Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 07/07/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 180
Bài học hôm trước, Hòa Thượng nhắc chúng ta phải đem ý niệm của mình tập trung vào Kinh điển, tức là bảo chúng ta phải tập trung vào lời giáo huấn của Phật. Ở thời kỳ Mạt pháp, chúng ta không được tiếp xúc nghe lời giảng dạy của Phật Bồ Tát thì thông qua Kinh điển và thông qua sự tu hành diễn giáo của các bậc chân tu, chúng ta tiếp nhận lời giáo huấn của các Ngài. Chúng ta may mắn gặp được Hòa Thượng Tịnh Không, một bậc chân tu đã làm ra tấm gương cho chúng ta.
Chúng ta chỉ cần cả đời này nghe theo giáo huấn và làm theo cách làm của Ngài thì chính chúng ta sẽ có thành tựu tốt đẹp và chúng sanh cũng được hưởng nhờ. Chỉ cần một ý niệm của chúng ta là biết bao chúng sanh được lợi. Cho nên Hòa Thượng căn dặn chúng ta phải đem ý niệm của mình trụ trong Kinh điển, thường nhớ đến sự phát tâm, sự cần học, sự hoằng nguyện phổ độ chúng sanh của Phật A Di Đà.
Chúng ta đã thấy Pháp Tạng Tỳ Kheo hướng đến Thế Tự Tại Vương Như Lai cần cầu học Phật và Tỳ Kheo đã hướng đến trước Như Lai phát nguyện sẽ thiết lập ra cảnh giới Tây Phương Cực Lạc để làm thánh địa, làm chốn tu hành cho tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Khi Tỳ Kheo Pháp Tạng đã phát nguyện trước Phật Thế Tự Tại Vương thì Ngài trải qua vô lượng kiếp tinh tấn tu hành mới có thể thành tựu được Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.
Hòa Thượng đã vãng sanh và 70 năm hoằng pháp của Ngài đã viên mãn. Chúng ta có thể nói rằng thường trụ tâm trong lời giáo huấn của Phật cũng có nghĩa là chúng ta tập trung vào giáo huấn của Hòa Thượng Tịnh Không. Ngày ngày chúng nhớ nghĩ đến việc Hòa Thượng làm, lời Hòa Thượng dạy thì cũng không đủ sức mà làm theo hết, tuy vậy, chúng sanh được hưởng lợi rất lớn từ nơi phát tâm của chúng ta.
Mấy ngày nay chúng ta tổ chức lễ hội tri ân ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Mọi người đến dự đều cảm thấy lợi lạc nhưng họ đã không ngồi hết giờ vì đã chót có cuộc hẹn giao tế, tiệc tùng với người khác. Qua đây mới thấy rằng sanh tử bì lao, khổ nhọc nhưng chúng sanh không sợ. Sanh tử chưa đến nên họ lo tranh giành, lo cơm áo gạo tiền, “danh vọng lợi dưỡng”. Họ cũng nhận xét rằng học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền tốt lắm nhưng bây giờ chưa rảnh.
Chúng ta xét xem đây có phải tâm cảnh của mình không? Chúng ta biết là tốt nhưng chúng ta không làm, ngày ngày chúng ta vẫn tùy thuận chạy theo tập khí phiền não của chính mình. Có những người tu hành ban đầu rất tốt nhưng dần dần kết quả ngày một xấu. Tại sao lại có kết quả ngược như vậy? Đáng ra là phải có kết quả tốt mới đúng. Điều này khiến người xung quanh trở nên nghi ngờ.
Vấn đề chính là ở chỗ những người tu hành này chỉ tinh tướng chứ không tinh tấn, chỉ làm giả mà không làm thật, vẫn mưu cầu danh lợi, chìm trong ngũ dục. Ngày ngày họ chỉ nghe giảng là phải bỏ đi 16 tên giặc tập khí “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” mà không làm, họ vẫn chìm đắm trong 16 tên giặc này. Cho nên Hòa Thượng nhấn mạnh chúng ta phải đem ý niệm của mình tập trung vào lời giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền để không bị sai sử bởi tập khí phiền não của chính mình, bị lôi kéo bởi sự cám dỗ bên ngoài.
Sự cám dỗ bên ngoài ngày nay càng lúc càng nghiêm trọng. Nếu không biết tự giữ mình, không biết tự phòng bị cho chính mình thì chúng ta sẽ bị cám dỗ. Tại sao hàng “Bồ Tát có thể ngày ngày thường niệm thiện pháp, quán sát thiện pháp, tư duy thiện pháp?” Là vì các Ngài thường an trú tâm mình trong giáo huấn của Phật, khởi tâm động niệm của các ngài là nghĩ đến lời Phật dạy, việc Phật làm và nghĩ đến việc mà Phật đã dụng tâm đối với tất cả chúng sanh. Đây cũng là lý do vì sao các Ngài chỉ tăng tiến mà không thối lui.
Còn chúng ta thối lui là vì chúng ta đã rời xa giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền từ rất lâu rồi. Từ lâu chúng ta chìm đắm trong “ảo danh ảo vọng” mà không hề hay biết. Kết quả tu hành ngược lại với giáo huấn là điều không bao giờ có bởi vì mọi sự không hề ngẫu nhiên, đều có nguyên nhân cả. Đó là do chúng ta không làm theo giáo huấn Phật nên kết quả ngược lại. Chúng ta không nghe theo giáo huấn của Phật mà chỉ nghe theo giáo huấn của tập khí phiền não.