Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 09/07/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 181
Hòa Thượng dạy chúng ta rằng lễ kính lưu xuất từ tự tánh thì mới đề khởi được tánh đức của chúng ta. Phải từ tự tánh mới lưu xuất được sự chân thành mà từ chân thành mới có thể cảm được mọi người. Mọi sự mọi việc xuất phát từ lễ kính chân thành thì trên cảm thông với chư Phật, dưới tận cùng với chúng sanh nhỏ nhất côn trùng, vi trùng cũng có thể cảm đến. Hòa Thượng nói: “Lễ kính phải lưu lộ từ tánh đức. Hạnh Phổ Hiền có chuẩn tắc tối cao để Bồ Tát tu hành là 10 Đại nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền.”
Trong 10 Đại nguyện này thì nguyện thứ nhất là “Lễ Kính Chư Phật”. Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật cho nên phải lễ kính đối với tất cả chúng sanh. Vậy lễ kính như thế nào? Hòa Thượng nói: “Tôn kính đối với tất cả chúng sanh giống như Phật”. Chúng ta dùng tâm đối với Phật như thế nào thì dùng tâm đó đối với tất cả chúng sanh. Làm như thế thì chúng ta mới đề khởi tánh đức. Trong lễ kính không nên có phân biệt chấp trước tức là thấy người này đáng được lễ kính người kia thì không.
Phải có sự tu dưỡng trong thời gian dài mới đề khởi được tánh đức từ tự tánh. Khi chúng ta mới phát tâm, chúng ta tưởng rằng mình dễ dàng đề khởi được tâm cung kính đối với người. Nhưng thật ra sự cung kính đó chỉ là làm cho dễ coi. Đối với tất cả chúng sanh trên từ chư Phật dưới là côn trùng, vi trùng đều phải lễ kính, tâm kính lễ đó đều phải lưu xuất từ nơi tự tánh của mình. Đây là then chốt trong công cuộc thay đổi chính mình. Chính mình phải quán sát và phải hướng đến điểm này để nỗ lực.
Đôi lúc chúng ta cảm nhận được cách ứng xử của người khác đối với chúng ta là bề ngoài. Biết như vậy nên hành động của họ không làm cảm động chúng ta. Chỉ khi người nào đối xử với chúng ta bằng tâm chân thành thì trong tự nhiên chúng ta sẽ bị người ta cảm hóa. Người có được sự cảm hóa chân thật và tự nhiên như vậy mới có thể được độ và được thành tựu.
Người xưa có câu: “Chí thành cảm thông”. Hòa Thượng nói người bị nhiễm bệnh dịch là vì tâm họ có ô nhiễm còn người có tâm thanh tịnh thì không bao giờ bị nhiễm bệnh. Nhớ lại đợt covid, tôi thấy tôi có bị nhiễm dù rất nhẹ nhàng không sốt, nhưng rõ ràng nguyên nhân mình bị nhiễm vì tâm mình không thanh tịnh. “Tài Sắc Danh Thực Thùy” thời điểm đó vẫn phát tác.
Chúng ta từng nghe rằng người có tâm thanh tịnh mà uống độc dược thì độc dược được hóa giải, không bị nhiễm những bệnh độc. Cho nên khi chúng ta có bệnh thì chúng ta phải biết rằng thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp lực nhiều đời nhiều kiếp cùng oan gia trái chủ đều không đến tự nhiên mà phải có mối nhân duyên, mối tương quan chặt chẽ.
Chúng ta luôn quán chiếu vì sao mình gặp chướng ngại này? vì sao mình làm cái kia không thông? Nguyên nhân là do chính mình. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có thể phát khởi tâm cung kính đối với tất cả chúng sanh cũng giống như cung kính đối với một vị Phật thì lúc ấy bạn mới tu được hạnh Phổ Hiền. Cho nên hạnh Phổ Hiền không phải dễ dàng mà đạt được! Chỉ có tâm chân thật thanh tịnh, tâm chân thật bình đẳng mới có thể tu được hạnh Phổ Hiền”.
Ý Hòa Thượng muốn nói rằng trong đối nhân xử thế tiếp vật của mình, mình chưa đạt được hạnh Phổ Hiền thậm chí vẫn bị hạn chế trong “danh vọng lợi dưỡng”, trong “cái ta và cái của ta” chứ chưa chân thật “vô điều kiện” “vì chúng sanh mà làm.” Chỉ cần chúng ta chịu quán sát là có thể dễ dàng nhận ra. Khi nhận ra được rồi thì chúng ta sẽ điều chỉnh, cải sửa được cách dụng tâm của mình. Hòa Thượng dạy chúng ta buông xả nhưng dần dần khi đã hiểu rồi thì sự buông xả không còn khó.
Nếu chúng ta không tu hạnh Phổ Hiền thì chúng ta không thể thành Phật, không thể vào được pháp giới của Phổ Hiền, không về được Tây Phương Cực Lạc. Hòa Thượng nói: “Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Bồ Tát Phổ Hiền. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ hai là Đức Tuân Phổ Hiền đã tường tận nói rõ cho chúng ta sự thật này. Mọi người phải nỗ lực hướng đến mục tiêu này để mà thăng tiến.” Chúng ta làm sao xem thấy tất cả chúng sanh là Phật, dùng tâm cung kính đối với Phật để cung kính với chúng sanh. Ngày ngày, trong khởi tâm động niệm luôn là tâm chân thành, cung kính.