3Chủ Nhật, 30/06/2024, 07:45

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 26/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 169

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng người tu hành viên đốn thì phải từ nơi sơ phát tâm, nghĩa là sơ phát tâm như thế nào trong quá trình tu hành cứ thế mà tiến lên chứ không lui sụt. Ý của Ngài muốn nói là nếu chúng ta tu hành luôn giữ được tâm ban đầu thì việc thành tựu là không khó.

Nếu chúng ta tu hành 1 năm, 2 năm, 10 năm hay 20 năm mà Phật vẫn luôn ở trước mặt thì chúng ta sẽ thành tựu. Tuy nhiên, phàm phu chúng ta lại rất dễ đổi tâm, ý niệm trước là buông xả thì ý niệm sau đã bị dính mắc. Cứ như vậy chúng ta trải qua 10, 20 năm hay vô lượng kiếp, chúng ta vẫn mãi là phàm phu và càng ngày càng lui sụt.

Từ 10 năm trước tôi từng nhắc nhở mình rằng ngày nay gặp nhau thân thiết, chào nhau, chúc mừng nhau nhưng không khéo thì có lẽ đời sau gặp nhau không còn bắt tay chào nhau nữa mà là vỗ cánh hoặc vẫy đuôi. Nhiều người sẽ không chấp nhận cách nói này nhưng trong Kinh Địa Tạng nói rất rõ : “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề, khởi tâm động niệm đều là ác”, cho nên chúng ta không khéo tu thì đọa lạc càng lúc càng sâu, xác suất vỗ cánh hay vẫy đuôi là rất cao.

Hòa Thượng dạy hãy nhìn vào khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình thì chúng ta liền biết được kết quả tu hành của mình. Do đó, chúng ta phải hết sức phản tỉnh rằng: “Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo, địa ngục vô môn hữu khách tầm”: Thiên đường có đường đi thì không ai vào, địa ngục không cửa mà vẫn có người đến tìm. Cho nên Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta tu hành phải giữ được tâm ban đầu và phải từ tâm ban đầu ấy mà phát triển lên chứ không để lui sụt.

Hôm qua có một anh chuyên quản lý website nổi tiếng thốt ra lời nói với tôi rằng: “Người ngày nay phước mỏng, thiện căn cạn cợt, Phật pháp ở ngay trước mặt chỉ cần click vào là nghe mà chẳng có ai nghe.” Thậm chí họ có nghe đi chăng nữa thì chỗ ngộ cũng không sâu, cho nên việc làm không thấu đáo. Người xưa thì rất cần cầu Phật pháp, họ phải đi năm non bảy núi mới gặp được thiện tri thức nói pháp.

Chúng ta ngày nay rất thuận lợi, thế giới dường như thu nhỏ với mạng viễn thông trùm khắp. Lớp học chúng ta với sự có mặt của mọi người trên khắp toàn cầu vào buổi sáng cùng tề tựu về một nơi trốn trong cùng một giờ để học tập thế này là điều khó nhưng nhờ viễn thông nên có thể làm được. Bản thân tôi, cho dù không có mạng viễn thông thì tôi vẫn học bởi tôi xem đây như một thời khóa.

Mỗi người có cách giữ tâm thanh tịnh khác nhau, người thì trì chú, người thì tọa thiền còn chúng ta dùng cách học tập để giữ tâm. Khi học tập, tôi cảm thấy buông bỏ hết tất cả thế giới bên ngoài. Hòa Thượng nói nếu như nghe nhạc mà tâm được an định, thư thái thì nên nghe nhạc, nếu nghe nhạc mà tăng thêm sắc tình bạo lực thì không nên. Chỉ có nghe nhạc thiền mới giúp chúng ta thư thái còn nhạc sôi động chỉ làm người ta tăng động thêm.

Hòa Thượng nói nếu giữ được sơ phát tâm thì tu hành mau chóng có thể đạt đến thành tựu viên mãn. Khi còn nhỏ tôi được đến chùa, tôi đã bắt đầu ăn chay, niệm Phật, với tâm trạng thích thú vui vẻ đến nỗi ngày nào cũng đòi ra chùa, cứ rảnh là mong được đến chùa quét lá cây, lau tượng Phật, đánh trống, đánh khánh để công phu chiều. Nếu tâm ưa thích này còn mãi trong chúng ta thì việc thành tựu rất mau chóng. Nhưng ngày nay, cứ đến giờ công phu, tâm ưa thích như thế không còn như xưa.

Hòa Thượng khẳng định đặc biệt pháp môn niệm Phật này, nếu có thể giữ gìn tâm ban đầu vĩnh viễn không thay đổi thì chúng ta thành tựu rất nhanh. Chúng ta hãy quan sát tâm ban đầu học Phật, ban đầu gặp pháp môn niệm Phật và tâm hiện tại của mình có còn giống nhau hay đã khác nhau rồi?

Hòa Thượng nhắc đến công đức tu hành thù thắng của Bồ Tát Đại Thế Chí. Phương pháp mà Bồ Tát Đại Thế Chí dạy là: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau không cần phương tiện nào khác mà tự đắc tâm khai, vào thẳng được tánh Phật của chúng ta”. Phương pháp tu hành này quá thù thắng, quá phương tiện, trong bất kỳ hoàn cảnh đời sống nào cũng có thể áp dụng được cách tu này. Nhưng Hòa Thượng nói: “Chúng ta không thể nào thể hội được là bởi vì tâm ý thô thiển, qua loa, nghiệp chướng quá nặng.

Ngài tiếp lời: “Trong tất cả các pháp môn mà 10 phương ba đời tất cả chư Phật độ chúng sanh, giúp họ đoạn phiền não, vượt thoát sinh tử ra khỏi ba cõi thì không có pháp môn nào so sánh được với pháp môn niệm Phật mà Bồ Tát Đại Thế Chí đã chuyên tu, chuyên hoằng, đã dạy chúng ta.” Chúng ta và nhiều chúng sanh nghe lời nói này có thể không tin, tuy nhiên, đây là lời của Hòa Thượng nên tôi hoàn toàn tin.