22Thứ Sáu, 21/06/2024, 11:15

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 20/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 163

Bài học hôm qua, Hoà Thượng nhắc, chúng ta có một phần tu trì thì có một phần thành tựu, có mười phần tu trì thì có mười phần thành tựu, nếu chúng ta toàn tâm toàn lực tu trì thì nhất định thành tựu một cách toàn tâm, toàn lực. Chúng ta không có thành tựu là do chúng ta không dụng tâm tu hành, hằng ngày, chúng ta bị tập khí, phiền não dẫn dắt nhưng chúng ta không nhận ra. Chúng ta gần danh thì dính mắc vào danh, chúng ta gần lợi thì dính mắc vào lợi, chúng ta gần thứ gì thì chúng ta dính mắc vào thứ đó. Hôm nay, chúng ta có đạo tâm nhưng ngày mai đạo tâm của chúng ta đã giảm.

Tâm chúng ta diễn biến rất phức tạp nếu chúng ta không cẩn trọng thì sẽ mất đi đạo tâm. Đây là lý do, ngày nay, người học Phật rất đông nhưng người có thành tựu rất ít. Chúng ta không hiểu vì sao chúng ta không có thành tựu nên chúng ta nghi ngờ, phỉ báng và trở thành oan gia của nhà Phật. Nhiều người tin theo tà ma, ngoại đạo vì tà ma, ngoại đạo có thần thông. Chúng ta mất đạo tâm, mất niềm tin với Phật thì chúng ta rất khó có lại pháp thân huệ mạng.

Sáng nay, chúng ta nghe câu chuyện của người thợ rèn Hoàng Đạo Thiết là sự nhắc nhở đối với chúng ta, trong vở kịch có câu nói:“Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó nghe nay đã nghe. Thân này chẳng chịu đời này độ, đợi đến đời nào độ thân này!”. Chúng ta chân thật tu hành thì chúng ta có thành tựu, không ai có thể giúp được chúng ta. Phật Bồ Tát chỉ có thể làm ra tấm gương còn chính chúng ta phải tự dụng công.

Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thuỳ, Địa ngục ngục ngũ điều căn”. Nếu chúng ta dính mắc vào thứ nào trong năm thứ này thì chúng cũng sẽ đưa chúng ta vào Địa ngục. Từ lâu, tôi không chú trọng việc ăn ngủ, tôi ăn rất đơn giản. Chúng ta không thích danh thì chúng ta thích tài, chúng ta không thích tài thì chúng ta thích sắc, không thích ăn thì thích ngủ. Từ nhiều đời, nhiều kiếp năm thứ này đã lôi kéo chúng ta vào vòng sanh tử. Chúng ta gần danh lợi thì chúng ta sẽ dính mắc vào danh lợi, hay lợi nhỏ chúng ta không động tâm nhưng lợi lớn thì chúng ta dính mắc.

Hòa Thượng từng nói: “Năm triệu chúng ta không động tâm thì 50 triệu, 500 triệu, 5 tỷ chúng ta có động tâm không? Giá của chúng ta chỉ đáng 5 triệu thì yêu ma chỉ đưa cho chúng ta đúng 5 triệu”. Chúng ta phải hoàn toàn miễn nhiễm được với “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” thì chúng ta mới cắt được cội gốc của sinh tử. Nếu chúng ta không miễn nhiễm được thì cội gốc của sinh tử sẽ bám xuống ngày càng sâu chặt. Chúng ta phải ngày ngày học tập, phản tỉnh, gần gũi với thiện tri thức. Thiện tri thức chính là Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền.

Tôi may mắn vì trước đây, tôi dành toàn bộ thời gian để dịch thuật, hiện tại, tôi hỗ trợ mọi người dịch thuật, nên tôi phải đọc, nghe nhiều. Sáng nay, mọi người đã xem vở kịch nói về người thợ rèn Hoàng Đạo Thuyết, vở kịch nhắc nhở chúng ta trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều có thể khởi công phu, khởi niệm “A Di Đà Phật”. Trong vở kịch, lò rèn của người thợ rèn luôn đỏ lửa, người thợ rèn cho thanh sắt vào lò sau đó lấy ra đập, mỗi lần ông giơ búa lên hay hạ búa xuống thì ông niệm một lần câu “A Di Đà Phật”.

Hằng ngày, chúng ta rất ít khi khởi được câu “A Di Đà Phật”, mà chúng ta luôn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta muốn đề khởi được câu Phật hiệu thì

chúng ta phải huân tập một cách dài lâu, chúng ta gần gũi Thầy tốt, bạn lành. Hiện tại, hằng ngày, chúng ta nên đọc, nghe các bài giảng của Hòa Thượng. Gần đây, ở nhà, tôi luôn mở bộ đĩa “Tịnh Độ Đại Kinh” nhưng tôi mở để quỷ thần nghe còn tôi không chuyên tâm nghe, tâm tôi vẫn vọng động. Sự nhiếp tâm của chúng ta với câu Phật hiệu rất yếu, chúng ta thường nhiếp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Chúng ta không thể xem thường việc vượt thoát sinh tử. Hằng ngày, chúng ta phải quán niệm thế giới Tây Phương Cực Lạc, quán niệm Phật A Di Đà, quán niệm rằng thế giới Ta Bà này đầy khổ đau, chúng ta phải “yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”. Ở thế gian, chúng ta tận tâm tận lực làm vì người nhưng tâm chúng ta không dính mắc. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Hòa Thượng cũng nói: “Trong vòm trời này nhân quả không sót lọt một mẩy trần”. Chúng ta làm một việc tốt hay một việc xấu thì công đức, phước báu, tội nghiệp của chúng ta cũng không sót lọt. Người thật làm, thật vì người khác lo nghĩ thì sẽ có người khác lo cho họ.