23Thứ Bảy, 20/07/2024, 22:18

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 17/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 189

Hòa Thượng giảng rất rõ về năm điều không thể nghĩ bàn của pháp môn niệm Phật. Đây là năm điều nổi bật nhất trong vô số những điều không thể nghĩ bàn mà pháp môn này mang đến. Cho nên pháp niệm Phật không phải dành cho ông già bà lão mà ngay đến thượng căn, thượng trí, hàng Bồ Tát đến hàng hạ căn hạ trí, chỉ cần có lòng tin phát tâm niệm một câu “A Di Đà Phật” thì đều có thành tựu.

Nếu chúng ta muốn niệm Phật thành tựu thì tâm chúng ta phải thanh tịnh, phải không dính mắc. Tuy nhiên, chúng ta dính mắc rất vi tế vào “danh vọng lợi dưỡng”, ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần, tham sân si mạn”. Ví dụ khi lễ Phật mà lúc đứng lên dẵm vào áo tràng khiến lễ đó bị chậm lại thì ngay lúc này ý niệm sân khởi lên. Một mặt hồ phẳng lặng, không có chút gợn sóng thì mặt hồ mới thanh tịnh.

Chúng ta phải luôn quán chiếu mới nhận ra diễn biến phức tạp của tâm. Con người ngày nay với ý tưởng của mình mà còn có thể chế tạo ra chiếc máy biết tính toán, phân tích, giải mã được các chu kỳ vận hành của cả vũ trụ. Cho nên Hòa Thượng chỉ dạy rằng nếu con người hằng ngày không niệm Phật thì chỉ niệm vọng tưởng.

Có những người cho rằng họ không cần niệm mà giữ tâm không. Hòa Thượng chỉ dạy rằng, chúng ta không thể giữ được tâm không, chúng ta hoặc sẽ ngủ gục hoặc sẽ vọng tưởng. Trong một khẩy móng tay có tới 36 triệu ý niệm. Các ý niệm xuất hiện rất vi tế và quá nhanh nên chúng ta không cách gì nhận ra được.

Không học Phật, chúng ta không biết được việc này. Có người nói rằng trước đây không có vọng niệm nhưng từ ngày niệm Phật hay tụng Kinh thì vọng niệm tuôn trào. Hiểu như vậy là không đúng! Trước đây, chúng ta thuận theo vọng niệm, không có gì ngăn lại nên giống như dòng suối từ hồi nào đến giờ vẫn chảy tự do, bây giờ có một vật cản lại không cho dòng suối chảy nữa thì nước sẽ bắn lên tung tóe.

Không phải là trước đây không có vọng niệm. Trước đây vọng niệm vẫn nhiều nhưng vì chúng ta không kiểm soát mà chạy theo vọng niệm nên không nhận ra chúng. Bây giờ niệm Phật tức là có kiểm soát mới thấy vọng niệm quá nhiều. Vì vậy, Hòa Thượng mới nói ngồi đó không vọng tưởng thì cũng ngủ gục chứ làm gì giữ được tâm không! Do đó, dù chúng ta tu hành bất cứ pháp môn nào thì kết quả tu hành phải là phiền não vọng tưởng cùng các tập khí xấu ác càng lúc càng ít đi.

Tâm người tu càng thanh tịnh thì trí tuệ càng phát triển, lòng đại từ đại bi càng rộng mở, khả năng nhìn thấy các việc cần làm để lợi ích chúng sanh càng rõ ràng hơn. Tu lâu mà chẳng thấy lợi ích chúng sanh chút nào, càng lúc chỉ lợi cho bản thân mình thì đã tu sai. Hoặc có những người tu hành mà tất cả tập khí phiền não vẫn còn y nguyên, khi gần “Tài, Danh, Lợi, Sắc, Thực, Thùy” thì dính “Tài, Danh, Lợi, Sắc, Thực, Thùy”.

Có người nói mọi thứ họ đều không dính mắc, đều buông xả nhưng không ai hiểu họ buông xả cái gì vì họ chẳng có thứ gì cho ai, chẳng quan tâm đến ai, mọi thứ đều là mình tiêu dùng. Đây là chỗ sai lầm nghiêm trọng mà họ không thấy. Hòa Thượng nói về chữ “Vô trụ” rất hay: “Trải qua 63 năm tu học, tôi mới thể hội được thế nào là vô trụ”. “Vô trụ” chính là buông xả mà buông xả chính là “Vô trụ”. Buông xả mọi sự mọi việc, không còn dính mắc nữa. Buông xả “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si ngạo mạn”.

Ngay ở chỗ “Vô trụ” mà sanh tâm. Sanh tâm gì? Sanh tâm “Đại từ Đại bi”, cứu giúp và làm lợi ích được tất cả chúng sanh. Bây giờ nếu chúng ta sanh tâm mà chưa ở trạng thái “Vô trụ” thì sẽ vì “tư lợi”, vì “cái ta” và vì “cái của ta” mà sanh tâm. Nếu từ “Vô trụ” mà khởi một câu “A Di Đà Phật” thì liền tương thông với Phật, lúc đó ta chính là “A Di Đà Phật” mà “A Di Đà Phật” chính là ta.

Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta rằng “Vô trụ” chính là sanh tâm, sanh tâm chính là “Vô trụ”. Sanh tâm và “Vô trụ” là một không phải là hai. Chúng ta có thể thể hội được rằng nếu chúng ta khởi tâm động niệm hay sanh tâm mà không từ nơi “Vô trụ” tức là không lìa tướng, vẫn dính mắc vào tướng thì phiền phức. Vì sao? Vì chúng ta sẽ “tự tư tự lợi”, vì “ta”, vì “cái của ta” mà sanh tâm. Mọi chướng ngại sẽ phát sinh từ đây, sẽ xuất hiện tâm “lời lỗ, được mất, tốt xấu, hơn thua, phải quấy”.