Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 30/06/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 173
Hòa Thượng nói người không chịu phát tâm niệm Phật là người không có trí tuệ. Người chân thật có trí tuệ mới chịu phát tâm niệm Phật. Làm sao có thể khẳng định điều này? Hòa Thượng nói rằng chúng ta đọc Kinh Hoa Nghiêm rồi sẽ biết. Kinh Hoa Nghiêm giống như biển cả, các pháp Đại Thừa của Phật giống như nhánh sông lớn, những nhánh sông lớn đó đều chảy về biển cả.
Hòa Thượng lại nhắc đến Ngài Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Bồ Tát Văn Thù là đại trí tuệ, Bồ Tát Phổ Hiền là bậc đại hạnh. Cả hai Ngài, một bậc đại chí và một bậc đại hạnh còn phát tâm niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc. Do đó, người chân thật phát tâm niệm Phật mới là người chân thật có trí tuệ.
Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là nơi quy về của tất cả các pháp Đại thừa. Lời nói này của Hòa Thượng đều có một chứng cứ lấy từ Kinh Hoa Nghiêm. Đó là Đức Tỳ Lô Giá Na Phật khuyên bảo các Bồ Tát ở Thế Giới Hoa Tạng của Ngài niệm Phật cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.
Hai vị Đại Bồ Tát, thượng thủ bậc nhất ở Thế Giới Hoa Tạng là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền đã phát tâm niệm Phật và còn khuyên bảo các Bồ Tát khác niệm Phật cầu vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Vì sao các Ngài làm như vậy? Vì ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, các Ngài mau chóng thành Phật.
Mong cầu mau thành Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc của các Ngài không giống với tâm trạng mong cầu danh lợi, đạt địa vị cao của chúng ta ở thế gian này. Tâm trạng của các vị đại Bồ Tát mong cầu thành Phật là để hoàn thành học vị, hoàn thành năng lực độ sanh được tốt hơn. Bồ Tát có năng lực không bằng Phật, chỉ có Phật mới có đầy đủ năng lực, vào ra tam giới “Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới” một cách tự tại. Cho nên, mau chóng thành Phật là để có đầy đủ năng lực phục vụ, tiếp độ chúng sanh tốt hơn chứ không mong cầu quả vị cao nhất để hưởng an nhàn.
Thế gian thì vẫn đang diễn trò hề. Có người chỉ bảo người khác là xa lìa “danh vọng lợi dưỡng” còn họ thì lại chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”. Hòa Thượng từng cho biết có người dành tặng cho Hòa Thượng một suất học tiến sỹ nhưng Ngài nói Ngài không muốn nhận bằng tiến sỹ vì đây là chiếc thòng lọng, là “danh vọng lợi dưỡng” sẽ lôi kéo người ta.
Vài chục năm sau một trường đại học nổi tiếng đã mời Ngài đến tặng bằng tiến sỹ cho Ngài. Có tấm bằng đó, Ngài mới đủ tư cách đại diện cho trường đại học này tham dự Hội Thảo tại Liên Hợp Quốc. Đã là người tu hành thì Ngài chẳng cần đến bằng tiến sỹ nhưng “vì chúng sanh” nên Ngài đã nhận. Điểm khai thị này nhắc nhở chúng ta rằng để phục vụ tốt nhất cho chúng sanh thì các tiêu chí nào cần phải có thì chúng ta trang bị đầy đủ còn nếu “vì danh vọng lợi dưỡng” thì thật sự không cần thiết.
Có người nói rằng tu hành để đạt đến vô ngã thế nhưng mục đích tu để thành Phật là đang khẳng định đại ngã chứ đâu phải tiểu ngã. Trên hình thức là như thế, vậy trên tâm, chúng ta phải dụng tâm như thế nào? Chúng ta dụng tâm rằng thành Phật “không phải vì ta” mà thành Phật hay vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là “vì chúng sanh”. Nếu “vì ta mà vãng sanh” thì vĩnh viễn sẽ không thể vãng sanh.
Điểm mấu chốt này rất quan trọng nhưng phần nhiều người học Phật không hiểu điểm này nên không đạt được mục đích như mong muốn. Vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là để có môi trường tấn tu, hoàn toàn không bị lui sụt, thối chuyển. Về Thế giới Tây Phương Cực Lạc là bắt đầu cho học trình dài lâu, đây chính là một ngôi trường đại học dài lâu thẳng đến thành Phật.
Giống như ta ở một nơi mà xung quanh toàn là những người tinh tấn, dụng tâm hết sức mật thiết, không có tơ vương đến “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần” thì mình mới có thể tiến bộ được. Thế Giới Tây Phương Cực Lạc đều là Bồ Tát bất thối chuyển, tinh chuyên cần mẫn, vì vậy, khi chúng ta ở gần với các Ngài thì chúng ta sẽ không có một chút buông lung giải đãi.
Cho nên không phải vì ta muốn an hưởng, muốn chấm dứt sanh tử luân hồi mà có nguyện vọng thành Phật. Chúng ta cũng thấy rõ các Đại Bồ Tát khi thấy các chúng sanh đau khổ mà các Ngài còn không muốn thành Phật, vĩnh viễn làm Bồ Tát để ở với chúng sanh. Tâm hạnh như vậy mới là tâm hạnh của Đại Bồ Tát chứ nếu muốn thành Phật thì các Ngài đều có thể thành được ngay.