11Thứ Tư, 24/07/2024, 17:51

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 24/07/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 196

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng những ông già bà lão không biết chữ chỉ biết niệm Phật có thể đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biết trước giờ ra đi. Còn những phần tử tri thức là cao minh thì làm việc gì cũng thiếu đi phần thanh tịnh, luôn tự cho mình biết hơn nên vọng tưởng phân biệt chấp trước quá nhiều.

Vừa qua chúng ta thấy một số phần tử tri thức cao minh lại bị chính cao minh của mình lừa gạt, đến nỗi bây giờ thân bại danh liệt không còn chỗ đứng trong cuộc đời, như Hòa Thượng dạy rằng: “Trừ khi chúng ta không làm, còn khi đã làm thì đừng cầu mong người ta đừng biết” bởi vì nhất định trời biết, đất biết, mình biết, người biết.

Những ông già bà lão luôn thành thật, lão thật niệm Phật còn một số phần tử tri thức thì ngược lại, một mặt niệm Phật, một mặt khởi vọng tưởng hoặc làm chút được việc thì cho rằng mình có công trạng. Trong vọng tưởng đầy những “thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu”, làm mất tâm thanh tịnh của người tu. Tổ sư đại đức dạy rằng tâm “Tịnh” thì cõi nước “Tịnh”, không có tâm thanh tịnh thì cho dù niệm Phật nhiều cũng không tương ưng cõi “Tịnh”.

Đây là điểm phân biệt giữa Phật pháp chân chánh và tà pháp. Tà pháp không giúp tâm người tu thanh tịnh. Tâm không “Tịnh” thì phiền não càng nhiều. Vừa rồi trên báo có đăng một đạo khiến gia đình người ta đang hạnh phúc thì trở nên tan nát vì vợ chồng li dị, suốt ngày chỉ cúng bái. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật nói, người mà muốn vãng sanh, muốn thành tựu đạo quả mà còn tâm dâm, tâm dục thì không khác gì nấu cát thành cơm. Huống hồ giáo chủ đạo này là một người nữ dạy đạo cho người khác được phép nhiều “thiếp” và dùng quyền giáo chủ để chọn người chồng trong gia đình đó làm “thiếp” của mình. Những người trong cuộc đều là phần tử tri thức, gia đình giàu có mà không nhận ra rằng mình đang bị lừa.

Hòa Thượng từng dạy mỗi chúng ta có 99% nguy cơ rơi vào tà kiến. Chỉ cần chúng ta tiếp cận một pháp nào đó thì liền khởi phân biệt, chấp trước cho nên tốt nhất chúng ta đã có pháp, có lối đi rồi thì không nghe, không thấy, không biết. Phật đạo thì phải xa lìa “Sát Đạo Dâm, Tham Sân Si, Nói dối, Nói lưỡi đôi chiều, Nói lời hung ác, Nói lời thêu dệt” còn Ma đạo thì không phải bỏ những thứ này, vẫn cứ làm thoải mái. Ma đạo lôi kéo được nhiều người đi theo vì bản thân những người đó thích làm những việc mà đạo Phật khuyên là nên phải xa lìa.

Phật pháp chân chánh càng tu học thì càng làm chúng ta đạt tâm thanh tịnh, tâm lượng rộng mở. Không cần “danh vọng lợi dưỡng” hay bất cứ thứ gì mà chỉ là tâm rộng lượng vì lợi ích chúng sanh. Như lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói trên ngực này không một tấm huân chương nhưng sau lớp áo này là một trái tim.

Chúng ta học Phật thì tập khí phiền não phải nhỏ dần và mất đi thì mới là có công phu, còn tập khí lớn dần cho thấy mình đã sai, phải làm lại từ đầu may ra còn có đủ thời gian. Hòa Thượng nói: “Vọng tưởng càng nhiều thì tạo nghiệp luân hồi càng nhiều. Việc này nhất định không nên học. Đã là người tu hành việc càng ít càng tốt, quen biết người càng ít càng tốt”, giống như người xưa nói: “Giao tình của người quân tử nhạt như nước” còn kẻ tiểu nhân thì nồng nàn nhưng thật ra chỉ là lừa dối lẫn nhau. Chúng ta chỉ cần không còn danh phận gì thì biết ngay tình cảm đó còn thật không.

Quen biết người càng ít càng tốt cho nên chúng ta phải lựa chọn. Thiện hữu tri thức và Thầy tốt bạn lành là những người chúng ta cần nên quen biết. Quen biết người giàu, người địa vị cao đôi lúc mình sẽ bị họ sai xử. Có người nói với tôi rằng nếu dịch bộ Kinh đó trong vòng 3 năm thì sẽ tài trợ khoản tiền lớn mà cả đời chưa chắc đã có nhưng tôi từ chối ngay và nói rằng tôi có cách làm của tôi. Riêng việc dịch Kinh thì phải hết sức cẩn trọng, không thể tùy tiện. Đúng như lời dạy của Hòa Thượng, càng quen biết ít càng tốt, quen người có địa vị, danh vọng, tiền tài càng ít càng tốt vì cuối cùng vẫn chỉ làm nhiễu loạn thân tâm của chúng ta.

Công việc cũng vậy, phải là những công việc lợi ích chúng sanh thì đáng làm, chứ không phải đi tìm các công việc truy cầu danh lợi. Tôi từng đi các tỉnh tìm việc và đã mở ra các lớp trải nghiệm, lớp kỹ năng sống. Người xưa dạy rằng biết nhiều việc thì thêm phiền não, quen nhiều người thì lắm thị phi, phải quấy, tốt. Việc này chúng ta quan sát là sẽ sáng tỏ, chỉ cần chúng ta tan nhạt những tập khí “danh vọng lợi dưỡng”, “ảo danh ảo vọng” thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy rõ mọi việc như chỉ trong lòng bàn tay. Hôm nay lên lớp học, tâm cảnh chúng ta như thế nào chúng ta biết rất rõ. Chúng ta học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền thì phải hết sức cẩn trọng, biết quan sát một chút, đến đâu cũng phải xem xét hoàn cảnh sống của người khác để nhập gia tùy tục.