Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 27/07/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 199
Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, người niệm Phật cả đời mà không thể vãng sanh là do một trong bốn nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là niệm Phật không tinh, không chuyên, không chân thành, thường gián đoạn. Nguyên nhân thứ hai là niệm Phật nhưng có nghi hoặc đối với Tịnh Độ. Nhiều người niệm Phật nhưng không tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc, không cầu vãng sanh. Có người dạy người niệm Phật, tổ chức lễ vía Phật A Di Đà nhưng họ không tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong câu chuyện kể về việc vãng sanh của người thợ rèn Hoàng Đạo Thiết, vợ của người thợ rèn đã từng hỏi ông: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc có thật hay sao?”.
Trong pháp Tiểu Thừa không nhắc đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không nhắc đến mười phương cõi nước chư Phật mà chỉ nói đến Thích Ca Mâu Ni Phật. Người đang học tập pháp Đại Thừa mà chuyển sang học pháp Tiểu Thừa thì họ sẽ không còn tin có Tịnh Độ. Đây là như Hòa Thượng nói: “Thông minh bị thông minh hại!”. Chúng ta muốn học rộng, nghe nhiều, biết nhiều thì chúng ta sẽ không còn niềm tin với pháp môn Tịnh Độ.
Nguyên nhân thứ ba của việc người niệm Phật cả đời mà không thể vãng sanh là chúng ta có nguyện vãng sanh nhưng trong tâm chúng ta không thật sự muốn đi. Nhiều người chỉ ước nguyện trên miệng, trong sâu thẳm tâm họ không muốn đi vì họ còn nhiều vướng bận. Hằng ngày, những thứ nào khiến chúng ta lao tâm khổ trí thì khi chúng ta lâm chung những thứ đó sẽ hiện ra một cách mãnh liệt. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật sắp thành đạo thì Ma biến ra hình ảnh công chúa Da Du Đà La, nếu khi đó, Ngài phóng tâm thì trạng thái thiền định sẽ bị phá vỡ. Chúng ta không thể buông xả thì chúng ta không thể tự tại ra đi.
Nguyên nhân thứ tư là chúng ta không thể đoạn tham ái, tham ái lớn nhất của chúng ta chính là tham sống, sợ chết. Chúng ta thường tham luyến thế giới Ta Bà, tham luyến tài sản, vợ chồng, con cái. Nếu chúng ta không buông xả được tất cả vướng mắc thì chúng ta không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta dùng niệm Phật tu nhân chứng quả vô lượng trí tuệ, công đức để đối trị vọng tưởng. Khi nào vọng tưởng quá nhiều, không thể hàng phục thì chúng ta phải nghĩ đến sự phát tâm tu trì, chứng quả của Đức Phật A Di Đà”. Đức Phật phải trải qua rất nhiều thời gian mới có thể thành tựu. Chúng ta có một chút công phu thì chúng ta càng thấy rằng vọng tưởng của chúng ta rất đáng sợ!
Có người nói với Hòa Thượng, họ niệm Phật đã nhiều năm nhưng những cảnh tượng trước đây họ từng ăn chơi, thác loạn hiện về một cách rõ ràng như vừa mới xảy ra. Khi chúng ta niệm Phật những việc đã xảy ra rất lâu cũng có thể hiện ra một cách rõ ràng. Nếu chúng ta có nhiều vọng tưởng, chúng ta không thể dừng được vọng tưởng thì chúng ta hãy nghĩ đến sự phát tâm tu trì chứng quả, nghĩ đến công cuộc độ chúng sanh, nghĩ đến vô số công đức thù thắng của Phật. Cách này rất khó đối với chúng ta, thay vì đó, chúng ta nghĩ đến những tấm gương ngay trước mắt chúng ta, đó là quá trình tu hành, sự hy sinh phụng hiến và công cuộc độ sanh của Hòa Thượng Hải Hiền, Hòa Thượng Tịnh Không. Chúng ta thường mới làm được một chút việc thì chúng ta đã cho rằng mình làm được rất nhiều việc.
Hòa Thượng nói: “Niệm Phật là tu nhân thành Phật là chứng quả. Một câu “A Di Đà Phật” là bao gồm vô lượng trí tuệ, vô lượng công đức. Chúng ta dùng cách niệm Phật này để đối trị vọng tưởng của chính mình. Chúng ta làm thế nào để đối đãi với ác cảnh, nghịch duyên? Chúng ta dùng pháp tánh bình đẳng, không tịch, vô vi”. Gặp phải nghịch duyên chúng ta phải nghĩ đến “vạn pháp giai không”. Người thế gian cũng nói: “Việc gì rồi cũng sẽ qua!”. Nghịch cảnh, chướng duyên lớn đến cùng tột thì chúng cũng sẽ qua.
Trên “Kinh Kim Cang”, Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Những gì có hình tướng đều là hư vọng. Chúng ta chân thành, miệt mài tu hành thì chướng duyên, nghịch cảnh cũng sẽ nhanh chóng đi qua. Hoà Thượng không dạy chúng ta, khi gặp chướng duyên, nghịch cảnh thì cầu Phật Bồ Tát gia hộ. Chúng ta đã tạo nhân, chướng duyên, nghịch cảnh chỉ là quả. Nếu chúng ta biết cách tu tập thì nghịch cảnh, chướng duyên sẽ qua nhanh, nếu chúng ta không biết cách tu tập thì nghịch cảnh, chướng duyên sẽ ngày càng nhiều.