Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 16/07/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 188
Hòa Thượng chỉ dạy cho chúng ta biết pháp môn niệm Phật có năm điều bất khả tư nghì. Buổi học hôm trước, Hòa Thượng đã nêu ra ba điều. Thứ nhất là “siêu vượt tam giới”, thứ hai là “tức sanh Tịnh Độ” - ngay tức thời có thể sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, thứ ba là “chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” không cần mượn nhờ bất cứ phương tiện nào khác là có thể vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.
Việc này trong Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương đã dạy chúng ta rằng: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, nhập tam ma địa” nghĩa là chúng ta đóng kín sáu căn “mắt tai mũi lưỡi thân ý” và cho dù ngày ngày chúng ta tiếp xúc nhiều sự vật, sự việc, con người hay hằng ngày chúng ta làm nhiều công việc từ sáng đến chiều với khó khăn, nặng nhọc hoặc bên ngoài có bất cứ vọng động nào thì chúng ta không khởi tâm, chỉ giữ một niệm “A Di Đà Phật”, thấy mà không thấy, nghe mà không nghe.
Sở dĩ chúng ta mệt mỏi vì chúng ta dính mắc vào thân, thấy rằng mình đang làm, thấy rằng một ngày mình làm việc nhiều tiếng đồng hồ. Còn người rời khỏi thân, không chấp vào thân, chỉ nhớ một câu “A Di Đà Phật”, vừa làm việc vừa niệm Phật thì cả ngày họ sẽ không hề mệt mỏi.
Câu chuyện ông thợ rèn đã chứng minh điều này. Một ngày không làm việc thì gia đình ông không có cơm ăn, nỗi khổ đó khiến ông rất mệt mỏi. Nhưng từ khi ông gặp được pháp sư dạy ông khi gõ một tiếng búa hoặc lúc kéo ống thổi lửa thì niệm một câu “A Di Đà Phật” nên ông thấy thoải mái, phấn khởi. Sau này ông biết trước giờ vãng sanh.
Vãng sanh không phải là chết mà chết thì không phải là vãng sanh. Chết là mơ mơ hồ hồ mà ra đi, thần trí mê muội không nhận ra mình và mọi người xung quanh, còn vãng sanh là biết rõ trước ngày giờ, tự tại ra đi. Bộ sách Thánh Hiền Lục đã ghi lại hơn 1000 trường hợp vãng sanh và còn có rất nhiều người vãng sanh chưa được ghi lại. Pháp môn niệm Phật rất thù thắng, trong bài này, Hòa Thượng nêu lên những thù thắng của pháp môn này.
Điều thứ nhất là niệm Phật vượt ra khỏi tam giới gồm Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới, thẳng đến Tây Phương Cực Lạc. Điều thứ hai là người niệm Phật đủ tiêu chuẩn, biết trước giờ ra đi, muốn vãng sanh sẽ ngay tức thời vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Điều thứ ba là chỉ trì danh hiệu “A Di Đà Phật” mà không cần mượn nhờ bất cứ phương tiện nào, không cần trì chú, tụng Kinh, hay tham thiền.
Cách đây 10 năm trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ thì tôi nhớ rất rõ Hòa Thượng nói rằng: “Bạn có đủ can đảm để suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?” Lúc tôi mới nghe, tôi tư duy rằng chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” mà khó đến vậy sao? Càng về sau, tôi càng thấy rằng quả thật là khó! Vì sao? Vì chúng ta không tin. Chúng ta thấy người ta trì chú linh quá thì liền trì chú, thấy người ta ngồi thiền an lạc quá thì cũng ngồi thiền. Lúc này tâm xen tạp dấy khởi, không thể kiên trì một pháp.
Ông cha ta từng dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Một nghề tinh chuyên thì mới đạt được đỉnh cao. Pháp tu cũng vậy, chỉ một pháp mới đạt đỉnh cao. Vì sao chúng ta niệm Phật không đạt được cảnh giới thù thắng, vi diệu, bất khả tư nghì như những người tự tại vãng sanh? Vì chúng ta niệm hời hợt, xen tạp và không có lòng tin.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có niềm tin sâu sắc. Trước đây, trong thời gian tôi bị bệnh thập tử nhất sinh, tôi không thể động được vào nước vì chỉ cần một giọt nước nhiễm vào tay là cảm giác đau như bị kim đâm. Xung quanh tôi, mọi người nói rằng tôi bị tà ma rồi, khuyên tôi phải trì Chú Đại Bi. Nhưng tôi biết tôi phải làm gì! Tôi thậm chí không uống thuốc, mỗi ngày đều là niệm Phật lạy Phật, ngày khỏe thì lễ 500 lễ, ngày choáng váng mệt mỏi thì 180-200 lễ. Trong suốt ba tháng không tắm vì động vào nước là đau nhưng khi tôi lễ thì mồ hôi ra rất nhiều, ướt sũng áo tràng. Tôi hành trì như vậy trong vài tháng thì bệnh thuyên giảm, vẫn chỉ là một câu “A Di Đà Phật”. Đây là do tôi có niềm tin và chính niềm tin đã cứu sống chính mình.