3Chủ Nhật, 30/06/2024, 07:45

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 24/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 167

Chúng ta học Phật, học chuẩn mực của Thánh Hiền, của người xưa thì phải nghe lời, thật làm. Hằng ngày, trong khởi tâm động niệm, chúng ta thường tự thêm vào và bớt ra so với lời dạy của các Ngài, luôn tự cho mình là đúng “Tự dĩ vi thị”. Đây là chướng nạn lớn nhất ở mỗi chúng ta.

Quan sát thật kỹ thì chúng ta thấy, hằng ngày mình đang tạo nghiệp chứ không tạo phúc. Người tu học Phật pháp, tiếp xúc gần cả chục năm với Hòa Thượng nhưng cuộc sống vẫn không ra đâu vì xét kỹ lại, họ tu học chỉ trên hình thức chứ không chuyển đổi trên nội tâm.

Sáng nay, tôi vẫn lạy Phật đầy đủ mặc dù tối qua tôi không ngủ chút nào. Ngủ không được là việc của riêng mình, còn thời khóa nhất định vẫn phải làm. Ban đầu, vọng tưởng của tôi cho rằng: “Mình sẽ không lạy nổi”, sau đó tôi nghĩ rằng: “Cứ lạy Phật đi, việc gì đến cứ để nó đến”. Thực tế, càng lạy Phật tôi lại càng khỏe, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Cho nên sức khỏe của chúng ta có được nhờ sự tiếp nhận ở nhiều mặt, nhất là về mặt tinh thần.

Nghe lời thật làm là khó bởi mỗi chúng ta đều tự ý làm sai khác nên mắc sai lầm. Nếu làm đúng với lời dạy bằng tâm chân thành, cung kính thì kết quả còn tốt hơn. Để thể hội được điều này, chúng ta phải trải qua nhiều năm học tập và thực hành. Nếu chưa dụng công, chưa thật làm, chưa trải qua ngày tháng thì không dễ nhìn ra vấn đề này.

Hòa Thượng chỉ dạy trong nhà Phật có cầu tất có ứng “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Vậy tại sao chúng ta cầu không ứng? Vì chúng ta vọng cầu, tham cầu, tư cầu – chỉ cầu cho chính mình. Nếu chúng ta cầu cho chúng sanh thì nhất định việc cầu đó sẽ được đáp ứng.

Vọng cầu là ước vọng quá xa xôi ví dụ thấy người ta trồng dưa ra trái ngon thì mình cũng ngồi đó mà mong giá mà mình có đám dưa đó thì hay biết mấy. Để có được những trái dưa ngon, người nông dân đã phải nhọc nhằn từ khi cây còn non, phải bao bọc chúng như bao bọc đứa trẻ sơ sinh, hết sức cẩn trọng.

Tham cầu tức là luôn muốn thỏa mãn những cái mình ưa thích cho dù không cần thiết với chính mình. Thế gian này nhiều người tham cầu, không bằng lòng với thực tại mình đang có. Vậy người như vậy không thể có hữu cầu tất ứng mà nếu có ứng thì không phải Phật Bồ Tát gia bị, chỉ là quỷ thần, yêu ma quỷ quái.

Phật Bồ Tát gia trì thì vô điều kiện còn tà thần, yêu ma quỷ quái gia bị thì một vốn 10 lời. Việc này rất dễ hiểu, ví dụ như một bạn bè tốt, hàng xóm tốt thì khi mình gặp chuyện họ sẽ đến giúp, thậm chí mang tiền đến cho chúng ta và nói rằng lúc nào có thì trả, không trả không sao. Ngược lại, có người tưởng là bạn tốt, có thể đưa cho chúng ta ít tiền hoặc là chút phẩm vật như kẹo, bánh nhưng lại là bán cho chúng ta với bán giá đắt hơn giá thị trường và còn tính cả lãi rất cao sau một tháng.

Cho nên, chúng ta đừng bao giờ có ý tham cầu: “Trong mạng có, nhất định có; Trong mạng không nhất định không” hay “Quân tử vui làm quân tử còn tiểu nhân dù có oan ức cũng vẫn phải làm tiểu nhân.” Khi chúng ta quán chiếu cho kỹ tức là nhìn thấu như lời Hòa Thượng nói thì chúng ta sẽ cảm nhận thấy thế gian này không đáng tham cầu, không đáng ở dài lâu. Lúc đó mới khởi được tâm: “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”.

Nếu ngày ngày chúng ta khởi tâm động niệm đều là tham cầu, vọng cầu, tư cầu thì sẽ không thấy được chân tướng của mọi sự mọi việc. Thế gian này có hạng người vô công hưởng lộc. Người thật tâm hy sinh phụng hiến thì chẳng bao giờ nghĩ đến công sức, tuy vậy, có nhiều người lại ngồi đó hưởng hết những công sức của người hảo tâm chân thật hy sinh phụng hiến.

Đúng như lời Hòa Thượng chỉ dạy, thế gian này không phải là nơi dễ đùa cho nên đừng bao giờ bỡn cợt hay tùy tiện lêu lổng. Nếu không, chúng ta sẽ bị nó cuốn chặt không thể thoát ra khỏi “Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy”. Gần cái gì trong năm tập khí trên thì con người đều dính vào cái đó. Con người ta có thể vượt thoát được phạm trù của một phàm phu chẳng qua là vì không bị những thứ này ràng buộc. Cho nên trong một ngày, chúng ta phải quán sát lại xem chúng ta có thật làm hay không?

Tiền tài nhỏ chúng ta không động tâm, vậy tiền tài lớn thì sao? Hòa Thượng từng chỉ dạy, phước báu của bạn đủ chừng mực nào đó hoặc tương ưng với số tiền nào đó thì người ta chỉ mang đến bấy nhiêu thôi. Còn nếu phước báu của chúng ta lớn bằng tam thiên đại thiên thế giới này thì sẽ có người dâng tặng cả tam thiên đại thiên thế giới này cho chúng ta.