24Thứ Ba, 23/07/2024, 10:27

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 23/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 195

Hòa Thượng nhắc chúng ta tu hành thì cần phải ngày một tiến bộ hơn. Sự tiến bộ được nhìn từ “tâm thanh tịnh”. Đạt được “tâm thanh tịnh” thì sẽ có “Định”, “Định” sẽ sanh “Tuệ”. Mọi việc nếu từ nơi “Định” mà làm thì nhất định sẽ quán sát thông suốt. Hiện tại có những người học Phật đã 5, 7 thậm chí 10 năm mà trong khi làm việc vẫn cuống cuồng, bị lôi cuốn một cách không có tự chủ chứ không phải làm việc nhanh nhẹn.

Đã tu hành thì cần phải mỗi ngày một “thanh tịnh” như trên đề Kinh Vô Lượng Thọ đề cập gồm “tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác” ngày một hiển bày rõ ràng hơn. Chúng ta quán sát kỹ thì thấy chính mình vẫn mỗi ngày một phiền não hơn. Mỗi ngày đi qua là sự già nua và cái chết đang đến gần cho nên đừng chủ quan nghĩ là mình còn khỏe hay còn lâu mới chết. Nếu không chịu quán sát thì chúng ta không nhận ra dự báo về vô thường để dọn đường chuẩn bị cho chuyến đi của chúng ta. Thực sự là mọi việc đang dần không theo ý muốn của mình, lực bất tòng tâm. Cho nên việc cần làm thì phải làm ngay, đừng chần chừ nữa!

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta đạt đến tiêu chuẩn tâm thanh tịnh thì mọi sự chúng ta sẽ rất tùy duyên mà không phan duyên cưỡng cầu. Chúng ta niệm Phật phải đạt tâm của một người con thất lạc quê hương lâu ngày muốn trở về nhà. Mẹ thì tâm tâm niệm niệm đều nhớ đến con, cả đời không hề gián đoạn mà tâm của con cái lại không hề nhớ đến Mẹ. Nếu chúng ta có thể đem tâm mỗi niệm nhớ đến con cái chuyển thành nhớ đến Phật, niệm Phật thì thành công. Người thông minh thì mỗi niệm chỉ là niệm “A Di Đà Phật”.

Rõ ràng, mỗi chúng ta đều không phải là người thông minh vì mỗi niệm đều nghĩ đủ thứ chứ không nghĩ đến Phật. Có thể chúng ta không nặng nề khi nghĩ về con nhưng lại nặng nề khi nghĩ đến những thứ khác, vẫn là so đo “thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu, lời lỗ”. Cho nên mỗi chúng ta đều có lỗi vì đã không thể chuyển vọng niệm thành những câu niệm Phật khiến chúng ta ngày ngày sống trong phiền não.

Chúng ta biết đó chính là tập khí phiền não nhưng bản thân mình vẫn lây dây với chúng. Đây là biểu hiện của nghiệp chướng sâu nặng. Tập khí là thói quen, thật sự rất đáng sợ. Những việc mấy mươi năm trước tưởng chừng đã quên nhưng thực ra vẫn chưa quên, khi có cơ hội nó sẽ hiện hành. Có người nói với Hòa Thượng rằng trước kia họ là người ăn chơi, thứ gì cũng có hết, thế nhưng, sau nhiều năm cố gắng niệm Phật, những cảnh tượng ngày trước vẫn hiện về rõ mồn một, không hề mất đi.

Nguyên nhân vì những thứ đó đã được gieo vào A lại da thức của chúng ta. Chỉ cần có cơ hội là được trình chiếu rõ ràng, không thiếu thứ gì kể cả chi tiết nhỏ nhất. Cho nên Hòa Thượng nói chúng ta hãy cố gắng nhổ bỏ, dọn hết cho sạch những chủng tử đó nơi tạng thức của mình, chuyển đổi thành những hạt giống thuần tịnh, thuần thiện. Ngài nói phải đem câu “A Di Đà Phật” chuyển thành hạt giống để khi nó sanh khởi đều chỉ sanh khởi “A Di Đà Phật”.

Chúng ta nghe như vậy thì hiểu nhưng cảm thấy rất khó vì ngày ngày mỗi niệm sanh khởi không phải sanh khởi câu “A Di Đà Phật” mà là sanh khởi “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta được học, rồi quán sát mới thấy điều này rất đáng sợ. Có người đã trải qua 10, 20 thậm chí gần 30 năm tu học mà những tập khí nêu trên tưởng chừng đã mất nhưng thực tế chúng không hề mất đi mà càng lúc càng mạnh mẽ thậm chí không già đi chút nào, trong khi bản thân mình đã già nua rồi.

Tu hành chính là ngày ngày quán chiếu, xem lại chính mình, đừng để tâm chúng ta rơi vào “ảo danh ảo vọng”. Người không có cơ hội “ảo danh ảo vọng” thì thôi, chứ nếu có cơ hội thì liền “ảo danh ảo vọng”, vì vậy, tâm thanh tịnh của chúng ta liền bị phá nát. Chẳng ai can thiệp, cấm cản được chúng ta, mà chính chúng ta phải nhớ mà phòng vệ tâm thanh tịnh của mình, không để bị phá nát. Hòa Thượng hỏi ai làm chúng ta đọa lạc? Câu trả lời là không ai cả mà chính mình đưa mình đến chỗ đọa lạc.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta thấy một số người không biết chữ, họ là những ông cụ bà lão cùng khổ, dường như rất vô tri. Một ngày từ sáng đến tối họ chỉ biết niệm một câu A Di Đà Phật. Thế nhưng quán sát kỹ về họ thì thấy họ rất tự tại, không hề dính mắc, vướng bận.” Con người thì chạy theo “danh vọng lợi dưỡng”, truy cầu hưởng thụ “năm dục sáu trần”, còn họ thì tự tại trong đời sống, tự tại đến lúc ra đi. Ngài tiếp lời: “Có người đứng mà đi, ngồi mà đi, biết trước giờ ra đi, không hề bị bệnh. Một người tưởng như vô tri thế mà hơn rất nhiều phần tử tri thức cao minh”.