48Thứ Ba, 30/07/2024, 11:45
201 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 201

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 29/07/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 201

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng mỗi chúng sanh chúng ta đều mang nghiệp chướng nặng nề. Nếu quán sát khởi tâm động niệm của mình mới thấy diễn biến của nghiệp vô cùng phức tạp. Ngay khi chúng ta có sự kiểm soát thì nghiệp vẫn diễn ra còn khi chúng ta mất kiểm soát thì nó còn diễn ra hết sức tùy tiện.

Thế mới biết được là công phu của chúng ta còn quá non kém. Chúng ta không thể khắc chế được tập nghiệp của chính mình nên cũng chẳng đối trị được nghịch cảnh, chướng duyên. Cho nên khi sanh tử đến, theo Ngài Lý Bỉnh Nam, chúng ta đáng sanh tử, đọa lạc thế nào thì sẽ sanh tử, đọa lạc như thế đó. Từ đời quá khứ, tập nghiệp đã trở thành thói quen và hiện đời chúng ta vẫn để tập nghiệp tiếp tục hình thành và phát triển, do đó, chúng ta không thể cưỡng lại được nó.

Hằng ngày, chúng ta tưởng mình đã tu tốt nhưng chỉ cần gặp chướng duyên nghịch cảnh thì ngay lập tức các tập khí phiền não xấu ác liền khởi hiện hành. Đó chính là nghiệp chướng nhiều đời. Những thứ gì chúng ta ưa thích hay ghét bỏ sẽ tức thì hiện tiền trước mặt chúng ta để xem xem khởi tâm động niệm của mình như thế nào. Thuận thì khởi ưa thích, nghịch thì khởi chán ghét.

Nhưng chúng sanh thì không chấp nhận rằng mình có nghiệp chướng nặng nề. Ngay cả người tu hành cũng vậy! Vì không có công phu, không có cách để khống chế tập khí nên họ dần dần rơi về phía thích cảm ứng, thích thần thông. Họ muốn “vô công hưởng lộc” – thích có thứ tốt đẹp cho mình mà không muốn bỏ ra công sức. Từ đó, họ rơi vào Ma đạo. Đó là lý do vì sao yêu ma quỷ quái trong Ma đạo càng lúc càng nhiều, đây cũng chính là các oan gia trái chủ của chúng ta. Họ tìm cách cản trở, tạo mọi duyên để đẩy chúng ta vào Ma đạo, rời xa Phật đạo. Nếu chúng ta đến với Phật đạo thì họ khó có cách để hại chúng ta, ngược lại, đến với Ma đạo, họ mới dễ dàng hành xử chúng ta.

Ngài Ngộ Đạt quốc sư có 10 kiếp đều là cao tăng, tu hành nghiêm túc nên Tiều Thố không cách gì tiếp cận. Đến kiếp thứ 10 khi được nhà Vua tặng chiếc ghế trầm hương, Ngài Ngộ Đạt khởi một niệm “danh vọng lợi dưỡng” là: “Chỉ có bậc quốc sư như ta mới xứng đang ngồi chiếc ghế này”, do đó, oan hồn Tiều Thố liền đến gần được Ngộ Đạt, nhập vào đầu gối làm thành mụn ghẻ mặt người, biết ăn thịt. Trong đời quá khứ, hai người có tranh chấp với nhau và Tiều Thố vì ức mà tự vẫn nên ôm lòng oán hận Ngài Ngộ Đạt.

Chúng ta nghe câu chuyện này thì thấy ly kỳ nhưng khoa học ngày nay đã phát hiện ra rằng có loại virut có thể ăn thịt. Cho nên vì sao chướng ngại càng lúc càng nhiều? Là do oan gia trái chủ gây nên. Chỉ riêng đời này, quán sát các khởi tâm động niệm của chúng ta mới thấy chúng ta đã tạo ra bao nhiêu sự oan trái huống chi là tính đếm từ vô lượng kiếp về trước đến nay. Bản thân tôi, lúc trẻ ăn rất nhiều cá lóc, đến tối nằm mơ thấy con các lóc Vua lao lên đớp vào cổ. Do thích ăn cá lóc nên mới có giấc mơ như vậy.

Nghiệp chướng của chúng ta sâu dày đến nỗi ngay cả khi chúng ta đang kiểm soát tập khí phiền não của mình, chúng ta vẫn thấy nghiệp hiện hành. Ví dụ như khi chúng ta ngồi niệm Phật trang nghiêm trước ban Phật mà vọng tưởng vẫn khởi triền miên. Cho nên chúng ta phải tránh duyên, tránh đến những nơi, những hoàn cảnh mà một khi mình tiếp xúc, nó có thể dẫn khởi tập nghiệp của mình. Người xưa có câu “Bạn lành thì nương cậy, thầy tà thì phải tránh xa”, mình gần người sát sanh, trộm cắp, nói dối rồi một ngày mình sẽ sát sanh trộm cắp và nói dối. Chúng ta một khi vào những nơi thác loạn, xa đọa thì chắc chắn sẽ bị dẫn khởi.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ở trong thế gian này, thiên tai nhân họa triền miên nên hãy đặc biệt mà cẩn thận. Mạng người là vô thường, thời gian của sinh mạng vô cùng quý báu, hơn bất cứ thứ gì. Không nên để nó trải qua một cách uổng phí”. Thiên tai gồm động đất, sóng thần, mưa bão, lở đất nên mạng người là vô thường. Chúng ta từng nghe người xưa nói: “Một tấc thời gian mua được một tấc vàng nhưng một tấc vàng không mua được tấc thời gian.” Có thời gian mới làm ra của cải nhưng của cải chẳng mua được thời gian. Khi quỷ vô thường đến, chẳng ai có thể đánh đổi được tài sản để xin thêm nửa giờ sinh mạng.