31Thứ Bảy, 15/06/2024, 22:22
157 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 157

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 14/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 157

Trong phần đầu chương V, Hòa Thượng nói: “Các đồng tu đến học Phật, nghe pháp đều có tiến bộ rõ ràng nhưng sự tiến bộ này không phải do chính chúng ta mà là do sự thành toàn của địa phương, xã hội, quốc gia”. Câu đầu tưởng chừng như Hòa Thượng khuyến khích, động viên chúng ta nhưng câu thứ hai lại là lời Ngài nhắc nhở chúng ta. Chúng ta là phàm phu, nếu chúng ta có bất cứ sở đắc nào thì chúng ta sẽ khởi tâm tự đắc, tự mãn, chúng ta sẽ quên hết ân đức của mọi người.

Hôm trước, có một người Thầy thuốc đến thăm tôi, ông nói, người con trai của ông chỉ cho ông đi chiếc xe cũ nhưng chiếc xe cũ không thể lên được con đường đèo dẫn vào nhà tôi, do vậy ông phải đến nhà một người bạn mượn chiếc xe ga. Ông kể, con của ông học trường sư phạm xong thì ông xin việc cho con trai, nhưng bây giờ người con trai mắng ông là người không có học. Có những người, khi có một chút thành tựu thì họ thấy những người xung quanh đều không bằng mình, thậm chí là Cha Mẹ.

Hòa Thượng từng nói, A Nan là chỉ cho người “đa văn nhưng vô định”, người học rộng, nghe nhiều nhưng tâm chưa định. Người đa văn khi có một chút thành tựu thì họ sẽ không còn nhìn thấy những người xung quanh, họ thấy những người xung quanh đều không bằng mình.

Hòa Thượng nói: “Người đa văn thích cầu giải, thích học rộng, thích nghe nhiều nhưng không chăm chỉ tu hành. Người có giải mà không có hành thì khó vào được cảnh giới tột cùng của sự tu hành là cảnh giới Phật cho nên Ngài A-Nan mới gặp nạn Ma-đăng-già nữ. Ma-đăng-già nữ là biểu thị cho tham ái, mê ở trong “năm dục sáu trần”, không có tâm xuất ly. Bệnh phổ biến của người học Phật chúng ta là không có tâm xuất ly tam giới, tâm và miệng không tương ưng, không thể buông xả “tài sắc danh thực thì”. Ngài A-Nan bị Ma-đăng-già nữ dẫn dụ nhưng chưa phạm giới.

Gần đây, có một người nhờ tôi dịch những bài Hoà Thượng giảng “Kinh Lăng Nghiêm” nhưng tôi tìm trên mạng không có những bài giảng này. ngày trước, khi Hòa Thượng đang giảng “Kinh Lăng Nghiêm” ở một ngôi chùa thì Hòa Thượng trụ trì ngôi chùa đó mất, những người trong ngôi chùa đó có mâu thuẫn. Khi Hòa Thượng trở về hỏi Ngài Lý Bỉnh Nam có nên giảng tiếp không thì Ngài Lý Bỉnh Nam nói, Hòa Thượng có thể trở về vì những người nơi đó không có tâm tu hành.

A-Nan là chỉ những người học rộng, nghe nhiều nhưng không chân thật hạ công phu tu hành. Nếu chúng ta cho rằng mình đã đủ hiểu biết thì chúng ta đã sai. Người “đa văn, vô định” rất dễ bị năm dục “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” dẫn dắt. Đây là bệnh phổ biến của phàm phu chúng ta, đây cũng chính là lý do chúng ta tu học nhiều năm nhưng không thể có thành tựu. Chúng ta là phàm phu, không thể tránh khỏi việc mắc lỗi điều quan trọng là chúng ta có thể phản tỉnh sớm hay muộn, chúng ta phản tỉnh nhanh thì chúng ta có thể hạn chế được tham dục.

Hòa Thượng nói: “Đắc Bồ Đề Tâm nhập biến tri hải”. Tâm Bồ Đề là tâm chánh giác, tâm chánh giác khởi tác dụng thì sẽ “vô sở bất tri, vô sở bất năng”. Chúng ta đạt đến trạng thái này thì gọi là chánh biến tri. “Hải” là tỉ dụ cho trí cảnh rộng lớn bất khả tư nghị. “Như Lai” là tự tánh giác. Thập phương chư Phật Như Lai làm thế nào để thành Phật? Đều do chỗ này thành tựu nên gọi là Phật Mẫu”. “Hải” là bao la, rộng lớn. “Trí tuệ hải” là trí tuệ rộng lớn, không có bờ mé. “Vô sở bất tri, vô sở bất năng” là không gì không biết, không gì không thể, chúng ta biết được tất cả, làm được tất cả. Chúng ta dùng tâm bình lặng chiếu soi mọi sự, mọi việc thì chúng ta sẽ tường tận mọi sự, mọi việc, chúng ta làm việc sẽ không có sai sót.

Biến tri hải” là Phật tính, tự tánh của chúng ta. Mỗi chúng sanh đều có đầy đủ tự tánh giác, khi tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta thấy được tự tánh giác của chính mình. Tự tánh giác cao độ thì chúng ta chưa đạt đến nhưng mỗi chúng ta đều đã từng đạt tới tự tánh ở cấp độ thấp. Thí dụ, hôm nay chúng ta chưa nhìn rõ một việc nhưng hôm sau chúng ta có thể sẽ nhận ra. Ngày trước, khi tôi phiên dịch đĩa của Hòa Thượng, sau một thời gian tôi nghe lại bài mình đã dịch, tôi nhận ra mình có thể dịch câu đó hay hơn rất nhiều. Ở thời gian đó, tôi chỉ có thể hiểu được như vậy, trình độ tu của chúng ta ở mức độ nào thì chúng ta chỉ có thể hiểu được ở mức độ như vậy.