29Thứ Bảy, 20/07/2024, 22:18

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 18/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 190

Hòa Thượng dạy chúng ta, trong mọi sự, mọi việc đều phải dùng tâm chân thành và luôn cầu học, cầu tiến bộ. Hòa Thượng nói: “Mỗi ngày chúng ta phải tốt hơn”. Mỗi ngày mới, ngày ngày mới. Ngày hôm sau tốt hơn hôm qua, tháng sau tốt hơn tháng trước, năm sau tốt hơn năm trước. Việc này nếu chúng ta quán sát thì chúng ta sẽ nhận ra một cách rất rõ ràng. Chúng ta không tiến bộ đồng nghĩa với việc chúng ta đang lùi. Trong những năm gần đây, thông qua lời dạy của Hòa Thượng, quán sát người thế gian làm trong những nghề nghiệp khác nhau, chúng ta nhận thấy nhân quả rất đáng sợ, không ai có thể thoát được nhân quả. Chúng ta trồng nhân thiện thì chúng ta được quả thiện, trồng nhân ác thì nhận quả ác. Chúng ta muốn tu hành tiến bộ thì hằng ngày chúng ta phải quán sát nhân quả.

Những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đăng tin nhiều vụ việc làm sai lời dạy của Phật Bồ Tát, trái với pháp luật, nhiều người tưởng rằng họ có thể che dấu được những việc làm sai trái của mình. Hòa Thượng nói: “Chúng ta không thể dấu được ai! Chúng ta chỉ dấu được những người mơ mơ, hồ hồ, chỉ cần người có một chút tâm thanh tịnh thì họ đã nhận ra”. Người tuỳ tiện tán thán một vị không có đức hạnh hoặc mắng một vị chân thật tu hành có đạo lực thì sẽ phải nhận nhân quả. Người xưa dạy chúng ta chỉ tán thán đức hạnh của người khác. Chúng ta làm thiện thì nhất định chúng ta có quả thiện, chúng ta đối nhân xử thế bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ nhận được quả báo tốt đẹp.

Hòa Thượng nói: “Bồ Tát có một pháp là ngày ngày thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để một chút bất thiện xen tạp”. “Niệm thiện pháp” là chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật”. “Quán sát thiện pháp” là quán sát nhân quả, nhân quả không sót một mảy trần. Chúng ta gieo nhân yêu thương thì nhận quả yêu thương, gieo nhân tang tóc thì nhận quả tang tóc, chúng ta không thể “lấy vải thưa che mắt thánh”. Mỗi ngày, chúng ta phải cần cầu tiến bộ trong học tập, công phu, trong việc sửa mình.

Mỗi chúng ta đều có năng lực của Phật Bồ Tát. Chúng ta cho rằng không ai có sở trường như mình, không ai làm được như mình thì chúng ta đã đại vọng tưởng. Năng lực của mỗi người như nhau. Chúng ta đều có thể thành được Phật điều quan trọng là chúng ta phải nỗ lực. Trước đây, có những việc tôi tưởng rằng mình không thể làm được nhưng sau đó, tôi vẫn có thể làm tốt.

Ngày trước, tôi nhìn thấy một bức tường xây nhiều năm không trát bị rêu phủ, nếu tiếu tục để như vậy sẽ nhanh bị mục, hư, bức tường phải được trát vữa nhưng tôi chưa bao giờ làm việc này. Lần đầu tiên tôi trát, vữa rơi gần hết, lần thứ hai thì vữa rơi ít hơn, đến lần thứ ba thì tôi đã làm được. Trước khi trát bức tường tôi có tâm so đo, được mất, tôi sợ mình không làm được nhưng khi bắt tay vào làm thì tôi tập trung. Ngày đầu tiên chúng tôi làm được ⅓ bức tường, ngày thứ hai chúng tôi làm được hơn ⅓, sau hai ngày rưỡi thì bức tường đã được trát xong. Chúng ta có năng lực để làm được mọi việc. Nếu chúng ta làm trong 10 ngày chưa làm được thì chúng ta làm trong 100 ngày, 1000 ngày.

Trước đây, thời gian khi tôi bị bệnh, ban đầu, tôi nghĩ tôi chỉ có thể học được hơn 300 đề tài, sau đó, tôi cố gắng học được hơn 700 đề tài, rồi đến 1200 đề tài, tôi nhận ra chúng ta có năng lực làm được tất cả mọi việc. Nếu chúng ta không làm được một việc thì đó là do chúng ta không chịu làm. Đối với việc vãng sanh cũng như vậy, điều quan trọng là chúng ta có muốn vãng sanh hay không. Chúng ta muốn vãng sanh thì chúng ta phải toàn tâm toàn ý làm mọi việc, không dính mắc vào “danh vọng lợi dưỡng”, nâng cao tâm vượt thoát sinh tử.

Gần đây, tôi quán sát nhân quả, tôi nhận thấy không ai có thể thoát được nhân quả. Phật nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Trước khi làm một việc Bồ Tát đều quán sát nhân nên các Ngài không tạo ra nhân bất thiện. Chúng sanh chúng ta làm theo tập khí, phiền não, theo cái ta, khi phải nhận quả xấu thì chúng ta mới sợ, lúc đó thì đã muộn. Hoà Thượng nói: “Không còn kịp nữa!”.

Chúng ta đừng học trên hình thức, chúng ta phải chân thật quán sát, thay đổi khởi tâm động niệm của chính mình. Nếu chúng ta nghe như “nước đổ lá khoai” thì chúng ta sẽ không thể tiến bộ. Gần đây, khi tôi quay trở lại với công việc dịch đĩa của Hòa Thượng, tôi cảm thấy mình có cảm thụ sâu sắc hơn. Chúng ta có thời gian huân tập lâu thì chúng ta sẽ có cảm thụ cao hơn. Chúng ta có cảm thụ cao thì chúng ta sẽ có cảm ngộ sâu sắc hơn. Hòa Thượng nói: “Chúng ta học một thì làm một, học hai thì làm hai”. Chúng ta làm chưa được, làm chưa tốt thì chúng ta làm lại từ đầu.