3Chủ Nhật, 30/06/2024, 07:45

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 25/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 168

Chúng ta tu học Phật pháp thì phải chuyển đổi được chính mình. Nếu không chuyển đổi được thì chúng ta đã uổng phí một kiếp người. Gần đây, có nhiều nhận xét không mấy sáng sủa về người tu hành: “Sao người tu hành mà lại như thế?” Câu trả lời là họ vẫn là con người đang trong quá trình tu dưỡng mà con người thì không thoát khỏi “Tài Sắc Danh Thực Thùy”. Nếu họ có được thầy tốt bạn lành thì sẽ có kết quả khác.

Chúng ta không nên có cái nhìn gán ghép cho người ta. Phật từng dạy hàng đệ tử rằng: “Bao giờ các ông là A La Hán thì các ông mới tin tưởng vào chính mình”. Sơ quả Tu Đà Hoàn đã là vô ngã, không còn thấy “ta và của ta” nhưng vẫn không thể tin vào chính mình, chỉ khi phải chứng tứ quả A La Hán mới có thể tin vào chính mình.

Bạn của tôi từng hỏi sao con người thật đáng sợ, 80 tuổi rồi mà vẫn chạy theo dục vọng của bản thân? Câu trả lời là tại vì họ không có gì để nghĩ, suốt ngày họ chỉ nghĩ đến dục cho nên đã trở thành thói quen. Thậm chí, cho dù thân dục không có nhưng tâm dục vẫn rất mạnh mẽ và hiện hữu. Hằng ngày họ chìm trong “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn”. Ban ngày nghĩ gì thì ban đêm mộng cái đó.

Nếu chúng ta ngày ngày niệm Phật A Di Đà, nghĩ đến đại nguyện của Phật thiết lập thế giới Tây Phương Cực Lạc để tiếp dẫn chúng sanh, nghĩ đến việc mình làm gì để mang lại sự an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho chúng sanh. Nghĩ như thế là mình tự mở cho mình lối đi Tây Phương Cực Lạc. Còn nếu chúng ta chỉ nghĩ đến “năm dục sáu trần” thì chúng ta đã đóng bít tất cả con đường đi đến Thế giới Cực Lạc và đang khai thông con đường đến “tam ác đạo”.

Mỗi chúng ta phải chân thật mà phản tỉnh xem chúng ta hiện tại tu học ra sao rồi? Có phù hợp với giáo huấn của Hòa Thượng Tịnh Không, của Phật Bồ Tát hay không? Chúng ta xét trên khởi tâm động niệm là biết ngay đây là “tự tư tự lợi”, đây là “danh vọng lợi dưỡng”, đây là thỏa mãn “năm dục sáu trần”. Vì sao chúng ta không nhìn thấy? Vì chúng ta ngày ngày “tham sân si ngạo mạn” nên sẽ không thấy thứ gì.

Vấn đề là làm sao chúng ta đề khởi được, tự nhìn ra được? Nếu chúng ta ngày ngày tiếp cận giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền, của Hòa Thượng thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra. Nếu xem thường giáo huấn của các Ngài thì chúng ta chỉ biết nghe theo giáo huấn của tập khí phiền não xấu ác của chính mình mà thôi!

Nếu bất kỳ ai, kể cả người học Phật thuận theo tự tánh thì họ sẽ không bao giờ khiến ai phải tặc lưỡi hít hà mà thốt lên lời ca thán rằng vì sao họ lại như thế và họ sẽ không làm ai phải đau lòng. Còn nếu họ sống ngược lại với tự tánh thì cuộc sống đương nhiên là vậy. Chỉ khi họ là A La Hán thì họ mới không bị tập khí sai sử. Cho nên chúng ta học tập với Hòa Thượng là để ngày ngày được phản tỉnh.

Hòa Thượng như là tấm gương để chúng ta soi chiếu chính bản thân mình. Có như vậy thì ngay trong cuộc sống hiện đời này chúng ta mới chân thật làm ra một chút gì đó lợi lạc cho chúng sanh. Không thể cầu nguyện suông mà được, càng không thể ỷ lại nương nhờ, hơn nữa Phật Bồ Tát không bảo chúng ta ỷ lại nương nhờ. Cha Mẹ ở thế gian muốn con trưởng thành thì bản thân con vẫn phải tự lập cánh sinh. Cha Mẹ nào giàu có mà nói rằng: “Không cần phải tự lực cánh sinh, Cha Mẹ sẽ lo hết” thì họ hãy chờ xem kết quả sẽ ra sao.

Chúng ta thấy câu chuyện của Ngài Tiêu Hà là điển hình. Thời điểm đó, nhà Vua ban đất cho các đại thần, ai cũng tranh giành đất tốt còn riêng Ngài Tiêu Hà thì chọn đất xấu nhất. Con cháu Ngài Tiêu Hà về sau thịnh vượng phát đạt còn con cháu các vị chọn phần đất tươi tốt thì chểnh mảng, bê tha, cuối cùng đời sau thì nghèo nàn, bại lụt. Thế gian còn như vậy thì ở nơi Phật pháp lại càng không có sự ỷ lại nương nhờ, tất cả hoàn toàn tự nỗ lực.

Bản thân tôi học theo Hòa Thượng qua các đĩa giảng pháp, nghe được lời nào thì làm theo lời đó. Mười mấy năm tôi làm theo Ngài một cách tích cực mà làm vẫn chưa giống lắm. Việc học tập của mọi người ngày nay có nhiều thuận lợi vì mọi thứ có sẵn hết. Ở đâu ra vậy? Là nhờ kinh nghiệm của người đi trước. Thời chúng tôi làm sao có những buổi học tập sách tấn nhau như thế này, ngày nay chúng ta may mắn hơn nhiều. Trước đây Hòa Thượng nói Ngài thấy cô độc khi Ngài xa Thầy, vân du trên thế giới, chẳng có người đồng tâm đạo hợp bên cạnh, tâm cảnh này của Hòa Thượng lâu lâu trong tôi cũng lóe lên. Rõ ràng mọi người thấy ai sẽ là người nhắc nhở chính mình đây? Rõ ràng mình là người đồng hành của chính mình.