Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 23/06/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 166
Nếu chúng ta thực tiễn được vọng tưởng vào đời sống thì đó không gọi là vọng tưởng mà là nguyện vọng. Cho nên quan trọng là chúng ta có khởi niệm muốn thực tiễn hay không. Nếu thay đổi vọng tưởng thành nguyện vọng thì mỗi chúng ta có thể thay đổi được vận mạng. Đây là điều mà tôi cảm nhận sâu sắc từ lời dạy của Hòa Thượng. Ngài nói rằng nếu chúng ta thật làm thì chúng ta chân thật thay đổi.
Có một người muốn tặng cho tôi một ngàn cái mũ bảo hiểm có in chữ “A Di Đà Phật” nên tôi chuyển liền 1000 chiếc mũ đó về một ngôi Chùa ở tỉnh Sóc Trăng để những chiếc mũ ấy đến được với người dân nghèo. Khi chúng ta khởi niệm thiện lành thì biết bao chúng sanh được lợi ích.
Ngược lại, khởi ý niệm “tự tư tự lợi” thì không biết bao nhiêu chúng sanh bị mất lợi ích. Chúng ta mới nói đến chúng sanh hữu hình, còn biết bao nhiêu chúng sanh vô hình như tổ tiên, cửu huyền thất tổ, Ông Bà, Cha Mẹ nhiều đời, nhiều kiếp của chúng ta.
Hòa Thượng nói khi chúng ta khởi một niệm ác thì châu biến pháp giới, trên từ cõi chư Phật thẳng đến cõi địa ngục đều chịu bức xả của vọng niệm này. Bức xạ nguyên tử tuy rất khủng khiếp, đặc biệt ở thời hiện đại có thể gấp 10, 20 hay 100 lần nhưng độ ảnh hưởng vẫn có giới hạn chứ không lan tỏa đến tận hư không khắp pháp giới như một ý niệm.
Ý niệm vừa khởi lên thì nó không bồng bềnh như bức xạ nguyên tử mà là ngay tức thì sẽ đến khắp mọi nơi. Một ý niệm thiện khởi lên cũng vậy, đều sẽ đến mọi nơi. Chúng ta hãy nghĩ xem có bao nhiêu chúng sanh hằng ngày khởi được ý niệm thiện? Mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta có đề khởi được một ý niệm thiện không? Sáng nay tôi nói rằng khi chúng ta học xong chúng ta tức thì phải đi ngay vì sợ làm phiền bà con ở hẻm nhỏ này. Đây là ý niệm “vì người mà lo nghĩ”.
Chúng ta tu hành làm sao phải chuyển đổi được ý niệm, chúng ta khởi được ý niệm thiện thì mình an lạc, người cũng an lạc, môi trường xung quanh mát mẻ. Khi khởi một niệm ác thì ngay chính chúng ta bị từ trường ác đó làm cho mình khó chịu, người sống xung quanh và chúng sanh tầng không gian khác cũng không dễ chịu.
Bà Hứa Triết từng nói bà không biết giận và khuyên chúng ta không nên giận vì nếu giận thì ba ngày cơn giận ấy mới tiêu hết. Mỗi khi chúng ta giận thì chúng ta và những người xung quanh chúng ta đều bức bách, khổ sở. Vượt qua để không giận là công phu rất cao.
Chúng ta dù có tu hành cả một đời niệm Phật mà ngày ngày vẫn chìm trong phiền não, giận hờn thì chúng ta không có tâm thanh tịnh. Không có tâm thanh tịnh thì tu bất kỳ pháp nào cũng không có công đức. Kể từ khi chúng ta tu hành đạt được tâm thanh tịnh thì lúc ấy mới là công đức. Nhiều người tu học Phật nhiều năm mà càng lúc càng bức bách, càng khó khăn chính là ở điểm này.
Người học Phật quan trọng là phải thay đổi ý niệm từ chính mình. Tuy nhiên, tập khí phiền não của chúng sanh chúng ta liên tục thay đổi, đổi tốt rồi đổi xấu, đổi xấu lại đổi tốt. Cho nên việc tu hành của chúng ta không đến đâu cả. Ngày hôm qua tôi đã nói với mọi người tôi khởi nên ba ý niệm thiện và niệm thứ nhất, tôi đã thực tiễn được ngay trong buổi sáng và đến chiều thì tôi thực tiễn được hai ý niệm còn lại, cũng đều trong tầm tay.
Khi chúng ta khởi ý niệm tốt là chúng ta đã gửi đi một thông điệp thiện lành vào tận hư không pháp giới. Chư Phật Bồ Tát, tất cả cõi thiện thần và cõi ác thần đều biết được. Cho nên chúng ta hằng ngày tu hành chính là kiểm soát ý niệm. Nếu chúng ta khởi ý niệm ác, bất thiện thì mau mau chuyển đổi. Không có gì khác hơn! Chúng ta đừng nghĩ là sáng nay lạy được 300 lễ là tu hành. Chưa đâu! Đó chỉ là một cách trong nhiều cách. Quan trọng nhất là phải chuyển đổi ý niệm của mình. Một khi đã chuyển đổi thì khi chúng ta làm việc, chúng ta làm càng lúc càng hanh thông, làm được nhiều việc, tín tâm càng lúc càng mạnh mẽ.
Hôm qua tôi đi gặp một bác, tôi đã khuyên bác nên xây dựng một trường học để các trẻ có nơi học tập. Bác để con bác đứng tên và viết di chúc lại rằng: “Đây là ngôi trường làm giáo dục và muôn đời làm giáo dục”. Trường của bác, của gia đình bác, bác đứng tên, chúng con chỉ đến vận hành thôi. Lời khuyên này tuy chưa thành hiện thực nhưng Hòa Thượng khi giảng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên từng kể về Ngài Vệ Trọng Đạt.