36Thứ Sáu, 12/07/2024, 09:40

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 11/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 183

Hòa Thượng nói: “Hào quang của Phật là vô lượng, vô biên, chiếu tận hư không, khắp pháp giới, không có giới hạn. Chúng ta không có cảm giác, không thể tiếp nhận hào quang, Phật quang bị chướng ngại vì chúng ta có quá nhiều vọng tưởng, phân biệt”. “Hào quang của Phật” chính là lời giáo huấn của Phật. “Hào quang của Phật” không phải là ánh hào quang loé sáng ở một phương trời nào đó, nếu chúng ta nhìn thấy ánh hào quang mà chúng ta không cải đổi, không tu hành thì chúng ta vẫn không thể thay đổi. Chúng ta không áp dụng giáo huấn của Phật trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác chính là chúng ta chướng ngại Phật quang.

Hiện tại, có một vị tu hành đang tu hành rất tốt nhưng chúng ta ngưỡng mộ, đi theo người đó cũng sẽ không có kết quả. Chúng ta ngưỡng mộ chỉ là chúng ta khởi được tín tâm, chúng ta muốn thay đổi thì chúng ta phải nỗ lực tu hành. Chúng ta tu học, nghe pháp, làm việc thiện nhiều năm nhưng tập khí, phiền não của chúng ta vẫn còn y nguyên, chỉ cần có cơ hội thì tập khí, phiền não này liền dấy khởi, phát tác. Chúng ta không tiếp nhận, không thật làm theo giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền chính là chúng ta ngăn cản giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền.

Hôm qua, tôi tham dự một lớp học, mọi người đều chia sẻ về việc gia đình của mình đã thay đổi, đã trở nên hạnh phúc. Nếu Thánh Hiền cũng nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, không mang giáo dục phát dương quang đại thì ngày nay, chúng ta sẽ không có cơ hội tiếp nhận giáo dục của các Ngài. Chúng ta phải phát tâm thật làm, thật thay đổi chính mình và không ngừng nỗ lực phát dương quang đại Phật pháp, giáo huấn Thánh Hiền. Hào quang của Phật không phải do ngọn núi nào che mất mà chính tập khí, phiền não của chúng ta đã chướng ngại ánh hào quang.

Phật Bồ Tát đến thế gian đều tận tâm tận lực vì chúng sanh lo nghĩ. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tra trong Đại Tạng Kinh xem Thích Ca Mâu Ni Phật có ngày nào nghỉ hè không?”. Thích Ca Mâu Ni Phật rong ruổi suốt 49 năm để giảng dạy giúp chúng sanh giác ngộ. Hòa Thượng nói, thời Phật không tổ chức cộng tu, Ngài chỉ ngày ngày giảng Kinh, nói pháp giáo dục người giác ngộ, mỗi người sẽ tự tu tập, hạ thủ công phu. Ánh sáng của Phật chiếu được đến thân chúng ta nghĩa là chúng ta được tiếp nhận giáo huấn của Phật. Chúng ta thực hành triệt để giáo huấn của Phật là chúng ta được Phật quang phổ chiếu, Phật lực gia trì.

Chúng ta thường cảm giác là có một thế lực nào đó đang hỗ trợ chúng ta, nếu các Ngài có thể giúp được chúng ta thì các Ngài đã biến thế giới Ta Bà thành thế giới Cực Lạc để không còn chúng sanh khổ đau, để Bồ Tát Địa Tạng không phải ở trong Địa ngục tiếp độ chúng sanh. Nếu chúng sanh không được giáo dục thì họ không thể chuyển đổi được tập khí, phiền não. Phật quang bị giới hạn vì chúng ta có phân biệt, chấp trước, chúng ta xa lìa phân biệt, chấp trước thì Phật quang sẽ không có giới hạn.

Hiện tại, chúng ta nhìn thấy người khác không bằng mình, người khác xen tạp thì chúng ta không thể cùng nhau về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác. Phật Bồ Tát đến thế gian là để tiếp độ chúng sanh. Phật A Di Đà thiết lập thế giới Tây Phương Cực Lạc, tạo nên một thắng địa để chúng sanh tu hành, thẳng đến thành Phật. Bổn hoài của chư Phật là giúp chúng sanh giác ngộ, chúng sanh không còn phải đọa Địa ngục. Người tận tâm tận lực vì người khác là người đang làm theo chí nguyện của Phật. Chúng ta tu hành là để chúng ta hàng phục tập khí, phiền não của chính mình, đồng thời dùng phương tiện khéo léo nhất để tiếp độ chúng sanh.

Ngày trước, tôi mặc áo tràng nâu nhưng hiện tại tôi thường mặc đồ vest, tôi muốn có hình tướng gần gũi với mọi người để họ sinh khởi được tín tâm với Phật, với Thánh Hiền. Những việc tôi làm đều là hy sinh phụng hiến, vì chúng sanh phục vụ. Ngày trước, khi tôi đến một nơi, mọi người thường có ánh mắt dò xét, hiện tại, tôi đã tận tâm vì chúng sanh nhiều năm nên mọi người không nhìn tôi với ánh mắt như vậy nữa. Hai mươi năm trước tôi dịch đĩa Hòa Thượng, bây giờ tôi lại tiếp tục dịch đĩa của Ngài. Ngày trước, khi tôi chưa học Phật pháp, tôi đọc rất nhiều sách kiếm hiệp, từ khi học Phật pháp, tôi chỉ đọc sách của Hòa Thượng Tịnh Không. Tôi đã có gần 2000 giờ học không trễ một phút nào, bây giờ không một ai nói tôi là xen tạp. Chúng ta thường cho chúng ta là chuyên nhất, người khác là xen tạp.