40Thứ Tư, 19/06/2024, 22:34
162 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 162

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 19/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 162

Hòa Thượng dạy rằng tất cả Phật pháp là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ. Trong quá trình học tập, càng lúc chúng ta nhận rõ và đối trị được nhiều tập khí phiền não của chính mình thì đó mới là công phu. Học Phật pháp mà càng lúc càng u mê, càng lúc càng không nhận ra tập khí phiền não của mình thì chúng ta đã học sai. Hoặc càng tu học thì càng buông xả đối với “danh vọng lợi dưỡng” thì đó là đúng. Càng tu học, càng dính vào “danh vọng lợi dưỡng”, ham muốn mọi thứ, vướng mắc trong nó thì đó là tu sai.

Hòa Thượng nói tu hành đơn giản là tan nhạt những tập khí phiền não trước đây là tu đúng còn nếu không tan nhạt mà nặng nề hơn thì phải mau mau thay đổi. Việc này chúng ta phải tự nhận ra nơi nội tâm, tự thay đổi, tự làm mới. Không ai nhận ra giúp chúng ta. Cho nên học Phật là phải càng lúc càng giác, càng ngộ còn nếu càng lúc càng mê thì sai rồi.

Khi chưa tu học thì chưa có tiếng nói nhưng sau khi đã tu thì họ có đủ địa vị, tiếng nói và ngồi trên. Họ trở nên “tham sân si”, cống cao ngã mạn. Trường hợp này, tu xấu hơn là không tu. Trước đây, tôi chỉ chuyên đi chăn vịt vậy mà ngày nay tôi lại có thể làm công tác phiên dịch. Nếu tu học mà thấy được khen tặng, được nổi tiếng rồi khởi ý niệm cho rằng mình hơn người thì đi chăn vịt còn hơn. Người nông dân thật thà chất phác niệm Phật sẽ vãng sanh còn người nổi tiếng bị nhiễu loạn nội tâm bởi danh lợi thì niệm Phật không thể vãng sanh.

Hòa Thượng nói mục tiêu lớn nhất của Phật pháp là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ. Nếu tu học mà càng lúc càng mê thì tu sai rồi. Có người từng tụng được 1000 bộ Kinh Pháp Hoa những anh ta vẫn không thể ăn chay được. Nếu tụng được 1000 bộ như vậy thì lẽ ra phải có tâm từ bi rộng lớn, khởi tâm động niệm luôn nghĩ đến chúng sanh bởi đây là Kinh điển Đại Thừa. Tuy nhiên, khi biết người em mở đạo tràng niệm Phật, anh ta mắng em mình là không đủ đạo lực. Tâm anh ta luôn là các người làm gì có công đức bằng tôi, tức là bị 1000 bộ Kinh Pháp Hoa đè chết. Cho nên, chướng ngại, tập khí lớn nhất của chúng ta là luôn nghĩ người khác không bằng mình.

Gần đây, tôi mong muốn anh em tiếp tục dịch Bộ Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú. Để hoàn thành công việc này, dự kiến thời gian sẽ kéo dài trên 10 năm. Khi giảng năm 2014, Ngài đã gần 90 tuổi. Bộ giảng này là bộ giảng sau cùng của Hòa Thượng. Dài hơn 900 tập, bộ giảng này là cốt tủy của 70 năm tu hành của Ngài. Hiện tại, cũng có một bác đang yêu cầu chúng tôi dịch Bộ Thanh Tịnh Minh Hối của Kinh Lăng Nghiêm mà Hòa Thượng giảng.

Tôi có một thời gian làm giáo dục, bây giờ có người làm được rồi, thì tôi trở về công tác dịch thuật. Số lượng người tu học Phật pháp theo Hòa Thượng cũng rất đông. Quan sát trên trang web của chúng ta, riêng từ 12 giờ đêm qua đến 3 giờ sáng này, đã có trên 20000 lượt truy cập.

Cho nên, chúng ta phải lấy Phật pháp Đại Thừa làm nền tảng thúc đẩy giáo dục chuẩn mực đạo đức. Việc này cũng biểu pháp rằng phải hướng nội chứ không hướng ngoại. Vì sao? Vì khi chúng ta tiếp xúc nhiều người sẽ bị người ta làm cho nhiễu loạn, tiếp xúc với “danh vọng lợi dưỡng” cũng sẽ bị tập khí này làm cho nhiễu loạn.

Như lời Hòa Thượng dạy, mục tiêu của Phật pháp là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ. Làm thế nào để phá mê? Chỉ có Phật pháp, giáo huấn của Thánh Hiền và các bậc tu hành chân chánh mới giúp chúng ta phá mê. Hòa Thượng đã đem kinh nghiệm tu hành 70 năm của mình để giảng dạy, truyền thừa lại cho hậu thế. Chúng ta tiếp nhận Phật pháp là phải hiểu được ý của Phật pháp là gì? Chúng ta nói rằng y giáo phụng hành vậy thì chúng ta có y theo lời dạy để làm không hay chỉ làm theo tập khí của mình, thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”?

Hòa Thượng lại nhắc đến Ngài Anan là đa văn đệ nhất và Ngài Phú Lâu Na là thuyết pháp đệ nhất. Anan học rộng nghe nhiều nhưng không có sức định do chưa vào công phu nên chưa chứng quả còn Ngài Phú Lâu Na lúc trước là một vương tử, sau đó theo Phật tu hành thì một thời gian đã chứng quả. Ý đoạn này Hòa Thượng muốn nói là tu hành phải có thành tựu, chí ít là phải chuyển đổi được tập khí phiền não của mình, không chuyển đổi được thì sai rồi.