119Thứ Sáu, 05/07/2024, 18:23
178 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 178

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 05/07/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 178

Hoà Thượng nhắc chúng ta, tin Phật là tâm, tín tâm là chúng ta có niềm tin rằng chúng ta sẽ thành Phật, chúng ta có niềm tin này thì chúng ta nhất định sẽ thành Phật. Chúng ta tin là chúng ta làm được việc gì thì chúng ta nhất định làm được. Người xưa dạy chúng ta: “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Tâm chúng ta hướng đến việc gì thì việc đó nhất định sẽ thành công.

Khi Thích Ca Mâu Ni Phật giảng pháp, Ngài chú trọng giảng Phật pháp Đại Thừa, Ngài muốn chúng sanh mở rộng tâm lượng để làm được nhiều việc lợi ích chúng sanh. Nhiều người tu hành nhưng không phát được tâm đại từ, đại bi của Phật, họ chỉ “độc thiện kỳ thân”, chỉ muốn tốt cho riêng mình, không giúp ích cộng đồng xã hội. Tôi may mắn gặp được pháp của Hòa Thượng Tịnh Không, tôi dịch nhiều bài giảng của Ngài nên tôi thấm nhuần và làm theo lời dạy của Ngài. Tôi càng làm thì mọi việc càng hanh thông, tâm tôi càng an lạc. Chúng ta mở được tâm rộng lớn theo tinh thần của Phật pháp Đại Thừa thì chúng ta sẽ làm lợi ích được nhiều chúng sanh.

Chúng ta học Phật pháp mà chúng ta không mở được tâm rộng lớn vậy thì những người không học Phật pháp sẽ càng chìm đắm trong “tự tư tự lợi”. Chúng ta in rất nhiều cuốn “Những tấm gương đức hạnh”, chúng ta đã sưu tầm 350 tấm gương đức hạnh, chúng ta sẽ tiếp tục sưu tầm 1000 tấm gương đức hạnh. Người thế gian in sách chỉ để bán, nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm?

Đại” là to lớn. “Thừa” là cỗ xe. “Đại thừa” là chiếc xe lớn, chở được nhiều người. “Tiểu thừa” là chiếc xe nhỏ. Chỉ cần một người phát tâm có thể cứu cả một dân tộc. Bác Hồ đã hy sinh hạnh phúc riêng để bôn ba đi tìm con đường cứu nước. Người dẫn dắt phải mở được tâm rộng lớn thì những người học trò mới phát được tâm. Người thế gian thường nói: “Thầy nào trò đó”. Chúng ta học Phật mà chúng ta không mở được tâm rộng lớn thì ai sẽ tiếp nối huệ mạng của Phật? Chúng ta ở yên một chỗ tu hành, trải qua đời sống an bình cũng chính là chúng ta đang sống trong “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức cũng xa lánh mọi việc thì ngày nay, chúng ta không thể được tiếp nhận Phật pháp.

Mấy tháng gần đây, tôi ở nhà tu hành, nơi đây thời tiết mát mẻ, trong vườn có sẵn rau sạch nhưng hôm qua, tôi đã di chuyển đến một tỉnh khác để làm việc lợi ích chúng sanh. Tôi còn chút phước nên hôm nay tôi mới có thể ngồi đây gặp mọi người, hôm qua, khi tôi đang ngồi trên taxi, người lái xe không nhìn thấy chiếc xe tải đang đi tới nên chỉ còn một mét nữa là chiếc xe tải đã đâm vào chiếc taxi. Nhiều người ngồi yên một chỗ tu hành vì họ sợ rủi ro, buồn phiền, cực khổ. Tinh thần của Phật pháp Đại Thừa là chúng ta phải xông pha làm những việc cần làm để chúng sanh đời sau được tiếp nối chuẩn mực Thánh Hiền, giáo huấn của Phật pháp. Chúng ta phải mở tâm rộng lớn vì chúng sanh lo nghĩ giống như Phật đã làm. Chúng ta tu hành mà chúng ta sợ đói, chúng ta cầu Phật ban cho chúng ta cơm gạo thì chúng ta đã có tâm “tự tư tự lợi”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta trụ ở nơi tam muội nhìn thấy được thật tướng của Phật. Đây chính là tâm chúng ta phải định ở câu Phật hiệu. Hằng ngày, trong khoảng thời gian từ 8 tiếng đến 24 tiếng, mọi lúc, mọi nơi, mỗi niệm chúng ta không quên đề khởi câu Phật hiệu, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”.“Tam muội” là chánh định, tâm không tán loạn: Hằng ngày, chúng ta phải dẹp bỏ buồn vui, thương ghét, giận hờn để tâm chúng ta định ở câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta đã chân thật không hoài nghi, hoàn toàn tin vào câu Phật hiệu chưa? Thí dụ, chúng ta đang niệm Phật mà có người nói là nhà của chúng ta đang cháy thì chúng ta vẫn ngồi yên niệm Phật. Khi chúng ta nghe tin là nhà của chúng ta đang cháy mà chúng ta cuống cuồng, vội vã thì đó là tâm chúng ta chưa định. Việc cấp bách xảy ra mà tâm chúng ta vẫn cần phải định, nếu những việc không cấp bách xảy ra mà tâm chúng ta không định vậy thì công phu của chúng ta hời hợt, dễ bị dao động. Chúng ta đang niệm Phật mà có việc xảy ra thì chúng ta thường sẽ quên câu Phật hiệu.

Chúng ta phải biết giữ mình, hoàn cảnh nào làm chúng ta bị xao động thì chúng ta không nên tiếp xúc. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy Địa ngục ngũ điều căn”. Chúng ta ham ăn, ham ngủ, ham tiền thì chúng ta phải tìm cách để tránh những thứ này. Đây là chúng ta giữ mình để tu hành. Phật nói: “Bao giờ các ông là A-La-Hán thì các ông hãy tin vào chính mình”. Có người nói, nếu máu của chúng ta còn có màu đỏ thì chúng ta vẫn phải cẩn trọng. Trong chúng ta có đầy đủ tập khí, phiền não, chúng ta gần thứ nào thì chúng ta sẽ bị nhiễm thứ đó.