25Thứ Sáu, 14/06/2024, 08:13
156 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 156

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 13/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 156

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nhắc, nếu chúng ta làm sai thì chúng ta phải lập tức sám hối. Trên “Kinh Địa Tạng”, Phật nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là ác”. Chúng ta khởi tâm động niệm đều là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Hòa Thượng từng nói: “Hằng ngày, chúng ta không làm phiền chúng sanh đã là phước cho chúng sanh rồi, chúng ta đừng nghĩ là chúng ta phục vụ chúng sanh”. Đây cũng là lí do ngày nay, người học Phật đông nhưng người có thành tựu rất ít.

Bài học hôm qua, Hòa Thượng cũng nhắc, chúng ta làm được việc tốt thì chúng ta cũng không nên để người khác biết. Chúng ta thường luôn muốn người khác biết, người khác thấy những việc chúng ta làm. Ngày trước, một lần tôi đi hộ niệm, tôi đã niệm được trong sáu giờ liên tiếp, bình thường, tôi ngồi niệm khoảng hai giờ thì đã cảm thấy mệt. Hôm đó, tôi có thể hộ niệm lâu như vậy vì xung quanh tôi có nhiều người, tôi niệm vì cái ta, vì tâm sĩ diện. Nếu chúng ta ở một mình mà chúng ta vẫn niệm Phật được nhiều như vậy thì đó mới là chúng ta chân thật có công phu. Chúng ta niệm vì cái ta thì chúng ta giống như Tổ Sư Đại Đức nói: “đau mồm rát họng chỉ uổng công”.

Chúng ta phải quán sát mỗi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình. Chúng ta đã trải qua nhiều năm tu hành nhưng chúng ta vẫn là phàm phu, chúng ta không thể tránh khỏi sai lầm, điều quan trọng là chúng ta phải phản tỉnh, nhận ra sai lầm. Con người có thể tiến bộ vì họ biết phản tỉnh nhận ra sai lầm. Học Phật là học giác ngộ, giác ngộ là sự phản tỉnh, hằng ngày, chúng ta phải phản tỉnh một cách cao độ. Chúng ta phản tỉnh một cách cao độ thì chúng ta mới nhận ra những diễn biến vi tế của nội tâm.

Người xưa định nghĩa chữ thành là: “Nhất niệm bất sanh tất vị thành”. Một niệm không sanh mới gọi là thành. Hằng ngày, chúng ta vẫn chìm trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên chúng ta luôn cảm thấy phiền não. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tự tác, tự thọ”. Chúng ta tự mình làm tự mình nhận.

Tôi biết một người thanh niên rất gầy, khi đi khám thì Bác sĩ nói anh không có bệnh gì, anh gầy là do bệnh “tương tư” vì anh mới chia tay với người yêu. Không ai có thể làm chúng ta đau khổ ngoài chúng ta. Trên Kinh Phật gọi những người này là: “Kẻ đáng thương”. Chúng ta không nhận ra chân tướng sự thật, không thể thoát khỏi sinh tử luân hồi thì chúng ta cũng là kẻ đáng thương. Chúng ta phải biết chuyển tâm, thay vì yêu một người thì chúng ta yêu tất cả mọi người. Chúng ta yêu một người là chúng ta thoả mãn cái ta của mình. Chúng ta mở rộng tình yêu của mình thành tình yêu dành cho Cha Mẹ, Thầy Cô, những người xung quanh và tất cả chúng sanh. Chúng ta thực tiễn tình yêu của mình trong tất cả khởi tâm động niệm, việc làm của mình thì chúng ta sẽ trở thành một người giác ngộ. Điều này không dễ làm, tôi có nhiều thời gian “lên bờ xuống ruộng”, hiện tại, tôi đã dần chuyển tâm, từ tình yêu với gia đình thành tình yêu đối với tất cả chúng sanh. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta “Đốn luân tận phận”. Dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình. Chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh để tránh những sai sót nhỏ trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu học chương V, chương này đối với chúng ta rất cao vì hiện tại người chí quyết cầu vãng sanh rất ít. Hằng ngày, chúng ta còn khởi tâm động niệm, còn phiền não thì chúng ta đang “chí quyết” đi vào vòng sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Các đồng tu xa gần đến đạo tràng niệm Phật, thâm nghiên Kinh giáo đều có sự tiến bộ nhất định”. Chúng ta cũng có sự tiến bộ nhất định nhưng sự tiến bộ đó là chưa đủ. Phật Bồ Tát chỉ mong chúng ta chân thật đạt đến tâm, đến cảnh giới như các Ngài. Tôi đang muốn đề khởi ban dịch thuật để dịch bộ “Tịnh Độ Đại Kinh”, hiện tại, duyên đã đến, chỉ cần hội tụ thêm một số nhân duyên thì chúng ta có thể dịch 1200 tập trong khoảng 10 năm. Chúng ta nghĩ đến chúng sanh đời sau và những đồng học thì chúng ta sẽ có quyết tâm làm. Chúng ta muốn làm một việc thì ngoài việc chúng ta phát tâm thì còn cần phải có nhân lực, tài lực.