32Thứ Bảy, 20/07/2024, 22:18

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 19/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 191

Hòa Thượng nhắc, chúng ta phải luôn nhớ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta làm những việc ở thế gian là vì chúng ta từ bi xuất phương tiện. Chúng ta tận tâm tận lực làm những việc cần làm nhưng chúng ta không lưu lại trong tâm, trong tâm chúng ta chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta dính mắc vào những việc mình đã làm thì tâm chúng ta ở thế giới Ta Bà, chúng ta không thể đến thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Tâm chúng ta không chuyên nhất, chúng ta niệm Phật bị gián đoạn là do phiền não, nghiệp chướng của chúng ta rất nặng. Tất cả chúng sanh đều có đại căn, đại bệnh là chúng ta quá quen với việc khởi phiền não, tập khí, quá xa lạ với câu Phật hiệu. Người kiểm soát tâm tốt thì họ sẽ không để tập khí, phiền não phát tác, khởi hiện hành. Nhà Phật nói: “Tu hành giống như chèo thuyền ngược nước”. Chúng ta phải giữ được tâm thường hằng, chúng ta chểnh mảng, chúng ta quên chèo thuyền thì chiếc thuyền sẽ bị trôi lùi đi rất xa.

Hòa Thượng nói: “Mỗi lúc, mỗi nơi chúng ta phải đề cao cảnh giác, phản tỉnh chính mình”. Chúng ta thường tự tiện thả trôi tâm. Người xưa nói: “Tâm viên ý mã”. Ý của chúng ta giống như con ngựa thả rông trên cánh đồng, tâm chúng ta như con khỉ tự do chuyền cành. Tu hành là chúng ta luôn phản tỉnh, đề cao cảnh giác, chúng ta chân thật tu hành thì chúng ta sẽ có công đức, phước báu.

Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta đang độ chúng sanh, hằng ngày, chúng ta không làm phiền chúng sanh là tốt cho chúng sanh rồi!”. Trong vô hình chung chúng ta làm phiền lòng chúng sanh nhưng chúng ta không phản tỉnh. Buổi sáng, khi chúng ta học Zoom, Ban kỹ thuật phải tắt tiếng, tắt hình của những người ngồi học không nghiêm túc. Việc nhỏ chúng ta chưa làm được thì chúng ta chưa thể làm được việc lớn.

Hòa Thượng nói, trong suốt 24 giờ, tâm chúng ta không được xen tạp, gián đoạn. Trong mọi hoàn cảnh, môi trường chúng ta đều phải phản tỉnh. Chúng ta chỉ phản tỉnh khi ở trước mọi người, trước Phật thì đó là chúng ta đang ảo danh ảo vọng. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cầm vật rỗng như vật đầy. Vào phòng trống như có người”. Chúng ta bước vào căn phòng không có người thì chúng ta cũng phải đầy đủ lễ tiết, không tùy tiện.

Chúng ta phản tỉnh chậm là do tập khí, nghiệp chướng của chúng ta quá nặng. Thời gian chúng ta huân tập Phật pháp quá ít, thời gian chúng ta huân tập tập khí quá nhiều, chúng ta đã huân tập những tập khí, phiền não này từ vô lượng kiếp. Trên Kinh nói: “Nếu nghiệp chướng của chúng ta có hình tướng thì tam thiên, đại thiên chứa cũng không hết”. Tam thiên, đại thiên bao gồm vô số tinh cầu, rộng đến vô cùng, vô tận. Chúng ta không làm phiền cho chúng sanh đã là tốt cho chúng sanh, có những việc chúng ta làm tốt cho chúng sanh ở nơi này nhưng lại gây hại cho chúng sanh nơi khác. Người thế gian thường nói đây là: “Bóp cổ miền xuôi nuôi miền ngược

Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta phải nghĩ ra biện pháp để tiêu trừ nghiệp chướng”. Biện pháp tốt nhất để tiêu trừ nghiệp chướng là chúng ta viễn ly, xa rời hoàn cảnh dễ làm chúng ta dấy khởi tập khí, ảo danh ảo vọng. Tôi luôn tìm đến chốn tịch tịnh, ít tiếp xúc cảnh duyên. Tôi tích cực làm việc để tâm không vọng tưởng. Ở đây, ngoài thời gian học tập, niệm Phật, dịch thuật, viết chữ, thì tôi còn ra ngoài làm tất cả mọi việc. Khi tôi đến thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, tôi làm việc ở các vườn rau. Tôi tích cực làm những việc lợi ích cho người. Nơi nào làm chúng ta tăng thêm danh, lợi thì chúng ta rời xa. Chúng ta ưa thích cái gì thì chúng ta tìm cách tránh nó vậy thì tập khí của chúng ta không có cơ hội dấy khởi.

Chúng ta có quá nhiều tập khí xấu ác, nếu ở trong môi trường thuận lợi thì những ác hạnh này sẽ hoàn nguyên, hồi phục như cũ. Chúng ta đừng tưởng chúng ta hiền, chúng ta nhìn thấy một người chúng ta ghét thì chúng ta có thể khởi ý niệm mong họ chết đi. Nếu ý niệm của chúng ta có năng lực mạnh mẽ, chúng ta vừa khởi ý niệm muốn người khác chết, người đó liền ngã ra thì chúng ta đã hại biết bao nhiêu người rồi! Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta ác đến mức độ nào! Trong ý niệm, chúng ta đã từng muốn bao nhiêu người chết? Tốt nhất là chúng ta viễn ly, rời xa những chốn có thể làm chúng ta dấy khởi tập khí, phiền não.