” thì đều là Ma chướng. Phật Bồ Tát không làm các việc tăng thêm phiền não cho chúng sanh. Những thứ gì làm tăng thêm sự tinh tấn, tăng thêm sự thanh tịnh của nội tâm thì đó không phải là Ma chướng.

Chúng ta có thể quán sát như sau: Nếu trước đây chúng ta tham một mà bây giờ tham hai thì biết đó là Ma, trước đây lười một mà bây giờ lười hai thì biết là Ma, trước đây lạy Phật 200 lễ mà bây giờ chỉ còn 100 lễ thì đó là Ma rồi, Ma giải đãi. Chỉ có Ma mới đi thỏa mãn tham cầu của chúng ta, Phật Bồ Tát thì không làm như vậy, các Ngài giúp chúng ta tăng trưởng “Giới Định Tuệ”.

Càng tu chúng ta thấy mình chân thành hơn, thanh tịnh hơn, đối đãi mọi sự mọi việc đều bình đẳng thì biết chúng ta đi đúng hướng, nếu thấy ngược lại thì biết rằng mình đang bị Ma dẫn đường. Có người cho tôi biết rằng đạo tràng của cô trước đây chuyên niệm Phật, sau đó có người nhập lên và dẫn cả đạo tràng đi làm từ thiện, không còn niệm Phật. Đây là đạo tràng đã bị Ma dẫn lối, quỷ đưa đường. Việc nhập lên nói vài điều huyền bí, dự đoán tốt xấu, phải quấy là chút thần thông của Ma nhỏ. Ma nhập lên mà nói ngày ngày phải tu tập tăng thời lượng từ 6 tiếng lên 7, 8, 9 tiếng là Ma tốt. Tuy nhiên, Ma chỉ giúp chúng sanh tăng “danh vọng lợi dưỡng”, tăng thêm hưởng thụ, tăng thêm “tham sân si mạn” mà thôi.

Đến bây giờ tôi không bị người ta sai sử vì họ chỉ cần ngỏ ý muốn làm gì là tôi luôn chủ động chỉ cho họ cách làm và sách tấn họ nghe pháp của Hòa Thượng vài ngàn giờ nữa để biết cách làm. Nếu không phản tỉnh thì Ma chướng sẽ đến để nhiễu loạn tâm thanh tịnh của chúng ta, làm lui sụt đạo tâm, làm người tu hành ngày càng giải đãi.

Xung quanh chúng ta, những tấm gương khiến cho mình tinh tấn hơn thì ít mà hành động làm cho mình lui sụt thì nhiều. Giải thoát hay đọa lạc là do chính mình nên chúng ta phải tự nỗ lực, tự phấn đấu. Phật Bồ Tát mong muốn chúng ta giải thoát còn yêu ma quỷ quái rất thích chúng ta bị đọa lạc. Chuyện thối tâm, giải đãi khiến họ rất thích, chỉ cần chúng ta tinh tấn một chút là họ tìm cách để chúng ta tinh tướng, để chúng ta lui sụt.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vượt qua một ngưỡng nào đó thì tự nhiên mình sẽ bước lên một bậc. Trước đây, khi bắt đầu làm việc gì đó, tôi từng có những ý niệm rằng: “Mình sẽ không làm được đâu”. Đến khi tôi làm được rồi thì tôi không còn nghe thấy tiếng nói đó nữa. Cho nên hằng ngày, duyên để tinh tấn thì ít, duyên để lui sụt thì nhiều.

Hòa Thượng nói: “Bổn nguyện của chư Phật lúc nào cũng hộ niệm, gia trì cho người lão thật niệm Phật”. Chư Phật đã hộ niệm thì long thiên hộ pháp sẽ trợ giúp nên yêu ma quỷ quái nhất định không dám đến. Niệm Phật là chánh niệm nên tâm đã chánh, hạnh cũng chánh thì tà không thể đến gần. Khi gặp rắc rối thì không cần phải làm gì để gỡ rối mà chân thành niệm Phật, sẽ được oai thần gia trì của 10 phương chư Phật. Cảm ứng với Phật Bồ Tát sẽ tùy theo tâm chân thành của mỗi người.

Hòa Thượng khẳng định: “Chỉ cần lão thật niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, thì được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì và 10 phương tất cả chư Phật, Như lai đều tán thán hộ niệm. Cho dù Ma có nhiều năng lực hơn và chính mình nghiệp chướng sâu nặng đến đâu thì Ma cũng sẽ không dám đến để nhiễu loạn, quấy phá.” Chúng ta niệm Phật không có lực vì khi niệm chúng ta còn do dự, chưa tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã hàng Ma thành đạo. Ma đã hiện ra mọi cảnh giới như mỹ nữ, độc xà mãnh thú, để nhiễu loạn Phật nhưng chúng không thể động chạm được đến Ngài. Ngài vẫn an định trong thiền định. Gần đây, có một vị thầy chuyên đi khất thực có kể rằng khi ngủ ngoài nghĩa địa cũng thấy nhiều cảnh Ma ghê sợ nhưng vị thầy đó quán sát thân này “là không” nên khởi niệm mặc cho chúng làm gì thì làm nhưng chúng chẳng làm gì được. Do đó, người niệm Phật có thể nghiệp chướng sâu nặng nhưng niệm nhất tâm sẽ vẫn được Phật A Di Đà và 10 phương chư Phật, Như lai tán thán hộ niệm nên Ma không dám đến quấy phá dù chúng có nhiều năng lực.

Chúng ta đang học đến Chương ba của Tịnh Không Pháp Ngữ, Hòa Thượng nhắc nhiều đến cảnh giới tu hành. Hiện tại chúng ta chưa đạt được cảnh giới đó nhưng việc học tập giúp chúng ta biết rõ việc tu hành trong tương lai của chúng ta sẽ trải qua như vậy. Không chỉ niệm Phật nhất tâm mới có cảm ứng, trong cuộc sống hằng ngày, chỉ cần chúng ta chân thành, nhất tâm cũng đều có cảm ứng. Một người ăn xin nhặt được chiếc ví của người chủ xe và trả lại trên capo của xe rồi lấy chiếc áo của mình che chiếc ví lại. Ông đứng đó và chờ rất lâu. Khi người chủ xe quay lại, thấy chiếc áo dơ dáy đó trên xe mình thì định quát người ăn xin nhưng sau khi thấy chiếc ví của mình ở dưới chiếc áo thì đã hiểu ra sự việc và hết lòng tri ân người ăn xin này.

Cho nên trong mọi sự mọi việc nếu chúng ta dụng lòng chân thành thì trên cảm động đến trời, dưới cảm động đến quỷ thần ở các tầng không gian khác. Tổ Ấn Quang nói: “Chân thành đến đỉnh điểm thì có thể chuyển được tâm phàm phu của mình” và cũng chuyển được tâm phàm phu của người. Cho nên nhất tâm không chỉ là nói đến niệm Phật mà là nói đến mọi sự mọi việc trong cuộc sống thường ngày đều phải nhất tâm. Nếu việc gì cũng nhị tâm, tam tâm thì việc đó đều không tốt.

Trong bài hôm nay, Hòa Thượng nhắc đến việc tu phước: “Phật dạy chúng ta phương pháp tu phước chân thật, dạy chúng ta phải bố thí, phải làm việc tốt.” Trong nhà Phật có câu kệ: “Đừng làm các việc ác. Vâng làm các việc thiện. Giữ tâm mình trong sạch. Đó là lời chư Phật dạy”. Từ “vâng làm” nghĩa là đã là việc thiện thì phải làm, chứ không phải không thích thì không làm, thích thì làm. Tinh thần của Phật pháp Đại thừa là các việc ác đương nhiên là không làm còn việc thiện mà không làm là trái với tâm hạnh của hành giả, tâm Đại Từ Bi bị thui chột còn.

Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta rằng căn bản nơi Phật dạy chúng ta là bố thí tài thì có tiền tài, bố thí pháp thì thông minh trí tuệ, bố thí vô úy thì khỏe mạnh sống lâu. Pháp là Phật pháp và những gì giúp ích cho người hoặc đối với giáo viên thì bài giảng giúp các con hướng thiện chính là pháp. Làm tốt bổn phận, vai trò, trách nhiệm của mình chính là đang bố thí. Người ta thông minh, trí tuệ là do người ta biết bố thí Pháp, luôn vì người khác mà lo nghĩ. Bố thí vô úy thì khỏe mạnh sống lâu. Vô úy là làm cho người ta an lành, có niềm tin.

Có người hằng ngày tinh tấn tu hành nhưng lại không mở tâm bố thí hoặc có bố thí nhưng chỉ làm cho dễ coi chứ không thật tâm. Cho nên, ngày ngày chúng ta phải biết bố thí Pháp, bố thí Tài, bố thí Vô úy, biết làm mọi việc thiện và niệm Phật, hoàn thành bổn phận vai trò trách nhiệm một cách tốt nhất mà không qua loa cho có lệ thì chính là bố thí. Tổ Ấn Quang cũng dạy chúng ta phải dốc hết trách nhiệm trong vai trò của mình, để làm ra tấm gương cho người khác nhìn vào. Mấy ngày nay tictok đưa rất nhiều câu chuyện cảm động và những hành động đẹp về Bác Tổng Bí Thư, làm ảnh hưởng tốt đến rất nhiều người.

Hòa Thượng nói: “Thân gần với Phật thân” nghĩa là chúng ta phải gần gũi với Phật. “Thân của Phật là Giới. Giới là quy củ, phép tắc mà thế gian thường nhắc đến. Oai nghi của Phật, đi đứng nằm ngồi của Phật, đối nhân xử thế tiếp vật đều là quy củ, chuẩn mực. Chúng ta phải đem hành nghi của Phật làm trên hành nghi của chính mình”. Nghĩa là chúng ta ngày ngày lấy giới, quy củ, phép tắc làm chuẩn mực trong đời sống của mình.

Ngài tiếp lời: “Tâm khai Phật tâm”. Khai là khai mở, khai mở Phật tâm. Phật tâm là thanh tịnh, Phật tâm là định. Hằng ngày chúng ta có định không? Rõ ràng là không có định vì chúng ta luôn ở trạng thái láu táu, hấp tấp, cuống cuồng. Cho nên chúng ta phải luôn xem xét, kiểm soát hành nghi, khí tiết của mình, tránh để rơi vào trạng thái không tốt cho việc hành trì niệm Phật của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Tâm Phật là định, tâm Phật thanh tịnh, tâm Phật một trần không nhiễm. Trên bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng có câu: Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai (Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi trần). Không có chỗ nào dính, không có chỗ nào bám thì đây gọi là Định. Định khởi tác dụng là Huệ. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, nếu đã có Huệ rồi, thì khi vừa mới tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, thì liền thông đạt, liền tường tận.”

Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết Bàn thì Ngài A Nan hỏi Phật rằng: “Khi Phật còn tại thế thì con nương vào Ngài, khi Ngài nhập diệt rồi thì con nương vào ai?” Phật trả lời rằng lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy. Tâm phải mở được tâm Phật, tức là tâm thanh tịnh, không nhiễm bụi trần. Tâm thanh tịnh rồi thì mọi sự mọi việc đều được quán thông, tường tận hơn, cách làm, đều rõ ràng. Ngược lại, mọi việc làm đều không rõ ràng là do tâm đã chìm trong danh lợi./.

****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!