5Chủ Nhật, 30/06/2024, 07:45

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 29/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 172

Bài học hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta phải chuyên nhất một pháp môn, một câu “A Di Đà Phật” là đủ, không cần mượn nhờ pháp khác. Bồ Tát Đại Thế Chí nói: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”. Tổ Sư Đại Đức đề xướng tu hai pháp Thiền và Tịnh hay Mật và Tịnh, nghĩa là vừa trì chú vừa niệm Phật hoặc vừa tọa vừa thiền niệm Phật là do hoàn cảnh xã hội giai đoạn đó. Chúng sanh ngưỡng mộ một pháp khác nên các Tổ Sư phải uyển chuyển trong việc truyền pháp. Thí dụ, mọi người tổ chức pháp hội và mời Hòa Thượng đến giảng pháp, Hòa Thượng chỉ chuyên tâm giảng pháp, giảng xong thì Ngài ra đi, không liên quan đến khâu tổ chức. Mọi người hỏi Ngài về hộ niệm thì Ngài trả lời nhưng Ngài không chủ ý đề xướng hộ niệm. Người không chuyên tâm niệm câu “A Di Đà Phật” mà thích tụng Kinh thì Hòa Thượng sẽ khuyên họ, tụng Kinh cũng tốt, tụng Kinh xong thì nhớ niệm Phật.

Có người hỏi tôi, họ đã quy y sáu lần, bây giờ họ quy y thêm một lần nữa có sao không. Tôi nói, họ đã quy y sáu lần thì quy y thêm một lần nữa cũng không sao. Khi phương pháp Địa Tạng Sám Pháp xuất hiện, có người hỏi tôi, hằng ngày, họ lấy việc lạy Địa Tạng Sám Pháp làm trợ tu, lấy việc niệm câu “A Di Đà Phật” làm chánh tu, có được không. Trước khi họ hỏi tôi, họ đã hành và dẫn nhiều người làm theo, họ chỉ hỏi tôi cho vui nên tôi nói, họ làm như vậy cũng được nhưng cố gắng niệm Phật nhiều một chút. Phương pháp Địa Tạng Sám Pháp do một người không có kinh nghiệm dịch tiếng Hán dịch, người chép sách ra để in, hiện nay, cũng đã bỏ pháp môn niệm Phật. Chúng ta không nên tuỳ tiện chọn những pháp mà chưa được người có kinh nghiệm tu tập, có chuyên môn kiểm chứng.

Hiện nay, có nhiều người tổ chức lớp học “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, có người nói họ là học trò của tôi nhưng khi họ mở lớp họ cũng không nói cho tôi biết. Những lớp học, có sự tham gia của Thầy Phương, Thầy Hoài, Cô Tuân, đều có thông qua tôi. Khi tổ chức các trại hè, các Thầy Cô cũng đều thưa hỏi, không được tự làm. Chúng ta coi ai là Thầy của mình thì trước khi chúng ta làm gì, chúng ta phải thưa hỏi. Các Thầy đều là Tiến sĩ, Thạc sĩ nhưng các Thầy không tự ý làm, chúng ta thưa hỏi thì chúng ta tránh được sơ xuất. Có một chùa ở Hải Dương mời Thầy Phương đến giảng, Thầy gọi điện hỏi ý kiến tôi. Tôi nói, nơi đó từng có tai tiếng, chúng ta không nên đến. Nhiều nơi mời chúng ta vì chúng ta làm với tâm hy sinh phụng hiến. Họ mời chúng ta vì lợi ích của chúng sanh thì chúng ta sẵn sàng đến, nếu họ mời chúng ta vì danh lợi thì chúng ta nên tránh. Có người cả đời bị gạt mà không biết mình bị gạt đây là vì trong tâm họ cũng đầy “danh vọng lợi dưỡng”, ảo danh, ảo vọng. Hòa Thượng nói: “Chúng ta không dấu được ai, người chỉ cần có một chút thanh tịnh thì họ sẽ nhận ra”.

Nhiều người cũng nghi ngờ việc làm của chúng ta, chúng ta thật làm trong nhiều năm thậm chí làm suốt đời, khi chúng ta mất đi họ sẽ biết là chúng ta thật làm. Tôi đã dùng gần 30.000 giờ để dịch pháp Hòa Thượng, vậy mà có người nói nhóm dịch của chúng ta dịch sai đến 30%. Sáng hôm qua, trang web “tinhkhongphapngu.net” có hơn 1000 người trực tiếp Online, một ngày có hơn 200.000 lượt truy cập.

Hòa Thượng từng nhắc: “Chúng ta phải theo học với những vị Thầy có sự truyền thừa chánh mạch”. Hòa Thượng theo học với Lão sư Lý Bỉnh Nam, Lão sư Lý Bỉnh Nam theo học với Tổ Sư Ấn Quang, vị Tổ thứ 13 của pháp môn Tịnh Độ. Tổ Sư Ấn Quang một đời chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ, Ngài lấy chữ “tử” để nhắc nhở mình nghiêm túc tu hành. Ngài Lý Bỉnh Nam một đời chuyên tu một pháp, Ngài sống một đời sống thanh đạm. Hòa Thượng Tịnh Không là người thông tông, thông giáo, Ngài có thể giảng được tất cả các bộ Kinh lớn nhưng Ngài cũng chuyên tu pháp môn Tịnh Độ. Có người hỏi Hoà Thượng, vì sao Ngài giảng về pháp môn Thiền hay như vậy mà Ngài không tu pháp môn này. Hòa Thượng nói: “Tôi giảng Thiền để cho người có căn tánh tu pháp môn Thiền tu, còn căn tánh của tôi chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong việc vượt thoát sinh tử”. Khi chúng ta tu tập hay chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh, chúng ta đều phải hết sức chặt chẽ. Chúng ta sai một ly thì sẽ đi ngàn dặm. Khi chúng ta sử dụng la bàn, chúng ta sai một ly thì chúng ta sẽ đi lệch hàng ngàn cây số.