88Thứ Hai, 22/07/2024, 16:00

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 21/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 193

Bài học hôm nay, Hòa Thượng nhắc chúng ta chuyên cần niệm Phật. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Đây là nhân quả chắc thật, tạo nhân thiện thì được quả thiện. Khi niệm chúng sanh là niệm danh, niệm lợi, niệm tự tư ích kỷ thì những thứ đó sẽ đến. Khi niệm Phật thì Phật tâm thường hằng nơi ta. Đó chính là Phật.

Hằng ngày chúng ta đầy vọng niệm mà không niệm Phật thì không thể gần được Phật cho nên Hòa Thượng khẳng định nhân quả chắc thật với chúng ta: “Niệm Phật là Nhân, Thành Phật là Quả”. Nếu không ai tin điều này thì họ cũng đã không tin vào nhân quả. Niệm yêu thương, bao dung, tha thứ thì được yêu thương, bao dung, tha thứ.

Hòa Thượng nói: “Vì sao phải nhất tâm trì danh hiệu Phật? Bởi vì con người ở thế giới này của chúng ta có tâm quá phức tạp”. Đây có phải là tâm cảnh của chúng ta không? Tâm chúng ta phức tạp bởi diễn biến theo tập khí phiền não, chen lẫn vọng tưởng quá nhiều. Có người từng thốt lên rằng: “Tôi không thể biết được anh!” thì họ nhận được câu trả lời là: “Tôi còn không biết tôi nữa”. Vì sao thế? Vì tâm con người thay đổi, chuyển biến khôn lường.

Tôi từng biết một cụ ông hơn 70 tuổi, rất quắc thước. Ông có hơn 40 năm nghiên cứu thiền học, là người tu thiền có danh có tiếng. Có hai điều ở ông làm tôi ngạc nhiên. Điều thứ nhất là ông từng nói rằng ông ấy sống với vợ mình 40 năm mà không biết bà ấy là ai. Tôi nghe mà thấy giật mình, thế mới biết lòng người quá phức tạp. Cho nên chúng ta đừng tưởng rằng người ta đang trung thành với mình nhưng thật ra người ta không còn trung thành với mình nữa hoặc người ta nói thương mình nhưng thật ra người ta đã không còn thương nữa. Và việc thứ hai là ông đến mua hai xâu chuỗi kim cang để niệm Phật. Tôi hỏi nguyên nhân, Bác nói: “Thầy tặng 4 đĩa Phật pháp, tôi thấy bà nhà tôi nghe đi nghe lại và ngồi nghe nghiêm túc. Tôi thấy lạ liền nghe cùng và thấy hay quá. Đó là bộ đĩa “Tư lương Tịnh Độ” - bộ đĩa đầu tay tôi dịch. Tôi hỏi bác tu Thiền định rất tốt mà, ông nói: “Không ăn thua, phải niệm Phật thôi”.

Hòa Thượng dạy rằng: “Trì danh là để tịnh hóa tâm loạn động này. Hồi phục lại bản tâm thanh tịnh của chính mình.” Bản tâm của mình là thuần tịnh thuần thiện nhưng giờ không được như vậy là do nhiễm ô bởi thế gian. Khi chưa có danh thì không sao, đến lúc có danh thì có chuyện. Khi không có lợi thì không sao, đến lúc có lợi thì mất hết tâm thanh tịnh. Danh lợi đã làm chúng ta mất hết tâm thuần thiện, thuần tịnh.

Vừa rồi tôi trở về nhà cũ và được nghe hàng xóm kể chuyện về một gia đình có một khu đất rất to trong hẻm chỉ còn hai Mẹ con nhưng đứa con kiện Mẹ ra pháp đình và đẩy Mẹ ra đường. Đây là vì lợi, trước đây không có lợi, bây giờ lợi quá lớn. Cho nên chúng ta phải hiểu được rằng, làm người đừng để danh lợi mất đi đạo nghĩa.

Câu nói của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thật là xúc động: Con người sống mà mất đi danh dự thì không đáng để sống. Nói đến đây, chúng ta thấy cần phải làm ra những tấm gương, đừng để những tấm gương bị đổ vỡ. Sống ở thế gian này, lòng người quá phức tạp, ngày ngày niệm Phật, nghĩ đến Phật để tịnh hóa tâm ô nhiễm của chúng ta.

Chúng ta học Phật, niệm Phật là để hồi phục tâm thuần thiện thuần tịnh của chính mình. Nếu 5, 10 năm học tập mà chúng ta chưa có tiến triển gì là biết chúng ta đã sai nên phải làm lại từ đầu. Khởi đầu tốt thì kết quả mới tốt. Đó là trong cuộc đời hiện sinh này, chúng ta có chuyển đổi, tịnh hóa được thân tâm của mình, có thay đổi tập khí phiền não của mình hay không? Không ai cứu chúng ta mà chính mình phải tự cứu chính mình. Học Phật là để thành Phật, niệm Phật là để vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, đó là điểm tột cùng cao nhất. Ngày ngày chỉ chăm chăm việc phải vãng sanh mà bỏ qua việc xem xét tập khí mình có vơi bớt không, hay càng lúc càng nặng nề hơn mà không biết lo sợ.

Giống như việc ngày ngày khuyên người ta tu bố thí, tu xả bỏ còn cá nhân mình vô túi mình càng nhiều càng tốt, vậy sẽ thành ra thứ gì? Đây là lời nhắc nhở của Hòa Thượng. Chúng ta bảo người ta bố thí, xả bỏ thì chính mình phải bố thí, xả bỏ gấp đôi người khác, đó mới là chân thật khuyên người.