12Thứ Sáu, 26/07/2024, 16:00

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 26/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 198

Tất cả chư Phật chỉ có một nguyện vọng là chúng sanh mau được thành Phật. Nếu chúng ta có tâm khẩn thiết thì việc thành tựu sẽ không khó! Hằng ngày, chúng ta đã quen làm việc một cách chểnh mảng, nếu chúng ta không nỗ lực, hạ quyết tâm thì chúng ta rất khó có thành tựu. Đời sau, chúng ta không dễ gặp chánh pháp, gặp Thầy tốt bạn lành.

Hòa Thượng nói: “Tâm của chúng ta phải giống như tâm Phật, nguyện của chúng ta phải giống như nguyện của Phật. Tâm của chư Phật Bồ Tát đều là thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Phật lân mẫn yêu thương tất cả chúng sanh, dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh. Đây là tâm đại từ, đại bi của Phật. Nếu tâm từ bi, tâm bình đẳng của chúng ta chân thật hiển lộ thì đây chính là chúng ta có tâm Phật”. Chân tánh, chân tâm của chúng ta hiện tiền thì chúng ta đã bước vào được pháp giới của chư Phật. Chúng ta tu hành điều quan trọng là chúng ta quay trở về với chân tâm, chân tánh. Hằng ngày, tâm chúng ta bị chi phối bởi được mất, hơn thua, thành bại, tốt xấu nên chúng ta dễ bị Yêu Ma Quỷ Quái dẫn dụ.

Ở thế gian, chúng ta có thể bị gạt, nếu trong tu hành, chúng ta bị những người cùng học Phật, cùng tu gạt thì đó là điều rất đau khổ. Chúng ta bị gạt bởi chúng ta có ý niệm “danh vọng lợi dưỡng”, có tâm mong cầu. Nếu chúng ta lão thật, thành thật tu hành thì không ai gạt được cta. Thí dụ, chúng ta cảm thấy mình tu lâu mà chưa có tiến bộ, chúng ta thấy người khác mới tu mà có tiến bộ, chúng ta chạy theo họ thì chúng ta sẽ bị gạt. Phật nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Tất cả pháp có thể thành tựu đều ở chữ nhẫn. “Nhẫn” là kiên trì một cách dài lâu.

Nhà Phật nói: “Phật Bồ Tát thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”. Chúng ta tu hành thì chúng ta phải làm đúng như lý, như pháp. Chúng ta cầu mong cảm ứng thì chúng ta sẽ bị Ma dẫn dắt. Có người nghe pháp Hoà Thượng đã lâu nhưng khi họ nhìn thấy một vị có thần thông, họ cho rằng vị đó là A-La-Hán nên đã tin theo. Ngày nay, nhiều người dùng công nghệ để lừa gạt người khác, mọi người bị gạt bởi họ tích chứa rất nhiều tiền. Tiền không thanh tịnh thì sẽ chiêu dụ Yêu Ma đến. Chúng ta không tích chứa tiền bạc thì không có ai muốn lừa gạt chúng ta. Chướng ngại là do chính chúng ta, ngày ngày, chúng ta vẫn đang bị sai sử bởi tập khí, phiền não.

Hòa Thượng nói: “Có người cả đời niệm Phật mà không thể sinh Tịnh Độ, nguyên nhân thứ nhất là vì họ niệm Phật bị xen tạp, không tinh, không chuyên, không thành, niệm Phật gián đoạn. Thứ hai là, người niệm Phật vẫn có hoài nghi với Tịnh Độ. Thứ ba là người miệng niệm Phật nhưng ý nguyện không muốn đi. Thứ tư là, không thể đoạn được tham ái”. Chúng ta chỉ cần nhất tâm niệm Phật không cần vừa niệm vừa nói lời mong cầu. Nhiều người vừa niệm Phật vừa nói lời mong cầu thí dụ như: “Phật ơi, xin cho con được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc!”.

Phật A Di Đà biết rõ khi nào chúng ta đủ nhân duyên để vãng sanh, Ngài sẽ an bài cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng, tinh, chuyên, thành, tín, không xen tạp. Phật không “cảm tình dụng sự”, chúng ta đủ tiêu chuẩn thì tự nhiên chúng ta sẽ đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta không thể vừa niệm Phật vừa mong cầu. Chúng ta vì vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc nên chúng ta mới niệm “A Di Đà Phật”. Chúng ta chỉ cần chân thành, chuyên nhất niệm, không cần vừa niệm vừa cầu xin.

Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Lòng tin là mẹ đẻ của công đức. Cta hoài nghi Tịnh Độ vậy thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta có vướng bận, không thể buông xuống. Chúng ta sống đến một độ tuổi nào đó thì có thể chúng ta sẽ không còn tâm tham ái, điều quan trọng là tuổi thọ của chúng ta đủ để chúng ta dứt được tham ái. Nếu tâm tham ái chưa dứt thì khi sinh tử vô thường đến chúng ta chắc chắn phải đi vào luân hồi.

Phật nói: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sinh Tịnh Độ”. Nghiệp ái không nặng thì không sinh vào cõi Ta Bà, niệm Phật không tinh chuyên không thể đến được Tịnh Độ. Chúng ta có tâm tham ái đối với đời sống hiện tại, nếu phải rời bỏ thì chúng ta sẽ vô cùng đau khổ. Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta phải buông xả tất cả, buông xả thân tâm thế giới. Chúng ta chưa đề khởi được tâm buông xả hoặc tâm buông xả của chúng ta đang quá yếu ớt. Chướng ngại là từ ở nơi chính mình.