30Thứ Năm, 13/06/2024, 11:03

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 12/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 155

Hòa Thượng dạy chúng ta làm người lãnh đạo phải chú ý đến những tiểu tiết, nếu xem thường tiểu tiết sẽ dẫn đến sự hư hại, không thể làm được lãnh đạo. Có người cho rằng làm việc lớn thì chỉ quan tâm chuyện lớn nhưng chính việc nhỏ mới thành tựu được việc lớn.

Những việc thế nào là nhỏ? Trước kia có người gọi điện đến cho tôi xin đĩa giảng pháp của Hòa Thượng, tôi chạy ra tận chợ lớn để đưa đĩa cho anh nhưng tôi phải chờ anh ta gần một tiếng. Tôi có nhắc anh rằng mình hẹn với ai thì nhất định mình nên đến trước giờ, đừng để người khác chờ mình.

Đối với mọi cuộc hẹn của tôi với mọi người, tôi chưa bao giờ là người trễ hẹn trừ những việc bất đắc dĩ như lỡ tầu xe. Có rất nhiều lần tôi đến mà người ta còn chưa ngủ dậy. Đó chính là tiểu tiết nhỏ mà người làm lãnh đạo không xem trọng thì không làm được lãnh đạo.

Hòa Thượng nói: “Người lãnh đạo có ba loại người. Loại người thứ nhất là lấy đức phục người”. Đức là tất cả sự quan tâm của mình đối với cấp dưới, từ việc lớn đến việc nhỏ đều có sự để mắt của mình chứ không phải chỉ quan tâm việc lớn mà bỏ qua việc nhỏ. Vì trong xã hội người ta không chú trọng đến việc này cho nên phá vỡ tinh thần cộng tác giữa các bên.

Ngài tiếp lời: “Có một hạng người nữa chuyên dựa vào phước báu đời trước. Họ có địa vị, tiền của nên tạo tác, làm những việc tự đại ngông cuồng mà không biết dùng phước lành đó để giúp đỡ nhiều người”. Có một ông vua ở một nước rất nghèo nhưng ông vua này lại sắm chuyên cơ riêng, siêu xe, xây nhiều cung điện để cho mỗi bà vợ ở một cung. Ở đất nước nghèo khổ đó, ông vua nổi tiếng là một tay ăn chơi có tầm. Đây là ỷ lại vào phước báu đời trước nên có địa vị, tiền tài, thế là họ tạo tác.

Hòa Thượng nói: “Đợi đến khi phước báu hết thì nhất định phải chịu thọ khổ, chịu đọa lạc và một hạng thứ ba là hạng biết vận dụng đầu óc ranh ma, xảo trá của mình để tạo một thế đứng, ép buộc người dưới, tâng bốc người trên. Một khi chỗ dựa của họ bị đổ rồi thì chính mình lập tức bị đào thải. Khi ấy, báo ứng tàn khốc sẽ ập đến. Việc này nếu như chúng ta đọc qua lịch sử là có thể xem thấy rất rõ ràng”.

Chúng ta có thể là một trong ba hạng người này hoặc đôi khi chúng ta có đủ ba hạng người này trong tâm. Lúc thì hạng người này chiếm thượng phong, lúc lại là hạng kia. Cho nên, Hòa Thượng dạy ngày ngày phải phản tỉnh chính mình xem tâm cảnh của mình đang ở chỗ nào. Đôi lúc mình tưởng mình làm đúng, thế là cứ theo đó mà làm dẫn đến sai lầm. Sai lầm ít còn chữa được, sai lầm nghiêm trọng rồi thì không thể chữa được. Cho nên bài học hôm qua Hòa Thượng nói dẫn dắt con người thì phải dẫn dắt tâm người, phải cải tạo được tâm người còn thay đổi trên hình thức vẫn không có kết cục tốt.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta làm việc gì sai quấy thì phải mau mà phát lồ sám hối. Làm sai thì sẽ sớm ngày thọ báo. Còn khi chúng ta làm việc tốt thì không để cho người khác biết, đó mới là tích âm đức”. Làm việc tốt mà muốn người nào cũng biết thì chúng ta đã hưởng hết phước rồi. Nhiều người biết thì họ sẽ tâng bốc, khen ngợi, tán thán chúng ta. Chỉ cần chúng ta tự đắc là mất hết âm đức.

Cho nên Phật pháp hay thế gian pháp đều dạy chúng ta tích âm đức chứ không tích dương đức vì dương đức là bề nổi. Quan trọng là chúng ta chân thật phát tâm làm thì đó mới là âm đức. Nếu không xem trọng âm đức mà chỉ chú trọng dương đức thì chỉ sốc nổi và mọi việc theo sự sốc nổi mà tan biến. Việc này chúng ta phải đặc biệt chú ý.

Câu sau cùng cuối chương bốn Hòa Thượng nhắc nhở rằng: “Người học Phật chú trọng đến chuyện giải thoát vậy thì làm thế nào để có thể giải thoát được thì đó mới là điều quan trọng còn mọi sự mọi việc ta làm chỉ là Từ Bi mà xuất phương tiện”. Mọi việc mình làm là để có tư lương, có hành trang cho chính mình chứ không nên nghĩ mình làm cho người khác. Chúng ta không quán chiếu kỹ thì rất dễ lọt vào tâm cảnh này. Bản thân chúng ta thấy mình có sự cống hiến, hy sinh và từ đó sinh tâm oán trách đối với người khác.

Có một câu đối như sau: “Biển khổ mênh mông lúc nào chúng ta vượt khỏi; Có đường đi Tây Phương lúc nào chúng ta trở về.” Con đường này còn xa vì tập khí phiền não của chúng ta còn chướng ngại. Riêng việc Sinh Lão Bệnh Tử khổ, Oán tắng hội khổ, Ái biệt li khổ, Cầu bất đắc khổ đều đang diễn biến hằng ngày từng chút một, chi phối toàn bộ không gian và thời gian của chúng ta.