33Thứ Sáu, 12/07/2024, 15:33

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 12/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 184

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, Thiện Đạo Đại Sư khuyên người học Phật nên nghe lời Phật dạy, không nên nghe Bồ Tát vì trí tuệ, đức năng của Bồ Tát vẫn chưa viên mãn. Cách đây khoảng mười năm, một số người nói họ tu theo lời dạy của Hòa Thượng Tịnh Không, nhiều người tin theo họ mà không quan tâm đến lời nói, việc làm của họ có tương ưng với Hòa Thượng hay không. Đây là họ đã tình chấp, y theo tình cảm không y theo trí tuệ. Chúng ta học Phật pháp thì chúng ta phải có tín, giải, hành, chứng. Chúng ta tin rồi thì phải hiểu, chúng ta hiểu rồi thì phải làm, chúng ta làm thì phải có kết quả. Chúng ta tu hành đúng thì kết quả là phiền não ngày càng ít, trí tuệ ngày một khai mở. Nếu chúng ta tu hành mà phiền não ngày càng nhiều, trí tuệ ngày càng lu mờ thì chúng ta đã tu sai.

Trong tùy hoàn cảnh mà Hòa Thượng sẽ nói tin thì dễ nhưng hành mới khó hay hành thì dễ tin mới khó. Cách đây khoảng 15 năm, một sư cô báo với mọi người là cô sắp vãng sanh, những người ở nơi đó thông báo là nơi của họ sắp có người vãng sanh nên mọi người kéo đến xem rất đông. Những người này không biết cương lĩnh của pháp môn Tịnh Độ, không biết tiêu chuẩn của người vãng sanh. Chúng ta ở trong thời kỳ Mạt pháp nhưng nếu chúng ta tu hành đúng nguyên lý, nguyên tắc thì chúng ta vẫn đang được tiếp nhận chánh pháp. Chúng ta nghe lời nhắc nhở của Phật giống như tiếng trống bên tai thì những lời này sẽ giúp chúng ta phá vỡ căn hầm đã u tối nhiều đời, nhiều kiếp. Nếu thời gian huân tập, quy nạp Phật pháp của chúng ta chưa đủ, thời gian quy nạp những thứ ô nhiễm quá nhiều thì chúng ta nghe lời Phật dạy sẽ không có cảm giác.

Hòa Thượng nói: “Chỉ cần tâm chúng ta có chút thanh tịnh thì chúng ta sẽ nhận chân ra tất cả chân tướng, sự thật”. Tâm chúng ta có một chút thanh tịnh thì chúng ta sẽ nhận ra là một người đang dùng “danh vọng lợi dưỡng” phục vụ chúng sanh hay dùng “danh vọng lợi dưỡng” phục vụ bá đồ của họ. Hòa Thượng nói: “Chúng ta khuyên người bố thí nhưng mình thì vô càng nhiều càng tốt vậy thì thành ra thứ gì chứ!”. Có người nói rất hay, nói như hoa trời rụng nhưng tâm của họ “tự tư tự lợi”, họ chỉ muốn mọi người cúng dường bằng tiền chẵn hoặc chuyển khoản.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp chân chánh không nhắc đến tiền”. Phật pháp chân chánh giúp chúng sanh phá trừ tập khí, phiền não. Nhiều người học Phật đã bỏ học Phật chạy theo tà ma, làm những việc trái luân thường đạo lý. Ngày nay, người chân thật hiểu Phật pháp rất ít, có những pháp hội, người nói và người nghe đều cười rất to, khi chúng ta nghe nhắc nhở về tập khí, phiền não của mình thì chúng ta phải cảm thấy xấu hổ. Chúng ta có tâm dục, tâm dục sẽ dẫn đến khổ dục. Người có một chút tâm thanh tịnh sẽ nhận ra mùi của “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”.

Hôm trước, tôi đến Huế, một thanh niên lái xe nói những lời hết sức khẩn thiết, quyết liệt là anh mong được tri ân tôi. Tôi nói, anh khởi tâm là được, anh biết tri ân là tốt, cố gắng hành hiếu với Cha Mẹ, tôi tổ chức chương trình cho mọi người không phải cho tôi. Trong mọi sự, mọi việc, chúng ta phải hết sức phản tỉnh, cảnh giác. Họ có ý tốt nhưng chúng ta phải dẫn dắt họ theo hướng của mình, chúng ta không để người khác dẫn dắt.

Ngày trước, có người gọi điện cho tôi nói, họ muốn lạy tôi để nhận tôi làm Thầy, tôi khuyên họ nên lạy Phật, lạy Hoà Thượng nhưng họ vẫn kiên quyết lạy. Một vài năm sau, họ lại gọi điện cho tôi và nói, họ không làm học trò của tôi nữa. Khi đó, họ cúp máy nhanh quá nên tôi chưa kịp phản ứng, họ đã lạy tôi, có lẽ tôi nên lạy trả lại họ! Chúng ta chân thật cảm nhận được ân đức giáo dưỡng trời biển của Phật Bồ Tát, của Thầy hay chúng ta vẫn đang cảm tình dụng sự? Đa phần chúng ta cảm tình dụng sự, chúng ta chưa thấu hiểu ân đức của Phật Bồ Tát, của Thầy bằng trí tuệ. Trí tuệ là từ tâm thanh tịnh, chân thành, cung kính. Kiến thức ở thế gian chỉ là “thế trí biện thông”. Năng lực, tài năng của chúng ta có thể hơn người nhưng đó không phải là trí tuệ.

Hòa Thượng nói: “Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Giải Thoát Quang là tên các vị Phật trong “Kinh Vô Lượng Thọ”. Trí Huệ Quang là chỉ cho quyền trí giáo hóa, giúp đỡ chúng sanh, giúp tất cả chúng sanh chân thật có được lợi ích. Lợi ích chân thật của Phật pháp là giúp chúng ta chân thật được an lạc, giải thoát. Như Tịnh Độ Tông dạy người niệm Phật để họ không niệm vọng tưởng, họ niệm đúng như pháp thì họ được giải thoát”. Phật pháp chân thật thì phải giúp tất cả chúng sanh tiêu trừ nghiệp chướng. Nhiều người học Phật vẫn phân biệt ta, người, vẫn truy cầu “danh vọng lợi dưỡng”, mua danh để chuộc lợi. Vậy thì điều này giống như Hòa Thượng nói: “Chúng ta thành ra thứ gì chứ!”. Danh lợi thật mà chúng ta không quan tâm huống chi là việc mua danh, mua lợi!