103Thứ Hai, 15/07/2024, 09:02
185 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 185

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 13/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 185

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, Phật pháp chân chính giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, khinh an, tự tại”. Nhiều người học Phật bị sai sử, lệ thuộc bởi người khác. Có người nói với tôi, họ đến một nơi, sau đó, định kỳ họ phải quay lại nơi đó nếu không thì họ sẽ cảm thấy rất bất an, giày vò. Trong xã hội hiện đại vẫn có những người dùng ma đạo để gây ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta chỉ đến những nơi mà chúng ta biết rõ, nếu chúng ta tuỳ tiện đến một nơi nào đó thì chúng ta có thể sẽ rơi vào lưới của Ma. Phật pháp chân chính giúp chúng ta đối trị tập khí, phiền não. Ma khiến chúng ta tăng trưởng tập khí, giúp chúng ta thoả mãn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”.

Có một người nói, họ là người buôn bán nên họ không thể không nói dối, sau đó, có một vị nói rằng, nếu là người buôn bán thì nói dối cũng không sao. Có người niệm Phật lâu ngày nhưng mở chuỗi nhà hàng, họ cho rằng giết hại chúng sanh phục vụ cho công việc thì sẽ không sao. Ma không giúp chúng ta hạn chế, tiêu trừ nghiệp xấu ác của thân, khẩu, ý. Ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta là thân thì sát đạo dâm; Miệng thì nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác và nói lời thêu dệt. Người thế gian không muốn tiêu trừ tập khí, họ chỉ muốn cúng dường, tạo phúc. Có người học Phật rồi nhưng vẫn muốn mua danh, người tu hành chân chánh thì không cần danh lợi.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật, mỗi ngày chúng ta phải tự tại, an vui, hoan hỷ, tường tận hơn”. “Tường tận” là chúng ta biết thật giả, tốt xấu, phải quấy. Chúng ta tu hành mà chúng ta không tự tại, an vui, ngày càng mờ mịt, mụ mẫm thì chúng ta đã tu sai. Người thế gian đa phần cảm tình dụng sự, nếu một người có danh vọng, địa vị mà làm sai thì chúng ta cũng không làm theo họ. Có những người có học vị Tiến sĩ, Giáo sư, nhưng họ vẫn làm những việc sai trái vì họ đang chìm trong danh lợi. Những việc tương ưng với tính đức, với tự tánh thì chúng ta làm theo, việc không tương ưng với tính đức, với tự tánh thì chúng ta không làm. Thầy của chúng ta làm sai thì chúng ta cũng không làm theo mà chúng ta phải can gián. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cha Mẹ lỗi khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu”.

Ngày trước, khi tôi làm phiên dịch, tôi có thu nhập rất cao, tôi chìm đắm trong thoả mãn “năm dục sáu trần”, nhưng tôi luôn cảm thấy đây không phải là cuộc sống mình mong muốn. Tôi luôn mong muốn thay đổi cuộc sống đó. Khi tôi bắt đầu dịch pháp của Hòa Thượng thì lương tâm tôi không còn day dứt. Chúng ta làm những việc thuận theo tự tánh thì chúng ta sẽ không thấy bất an.

Hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, lương tâm chúng ta có bị day dứt không? Chúng ta làm trái với tự tánh thuần tịnh, thuần thiện thì lương tâm chúng ta sẽ bị day dứt. Chúng ta được học để chúng ta đề khởi tự tánh thuần tịnh, thuần thiện. Người xưa nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Tự tánh của chúng ta vốn là thuần tịnh, thuần thiện. Hiện tại, tự tính của chúng ta bị ô nhiễm bởi những thứ cám dỗ bên ngoài nhưng đây chỉ là tập nhiễm. Nhiều người làm sai nhưng họ không cảm thấy cắn rứt vì lương tâm của họ đã bị “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” chôn vùi.

Những ngày gần đây, tôi xem video thấy có những người ngày ngày nói về đạo đức nhưng chính họ vi phạm nghiêm trọng đạo đức, họ làm tổn hại đến rất nhiều người. Nhiều người tu học nhiều năm nhưng khi sắp ra đi, họ vẫn chìm đắm trong danh lợi. Có người gần 90 tuổi, cả đời tu hành nhưng khi sắp mất thì họ luôn hỏi: “Tiền của tao đâu?”. Đây là họ chỉ tu hành trên hình tướng, nội tâm của họ vẫn chìm đắm trong “tài, sắc, danh, thực, thuỳ”, ngày ngày huân tập “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta xem nhẹ “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta sẽ không bị trói buộc bởi những thứ này.

Hòa Thượng nói: “Lợi ích chân thật của Phật pháp Đại Thừa không gì vượt hơn pháp môn niệm Phật. Ngày ngày, Chúng ta chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, buông xả thân tâm, lão thật niệm Phật, đây chính là đại tự tại, đại an lạc, chúng ta nhất định không còn mê hoặc, điên đảo, nhận ra được chân tướng mọi sự vật, sự việc”. Chúng ta chỉ nghĩ đến Phật thì chúng ta không nghĩ đến những thứ khác. Chúng ta niệm Phật không cảm thấy có mùi vị nhưng khi chúng ta niệm tài sắc, danh lợi thì chúng ta cảm thấy những thứ này có mùi vị nồng nặc. Thí dụ, chúng ta nghĩ đến tiền hay nghĩ đến một món ăn thì mùi vị của tiền, của món đó hiện ra một cách rõ ràng. Tất cả những điều này chỉ là vọng tưởng. Chúng ta khởi vọng tưởng mà chúng ta dừng ở đó thì không sao nhưng khi chúng ta khởi vọng tưởng thì chúng ta liền sẽ khởi phân biệt, chấp trước. Bao giờ chúng ta niệm Phật mà chúng ta cảm thấy có mùi vị thì chúng ta mới có thể vượt thoát sinh tử.