26Thứ Năm, 13/06/2024, 10:58

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 09/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 152

Hòa Thượng chỉ dạy rằng Tổ Ấn Quang khi còn ở đời luôn tích cực khuyên người tin sâu nhân quả, trồng nhân thiện nhất định gặp quả thiện, trồng nhân ác nhất định gặp quả ác, gieo nhân yêu thương thì gặt yêu thương, gieo nhân tang tóc thì gặp tang tóc.

Như câu chuyện của cô gái được con sóc trả ơn. Hằng ngày cô cho nó ăn nên khi nó có món ăn nó đã để trên đầu cửa để cho cô nhìn thấy. Do đó, Ấn Tổ đã đề xướng sách thiện để người người đều hướng đến làm việc thiện. Ai cũng biết được nhân nào quả đó thì họ sẽ sống chân thành, không lừa gạt ai.

Tuy nhiên, ngày nay, con người đạt đến mức siêu lừa. Trên báo cũng đăng có người giả làm người khổ, không chồng con, xin tá túc qua đêm ở chùa, rồi lừa người uống thuốc mê để lấy hết tài sản. Họ không còn tính người, dùng thủ đoạn hại người cướp của. Họ lợi dụng lòng tốt của mọi người, khiến người muốn làm điều thiện cũng ái ngại.

Lòng người thời hiện đại mờ mịt với việc tu hành giải thoát, nhiều lắm chỉ là tu ở bề ngoài cho dễ coi, thực chất trong nội tâm vẫn là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, chìm ngập trong ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần”, còn “tham sân si mạn” thì đầy rẫy. Nhà Phật có câu: “Từ bi phải dựa trên trí tuệ”.

Cho nên Tổ sư Ấn Quang đề xướng sách thiện như Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên không phải không có nguyên nhân. Hòa Thượng khẳng định đây là lòng Đại Từ Đại Bi của Tổ nhằm cứu vãn kiếp nạn cho thế nhân. Chỉ cần người ta biết đến nhân quả, sợ trồng nhân ác thì bị quả ác.

Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta rằng việc khó nhất trong nội tâm của con người chính là không thể quên oán hận. Ai đó gây thù oán với chúng ta, hoặc chỉ là hiểu lầm thôi, thì chúng ta gần như không thể quên, không thể giải tỏa được. “Tạo nghiệp cũng từ nơi này mà sinh ra,” Hòa Thượng nói.

Chúng ta ôm trong lòng sự oán giận, thâm thù, từ đó, chúng ta không làm việc gì lớn, đơn giản chỉ là không hợp tác, có thái độ bàng quang, thờ ơ thì việc của người ta đã không thể thành. Chúng ta không nhận ra việc này vì cho là nhỏ, vẫn ngỡ rằng mình đang thanh tịnh, tự tại niệm Phật nhưng hóa ra là đang phá vỡ việc thiện của người khác. Vậy thì đó chính là tạo nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Nếu như không triệt để buông xả thì càng kết càng sâu.” Trong vô hình, ngày ngày chúng ta đều phạm phải. Nếu việc làm của họ là tốt, lợi ích cho số đông thì việc làm của chúng ta không chỉ cản trở họ mà là cản trở cả một cộng đồng. Ví dụ nếu chúng ta cản trở người giảng giải đạo lý giúp số đông thay đổi được “cách nghĩ, cách thấy, cách làm”, vậy thì nhân quả đó nhỏ hay lớn?

Oán nghiệp càng kết thì càng sâu. Chúng ta hững hờ với người thì người sẽ hững hờ với chúng ta. Cản trở một người không có tầm ảnh hưởng thì việc đó nhỏ nhưng cản trở một người có tầm ảnh hưởng lớn về đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh thì nhân quả diễn ra càng lớn nên phải hết sức cẩn thận.

Chúng ta hãy quán sát xem hằng ngày trong khởi tâm động niệm, chỉ vì cái tư thù như một lời nói không vừa ý chứ không nhất thiết là thù giết cha, giết mẹ đã khiến chúng ta tạo nghiệp lớn, nghiệp bất thiện. Ví dụ một trại hè có 100 em nếu diễn ra tốt đẹp thì 100 em đó được dạy, được định đặt lại về “cách thấy, cách nhìn, cách làm”, được khởi tâm tri ân Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô và người thân nhưng do chúng ta không ưa, không hợp tác thì trại hè đó không diễn ra suôn sẻ.

Cho nên học Phật là học giác ngộ, mỗi giờ mỗi phút, chúng ta phải nên đề cao cảnh giác, phản tỉnh chính mình, từng khởi tâm động niệm, từng đối nhân xử thế tiếp vật, từng hành động tạo tác. Vậy là chỉ vì tư thù mà chúng ta đã tạo nghiệp lớn. Việc này gần như mỗi chúng ta đều đang mắc phải. Đây là việc chẳng đáng, vậy mà chúng ta dùng cả đời tu hành của mình để đánh đổi. Cho nên tu học là phản tỉnh.

Có lần Hòa Thượng tổ chức lớp bồi dưỡng tăng ni trẻ với mọi thứ từ nhân sự, tài vật đến địa điểm đã trù bị đầy đủ. Gần đến ngày khai giảng thì không biết vì lý do gì nhưng các học viên từ các nước đã không đến được nên lớp học không khai giảng được. Hòa Thượng nói như vậy là cũng tốt bởi vì lẽ ra phải 4 năm nữa công đức mới viên mãn thì ngay bây giờ công đức đã viên mãn rồi. Đây chính là tùy duyên!