116Thứ Năm, 13/06/2024, 11:01

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 11/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 154

Qua lời khai thị của Hòa Thượng, chúng ta dần dần nhận biết được những tập khí phiền não của chính mình. Đó là điều may mắn nhất trong cuộc đời này. Người không được nhắc nhở thì sai phạm tiếp nối sai phạm, đến lúc không còn có cơ hội để sửa. Những năm qua chúng ta học tập, từng lời dạy của Hòa Thượng đã chỉ thẳng vào tập khí mà bản thân chúng ta không nhận ra để phản tỉnh, để quay đầu. Điều này cho thấy nghiệp chướng của chúng ta quá sâu dày.

Những người hằng ngày tùy thuận theo tập khí xấu ác của mình trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật đều là đang tạo nghiệp. Vậy con đường vượt thoát sinh tử sẽ không thể có cơ hội. Dầu có than thân trách phận cũng vậy thôi. Như Ngài Lý Bỉnh Nam nói “Đáng đọa lạc thế nào thì vẫn đọa lạc thế đó; đáng sinh tử thế nào vẫn sinh tử thế đó!

Nhiều người cũng tỏ vẻ ra mình là người đang tu hành song họ chỉ làm cho dễ coi. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Chúng ta đã đến thế gian này, những gì cần diễn ra thì cũng sẽ diễn ra. Vậy chúng ta biết điều tốt thì tại sao không đi theo điều tốt để ngay trong cuộc đời này chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh. Sự thay đổi tốt nhất chính là có thể vượt thoát được sinh tử.

Con đường tu học của chúng ta lúc tiến, lúc lùi mà tiến thì ít, lùi thì nhiều. Vậy thì chúng ta biết nghiệp chướng của chúng ta quá sâu nặng. Nếu hiểu như thế thì chúng ta đừng nên chủ quan, tùy tiện mà hằng ngày hãy kiểm soát từng khởi tâm động niệm của mình thì mới là người giác ngộ. Chỉ cần không kiểm soát thì “ảo danh ảo vọng, tự tư tự lợi” sẽ ùa về.

Đây là sự thật. Mọi người hãy tự quán chiếu lại sẽ thấy như vậy. Đó cũng chính là tu đức. Tu hành chính là hạ thủ công phu từ tu đức. Thời khóa hằng ngày chẳng qua là để đủ bộ, quan trọng là tập khí phiền não phải được kiểm soát. Nếu chỉ tu đủ bộ mà không kiểm soát tập khí thì đó chỉ là làm cho dễ coi thôi.

Tổ sư đại đức thường nhắc chúng ta rằng “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Bản thân tôi cảm thấy mình cũng đã uổng phí rất nhiều. Rất may tôi được tiếp cận lời dạy bảo của Hòa Thượng nên những sự lãng phí đó được thu lại nhỏ dần, nhỏ dần. Tuy nhiên vẫn còn nguyên gốc. Cành lá, tán cây bị tỉa rồi nhưng gốc vẫn còn. Gốc còn thì vẫn có thể đâm chồi và vươn cành. Đây là điều đáng sợ nhất.

Cội gốc sinh tử, cội gốc của mọi sự phiền não cũng vậy cho nên chúng ta đừng để đến lúc quá muộn rồi mong cầu sửa sai, Hòa Thượng nói “Thời gian không còn kịp”. Cho nên phải hết sức trân trọng, những việc gì cần làm lợi ích chúng sanh, cho cộng đồng, xã hội, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh phụng hiến.

Vừa qua chúng ta tổ chức trại hè rất thành công. Các Thầy Cô cũng đi du lịch, tham quan cảnh mới, nhưng kèm với đó là dẫn dắt các con, khiến cuộc đời các Thầy Cô đầy ý nghĩa, đầy hương sắc đức hạnh, bồi lên cho kiếp sống nhân sinh này thêm nhiều giá trị. Không nên chạy theo hư ảo bởi chúng ta không còn đủ thời gian tu phước, tích phước và tiết phước. Cho nên Hòa Thượng nói Phật pháp là xây dựng trên nền tảng đức hạnh.

Tu đức là điều quan trọng, nhiều người cho rằng ngày ngày tụng Kinh niệm Phật là tu đức, tuy nhiện, họ phải hiểu rằng quan trọng khi tụng Kinh niệm Phật là ở chỗ dụng tâm. Có thanh tịnh không hay là dụng tâm vọng động, mong cầu. Cho nên trong xã hội ngày này, chúng ta nhìn rất rõ ai là người có đức hạnh, ai là người không có đức hạnh. Hòa Thượng nói rằng chỉ cần một chút tâm thanh tịnh là có thể nhận ra ngay.

Trong Kinh Hoa Nghiêm đã dạy “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” – học để làm thầy người, hành để làm mô phạm cho người. Những tấm gương hiếu thảo, biết vâng lời, tận lực hy sinh phụng hiến ngày nay quá hiếm. Cho nên chúng ta phải làm ra những tấm gương đó. Tuy nhiên, khi chúng ta tổ chức trại hè tận tâm tận lực đến vậy mà người phía trên vẫn cho rằng chúng ta đến mượn chỗ để tạo danh tiếng cho riêng mình.

Thật ra xã hội này là vậy bởi ai cũng cầu danh cầu lợi. Tuy nhiên, sau khi nhận ra rồi thì họ lại tán thán chúng ta. Lời chê bai hôm trước và tán thán hôm nay có nguyên nhân từ cách nhìn, họ không nhìn bằng tâm chân thành để nhận ra sự thật mà dùng tâm ảo danh ảo vọng để nhìn người khác nên thấy ai cũng ảo danh ảo vọng.