57Thứ Sáu, 12/07/2024, 09:40
179 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 179

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 07/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

  BÀI 179

Bài học hôm trước Hòa Thượng dạy chúng ta độ người niệm Phật, dùng niệm Phật để khuyên người niệm Phật, đó là chúng ta đã làm một đại sự nhân duyên của một kiếp sống này. Thế nhưng làm thế nào để có thể khuyên người niệm Phật? Đó là làm ra tấm gương của người niệm Phật. Chúng ta là người niệm Phật nói riêng và là người học Phật nói chung, thì mọi hành động việc làm của chúng ta phải làm đúng tiêu chuẩn, chuẩn mực, khiến người khác nhìn vào mà ngưỡng mộ.

Vậy thì không cần phải giảng bài pháp nào mà bằng hành động thân giáo của mình mà người ta đã ngưỡng mộ, tự nhiên mà học tập. Trong mỗi lĩnh vực trong cuộc sống chúng ta phải làm ra tấm gương cho người khác học tập. Tuy nhiên, chúng ta rất dễ bị động tâm, chỉ cần rời khỏi chỗ của mình là tâm chúng ta đã động loạn. Khi rời khỏi chỗ của mình, hòa nhập mọi nơi mọi chốn, thì phải giữ được tiêu chuẩn, chuẩn mực của mình thì đó mới là tấm gương, phải biết thành nội hàm thực chất của chính mình.

Để làm được điều này, chúng ta không thể thiếu quán chiếu. Bao giờ cũng vậy, khi về đưa xe vào gara sau một chuyến đi, bao giờ tôi cũng quán chiếu hôm nay tôi đi có sai phạm gì không? Có tranh giành đường, có vượt ẩu không? Có biểu hiện khi tham gia giao thông nào không tốt không? Có điều nào cần nhường mà mình không nhường không? Có những điều mình tưởng đúng nhưng lại sai, có thể đúng luật nhưng với tình thì lại không đúng.

Hằng ngày, chúng ta mới nhìn thấy tấm gương cho những người xung quanh mình mà chúng ta chưa để ý đến còn có những chúng sanh ở các tầng không gian khác đang nhìn thấy chúng ta. Vì sơ xuất này mà đôi lúc chúng ta làm việc có chướng ngại, hoặc mọi sự mọi việc chúng ta làm không có sự cảm thông mà không thể lý giải nguyên nhân vì sao? Đa phần chúng ta lơ là, qua loa với các chúng sanh này mà sức mạnh của họ vô cùng lớn.

Hòa Thượng nói khuyên người khác niệm Phật không khó, chỉ cần chúng ta làm ra chuẩn mực, làm ra tấm gương của người niệm Phật thì nhất định người khác sẽ tìm đến để học hỏi. Hằng ngày trong đối nhân xử thế tiếp vật mình làm tốt những việc cần làm thì tự nhiên chúng ta đã làm sáng tấm gương của người niệm Phật, làm sáng tấm gương của người học chuẩn mực Thánh Hiền.

Nếu chúng ta học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền mà không làm được thì cho dù chúng ta nói thế nào, người khác cũng không tin. Hòa Thượng từng nói người khuyên người khác buông xả, đừng tự tư tự lợi mà chính họ lại vơ vào mình càng nhiều càng tốt, vậy thì họ thành ra thứ gì chứ?

Những sự kiện chúng ta đang làm với người mới biết thì họ cho rằng thu thắng, vi diệu, tuyệt vời. Bản thân chúng ta biết rõ chắc chắn những sự kiện của chúng ta sẽ có kết quả như vậy, thậm chí càng làm thì kết quả càng trác tuyệt. Nhiều người lại thiếu niềm tin này. Trước đây có người hỏi tôi là khoảng bao nhiêu người thì thầy có thể tổ chức được lễ tri ân? Tôi trả lời là 1 người.

Hôm nay Hòa Thượng nhắc đến chữ thập hồi hướng. Chúng ta từng nghe chữ thập tín, thập trụ, thập hạnh. Thập hạnh là niệm Phật, chữ “hạnh” là hành hạnh niệm Phật. Trong thập hồi hướng, theo Hòa Thượng, chữ “hồi hướng” là hồi tâm niệm Phật và hướng đến trụ với tâm Phật nghĩa là ngày ngày tâm phải có Phật, Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn. Trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật phải dùng tâm Phật mà tâm Phật là tâm Đại từ Đại bi, vì chúng sanh mà lo nghĩ.

Chân thật mà nói, mỗi chúng ta đều là phàm phu nên “Tài Sắc Danh Thực Thùy, Danh vọng lợi dưỡng, Tự tư tự lợi, Tham Sân Si Mạn” đầy trong chúng ta. Bản thân tôi không nhẹ những tập khí này nhưng đang ở trạng thái khống chế, chỉ cần dừng sự khống chế này là những tập khí đó lại bung ra ngay. Công phu tu hành chính là khống chế tốt tập khí.

Thấy đến tiền, thấy đến ăn chúng ta vẫn sáng mắt cho nên “Tài Sắc Danh Thực Thùy” và mọi thói quen, ngay khi vừa khởi là phải kiểm soát ngay, phải chuyển đổi ngay. Vừa khởi tâm tham thì chúng ta phải chuyển sang tâm bố thí thì tâm tham mất. Đó chính là công phu. Ngày ngày tập khí phiền não của chúng ta có mặt đầy đủ trong khởi tâm động niệm và đối nhân xử thế tiếp vật nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng.