Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 15/06/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 158
Bài học hôm qua, Hoà Thượng nhắc, chúng ta tu học phải chú trọng đến thực hành. Nếu chúng ta chỉ học trên ngôn luận không có sự nội hóa vào trong nội tâm thì chúng ta sẽ uổng phí cả một đời. Thích Ca Mâu Ni Phật nói đến câu chuyện của Ngài A Nan, người em họ và là thị giả của Phật, là người đa văn đệ nhất, tinh tường mọi sự, mọi việc. Ngài A Nan là người “đa văn vô định”, ưa thích sự cầu hiểu nhưng không chân thật tu hành nên Ngài bị Ma-đăng-già làm cho mê muội. Khi bị Ma-đăng-già dẫn vào động thì Ngài A Nan bừng tỉnh, Ngài khởi tâm hướng đến Phật mong Phật cứu giúp. Phật nói ra thần chú “Kinh Lăng Nghiêm” và sai một đệ tử đã chứng quả A-La-Hán đến đọc thần chú để giúp Ngài A Nan. Những việc này đều là biểu pháp cho chúng ta, chúng ta tu hành nhưng chúng ta chìm đắm trong tham cầu thì khi chúng ta gặp chướng ngại chúng ta không thể vượt qua. Hòa Thượng nói: “Chúng ta hiểu nhưng chúng ta không hành thì chúng ta không thể vào được cảnh giới của Phật”. Ma-đăng-già là biểu thị cho sự tham ái, mê đắm trong “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta chìm đắm trong những thứ này thì chúng ta không thể có tâm thoát ly tam giới.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta thường miệng nói một đường, tâm nghĩ một nẻo, tâm miệng không tương ưng”. Tâm cảnh của chúng ta là giải, hành không tương ưng, hiểu và làm hoàn toàn khác nhau. Thí dụ, chúng ta đều hiểu phải buông bỏ, nhất tâm niệm Phật thì sẽ tự tại vãng sanh, chúng ta hiểu nhưng chúng ta không làm được cảnh giới này. Chúng ta không thể buông xả mọi sự, mọi việc mà chúng ta dính mắc vào mọi thứ.
Mười năm qua, tôi dính mắc rất nhiều việc, gần đây, tôi phát tâm dịch bộ “Tịnh Độ Đại Kinh khoa chú”, trước đây tôi đã dịch 30 tập, tôi không dùng được máy tính nhưng tôi sẽ chú tâm hỗ trợ mọi người dịch. Tôi sẽ phải buông rất nhiều thứ để có thể hỗ trợ mọi người phiên dịch. Chúng ta làm mà chúng ta dính mắc vào việc thì chúng ta đã cưỡng cầu, chúng ta cưỡng cầu thì nhất định chúng ta phiền não.
Hòa Thượng nói: “Lời khải thị của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền là thuốc trị bệnh thông thường của chúng ta”. Người thế gian rất khó để buông xả ân oán, tình thù. Chúng ta phải tập để buông xả dần mọi việc, việc chồng hay vợ chúng ta mất chắc chắn rồi sẽ diễn ra. Hiện tại, tôi nhìn lại, những người thân như cô gì, chú bác của tôi đã ra đi gần hết, rồi đây, tôi cũng sẽ ra đi. Chúng ta nhìn thấu để chúng ta có thể tiếp nhận.
Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận”. Chúng ta dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình, lúc cần thì chúng ta tự tại ra đi. Khi ông Lý Khánh Hoà sắp vãng sanh, người vợ trẻ của ông nói, ông hãy về thế giới Tây Phương Cực Lạc trước, chờ vợ con ở bên đó. Chúng ta chưa có tâm buông xả thì chúng ta có thể xem video nói về việc ông Lý Khánh Hoà vãng sanh ở trên website. Khi tôi bắt đầu phiên dịch, tôi đã dịch đĩa này đầu tiên. Người lồng tiếng video là một phát thanh viên, người học tại đại học Trung Văn với tôi. Chúng ta phải biết rằng chúng ta rồi sẽ phải buông xả tất cả, chúng ta cố cưỡng cầu cũng không níu kéo được.
Hòa Thượng nói: “Thế gian pháp chính là pháp của sáu cõi luân hồi, pháp xuất thế gian chính là pháp của Thánh Nhân, pháp nào mà giúp chúng ta ra khỏi sáu cõi luân hồi thì không luận là thế gian hay xuất thế gian đều từ nơi một tâm biến hiện ra. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” gọi đây là “nhất chân pháp giới”, “Kinh Bát Nhã” gọi đây là “thật tướng”, Kinh Đại Thừa thì gọi là Phật tính, viên giác, chân như… ở Kinh này thì gọi là Như Lai Tạng, kỳ thật đều từ một tâm biến hiện ra”.
Hòa Thượng nói: “Chỗ khó của tu học Phật pháp là lìa tướng, không dính mắc vào tướng. Chúng sanh từ vô thỉ kiếp, tập khí rất nặng, nơi nơi đều là phân biệt, chấp trước không thể lìa được tướng. Thích Ca Mâu Ni Phật nói pháp 49 năm nhưng chúng sanh không thể khế nhập được chân như thật tướng là bởi vì chúng sanh nơi nơi đều dính mắc vào tướng. Chúng ta không chấp trước danh tướng mới có thể hiểu được ý nghĩa chân thật”.
Trên Kinh nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả những thứ có hình tướng đều là hư vọng, không thật. Chúng ta dính mắc vào vai trò của mình nên chúng ta không thể buông xả. Nhà Phật nói: “Thanh tịnh vô vi”. Chúng ta không khởi tâm động niệm, không dính mắc thì chúng ta sẽ đạt đến trạng thái “thanh tịnh vô vi”. “Không phân biệt chấp trước” là chúng ta nhìn rõ mọi việc đúng hay sai nhưng khi chưa có đủ duyên thì chúng ta chưa nói. Chúng ta tu hành không phải là chúng ta không biết phải quấy, tốt xấu mà chúng ta biết mọi việc một cách tường tận. Chúng ta dính mắc vào mọi thứ nên Phật đã dùng những phương tiện khéo léo nhất để độ chúng sanh. Người thích danh, người thích lợi, người thích chốn tịch tịnh, Phật dùng những phương tiện khéo léo nhất để mọi người đều có thể tiếp nhận.