76Thứ Bảy, 20/07/2024, 22:18

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 15/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 187

Hòa Thượng dạy chúng ta phải lìa tướng thì mới dùng được năng lực, trí tuệ, đức năng chân thật của chính mình làm lợi ích chúng sanh. Ngược lại, nếu chúng ta còn dính tướng, chấp trước thì chúng ta không thể khơi được năng lực của tự tánh, mọi việc làm của chúng ta sẽ rất hạn chế.

Người có năng lực chuyên ở ngành nghề này thì không thể giỏi ở ngành nghề khác. Duy chỉ có năng lực của tự tánh thì có thể thông suốt tất cả. Người thế gian cho rằng điều này thật mơ hồ. Chúng ta là người đã trải qua một thời gian tu học nên mới có thể cảm nhận được.

Hôm trước, có một chị Phật tử rất lo lắng làm sao có thể lo cho đủ 600 xuất ăn cho các em học sinh và các Thầy Cô giáo nhưng thực tế các bữa ăn đều đầy đủ. Cho nên, có những việc chúng ta tưởng rằng không thể làm được nhưng rồi cuối cùng vẫn có thể được. Đó là nhờ năng lực tự tánh tức là khi chúng ta rời sự dính mắc, phân biệt, chấp trước thì mọi sự mọi việc đều tường tận trong tầm tay, xử lý rất nhanh chóng, không có chướng ngại.

Rất nhiều người sẽ không hiểu vì sao có những con người sẵn sàng hy sinh cho người khác. Câu trả lời đơn giản là vì họ bỏ đi sự “tự tư tự lợi”, bỏ đi sự hưởng thụ “năm dục sáu trần” của riêng mình nên có thể giúp được nhiều người. Người xưa dạy chúng ta chỉ giảm bớt một hai bữa tiệc tùng là có thể có một phần dành cho người nghèo đói hay đồ cũ không dùng mà cho đi thì vẫn hữu dụng.

Có một cô cho biết rằng con cô ấy vừa mở một nhà hàng mà chỉ riêng tiền thuê trang trí nhà hàng đã lên tới 25 tỷ đồng. Một vị khách đã đến nhà hàng này ăn uống và hóa đơn lên đến 300 triệu đồng, trong đó có một chai rượu trị giá 200 triệu đồng. Cho nên, thay vì hưởng thụ thì chúng ta không hưởng thụ mà đi chia sẻ, cứu giúp mọi người.

Tuy nhiên vì khởi tâm động niệm của người thế gian chúng ta đều là nghĩ đến chính mình, đều là “tự tư tự lợi” cho nên nghĩ mọi việc đều không được thông. Người thế gian không bước vào cảnh giới tu tập thì vĩnh viễn không bao giờ có thể hiểu. Tổ sư đại đức từng dạy rằng con người sống trên thế gian chỉ “cần” là đủ rồi, đó là cần mặc, cần chỗ nghỉ, chỗ che mưa che nắng, cần phương tiện đi lại chứ chúng ta không bị ràng buộc ở mức “phải có”. Những thứ đó khiến chúng ta vọng tưởng quá nhiều và tiêu hao không biết bao nhiêu là năng lượng, tiền tài, vật chất để phụng sự cho vọng tưởng này.

Một lớp học kỹ năng sống cho trên 150 em học sinh và Thầy Cô ở Đà Nẵng, một ngày ăn không đến 1 triệu vì rau, đậu phụ tự chúng ta làm, gạo có người mang đến, người nấu là người của mình. Nếu chúng ta còn ăn bào ngư, vây cá thì không biết một bữa là tiêu không biết bao nhiêu tiền. Rõ ràng chỉ cần bớt đi sự “tự tư tự lợi”, bớt đi hưởng thụ của riêng mình là có thể giúp được rất nhiều người.

Có người đi ăn sáng đã vài trăm ngàn, còn mình bữa sáng là gói xôi 5000 đồng. Bạn tôi từng mời họp lớp, mỗi người một ngành nghề, lương họ là 20 triệu/tháng, vậy mà họ sống không dư giả vì họ phải sắm đồ mới, mua chai nước hoa và chi cho việc ăn uống. Họ không còn cách nào để giúp người khác có lợi ích. Chúng ta chỉ cần tiết kiệm một chút, bớt đi tư dục của riêng mình thì sẽ có nhiều tiền lợi ích chúng sanh.

Phật pháp dạy lìa tướng, chính là lìa sự dính mắc tâm “tự tư tự lợi”, tâm thích hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Lìa được những thứ đó thì trí tuệ liền phát sanh, mọi sự mọi việc đều nằm trong tầm hiểu biết của chúng ta một cách rõ ràng. Tuy nhiên nếu chúng ta háo danh háo lợi thì tâm chí chìm ngập trong danh lợi khiến đầu óc sẽ rất mụ mẫm. Khi tổ chức sự kiện, chúng ta có xúc động nhưng vẫn tỉnh táo, không quên công việc của mình, để tổ chức sự kiện thành công. Đó là quán thông! Ngược lại, nếu người ta cảm xúc, mình cũng cảm xúc, thì mọi công việc mờ mịt.

Bài học hôm nay, Hòa Thượng nhắc đến từ “Bất khả tư nghì” – có nghĩa là không thể nghĩ bàn, có bàn cũng không ra, vượt ra khỏi sự nghĩ bàn của con người. Người ngày nay dùng từ “bất khả tư nghì” không đúng, họ cho rằng chỉ cần vượt qua chút năng lực con người là họ cho đó là “bất khả tư nghì”, thậm chí Ma đạo cũng dùng cụm từ này. Trong Bồ Tát Chí Nhạo Kinh, Phật nói rằng ma tử ma tôn còn dùng hết những mỹ từ của nhà Phật.