92Thứ Hai, 10/06/2024, 19:42

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 08/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 151

Trong bài học hôm qua, Hòa Thượng nhắc, chúng ta phải nghe lời người xưa. Người xưa là Cha Mẹ, Thầy Cô, là những tấm gương đức hạnh của dân tộc, là Thánh Hiền, là Phật Bồ Tát. Người xưa đã có kinh nghiệm trong đời sống, trong tu hành, chúng ta nghe theo lời người xưa thì chúng ta không cần phải mất thời gian, sinh lực để trả giá.

Chúng ta thường không nghe theo lời của người xưa mà chúng ta làm theo cách của mình, đây là do chúng ta có tâm ngạo mạn. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta chỉ nói lại lời của bảy đời chư Phật đã nói”. Khổng Lão Phu Tử nói: “Thuật nhi bất tác”. Các Ngài là Thánh Hiền mà các Ngài đều tiếp nhận kinh nghiệm, chỉ nói lại lời của người xưa. Chúng ta nghe lời và làm theo lời Thánh Hiền, Phật Bồ Tát thì chắc chắn sẽ không sai.

Ngày trước, khi chúng ta bắt đầu mở trường, chúng ta muốn áp dụng giáo dục Thánh Hiền, chuẩn mực của người xưa vào trường học nhưng chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Chúng ta có rất nhiều tài liệu như bộ đĩa “Con đường đạt đến nhân sanh hạnh phúc” dài 40 tập của Thầy Thái, bộ đĩa của Thầy Trần, Thầy Hồ Tiểu Lâm. Chúng ta vừa phải dạy tốt chương trình của Bộ giáo dục, vừa ứng dụng thêm giáo dục chuẩn mực của người xưa. Đối với việc giải quyết sinh tử, chúng ta cũng không thể làm theo cái thấy, cái biết của mình.

Con người thường chỉ nhìn ngay hiện tại, không có cái nhìn xa rộng. Nhiều người chỉ nhìn thấy sự an vui, hạnh phúc hiện tại, nhưng những điều này chỉ tạm thời, chúng ta không cảnh giác, một ngày những thứ này mất đi thì chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng khổ đau. Người nhìn thấy rõ thì sẽ không đắm chấp, biết mọi thứ là giả, vui cũng giả, buồn khổ là giả. Khi nghịch cảnh đến họ cũng có khổ đau nhưng mọi thứ trong tầm kiểm soát.

Ngày trước, có hai vợ chồng, khi người vợ mất đi, người chồng không thể chấp nhận được sự khổ đau, hôm sau thì ông cũng mất. Gia đình cùng lúc phải làm đám tang cho cả hai ông bà. Nhà thơ Cao Bá Quát thấy rõ kiếp nhân sinh là giả tạm nên ông có buồn phiền nhưng không quá đau khổ. Có những người khi mất người thân, mất chồng, mất vợ, mất con, họ gào thét, đau khổ đến cùng tột ngất đi ngất lại nhiều lần. Có người, khi gặp biến cố, chỉ sau một đêm thì tóc của họ đã bạc trắng. Khi nỗi khổ đau đạt đến cùng tột thì việc này có thể xảy ra. Chúng ta còn trẻ, khỏe thì chúng ta phải nỗ lực trong mọi phương diện tích công bồi đức, tu phước, tích phước. Nếu chúng ta chỉ tích lũy học vấn thì chưa đủ.

Ngày trước, khi tôi nghe Hòa Thượng giảng, tôi cũng muốn đóng góp cho cộng đồng nhưng khi đó, tôi cảm thấy mình “bất tài vô dụng”. Sau đó, tôi nghe được lời Hòa Thượng nhắc nhở: “Trong lúc chưa làm được việc thì chúng ta cố gắng tích luỹ năng lực, khi có việc thì chúng ta đủ năng lực làm”. Tôi nghe lời Hòa Thượng, cố gắng, không ngừng nỗ lực làm theo. Sự thành công của con người đều nhờ nỗ lực.

Hôm trước, tôi đưa con gái đi bệnh viện, tôi ngồi nói chuyện với chú bảo vệ, ông hỏi tôi nên làm thế nào để có thành tựu, tôi nói ông nên cố gắng. Ông tỏ vẻ cảm ơn trước lời khuyên này và bắt tay tôi. Chúng ta không nên dùng thời gian tuổi trẻ để hưởng thụ, sống qua ngày đoạn tháng. Một ngày, một tháng, một năm trôi qua thì chúng ta đã mất đi một ngày, một tháng, một năm sống ở thế gian. Giả sử chúng ta sống được 80 năm thì chúng ta chỉ còn thời gian sống là 30 năm, 20 năm, 10 năm hay thậm chí là chúng ta chỉ còn khoảng 5 năm.

Nhà Phật nói: “Vô thường tấn tốc, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”. Vô thường mau chóng, sớm còn tối mất, bỗng chốc đã qua đời khác. Các bậc giác ngộ biết kiếp sống của con người tạm bợ, chóng qua. Có những người cho rằng, cuộc sống ngắn ngủi nên họ phải nhanh hưởng thụ, khi sắp phải ra đi thì họ đau khổ đến cùng tột; đến lúc hơi tàn, lực kiệt, không đủ sức thoả mãn dục vọng thì họ tìm mọi cách bám víu. Chúng ta bớt đi sự hưởng thụ thì khi mất đi chúng ta giảm đi rất nhiều sự đau khổ.

Ở thế gian cũng có những người dùng thời gian, tiền bạc để hy sinh phụng hiến. Bà Hứa Triết dành toàn bộ thời gian để đi phục vụ, hy sinh phụng hiến cho mọi người. Bà sống an vui, ra đi một cách tự tại. Trước khi bà mất, bà dặn những người xung quanh không nói cho ai biết, sau đó một tháng mọi người mới biết tin, các nhà báo không tốn giấy mực, mọi người cũng không tốn vòng hoa. Tôi thật sự ngưỡng mộ những trợ thủ của bà vì sau khi bà mất một tháng thì những người quanh bà mới để mọi người biết thông tin. Trên website của chúng ta cũng có đĩa “Người thanh niên 101 tuổi” nói về bà. Bác Hồ cũng đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đời sống riêng để tìm đường cứu dân tộc.