43Thứ Tư, 05/06/2024, 18:32
148 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 148

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 05/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 148

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng là người học Phật, tu hành thì cần chú ý đến sức khỏe của chính mình. Thân khỏe thì có trí tuệ, thân đầy bệnh thì suốt ngày chỉ lo đến bệnh, không lo nổi việc khác. Tuy nhiên, dù rất chú ý sức khỏe, chúng ta vẫn không nên khắc ý cưỡng cầu.

Nếu chúng ta mải lo chăm sóc thân của mình thì đến lúc chính chiếc thân sẽ phản bội chúng ta. Mình cứ vun bồi cho nó, lo thân của chúng ta ăn không đủ, ngủ không đủ nhưng chính nó lại không nghe theo sự sắp xếp của mình. Cho nên chỉ có cách hy sinh phụng hiến, làm việc tốt đẹp cho mọi người thì mới chân thật có giá trị.

Xét cho kỹ khi chúng ta ăn một bữa thật ngon, ngủ một bữa thật đã và cuối cùng để làm gì? Liệu có giúp mình tinh tấn, dũng mãnh hơn không? Không hề có! Thậm chí ngày càng giải đãi, lười nhác chứ không có sự tinh tấn hơn. Nếu không trải qua năm tháng thì chúng ta không thấy được điều này. Cứ yêu chiều, vun bồi thân thì thân lại phản bội chúng ta.

Nhà Phật có câu: “Nghĩ đến thân thể, đừng cầu không bệnh tật vì không bệnh tật thì ham muốn dễ sanh”. Đôi khi có một chút bệnh lại là điều hay đối với người tu học. Tuy nhiên, Hòa Thượng khẳng định rằng không cần phải khắc ý để truy cầu khỏe mạnh sống lâu. Chúng ta phải phản tỉnh rằng khi mình khắc ý, truy cầu thỏa mãn nhu cầu của thân thì nó chỉ phản lại mình, làm mình đọa lạc hơn thôi. Con người phục vụ nhu cầu ngũ dục của thân “Tài Sắc Danh Thực Thùy”, càng thỏa mãn thì càng tệ hại.

Hòa Thượng dạy chúng ta cần phát tâm “vì người khác mà lo nghĩ”. Trong cuộc đời này không phải chúng ta không lo nghĩ cho bản thân, chỉ cần ta nghĩ đến chúng sanh là có ta trong đó rồi. Từ lâu, chúng tôi nghe lời Hòa Thượng: “Nếu mình không có hạnh phúc vì con thì mình cứ lo cho con người ta ngoan hiền, mỗi gia đình đều hạnh phúc vì con thì con mình sẽ ngoan hiền, sẽ tốt; Gia đình mình không hạnh phúc thì mình đi lo hạnh phúc cho gia đình khác, rồi chính gia đình mình sẽ hạnh phúc.” Đây chính là dùng tâm bình đẳng để đối đãi. Nếu người chưa học Phật thì họ sẽ không biết dùng tâm này, họ chỉ biết lo cho con họ và gia đình họ. Khi con họ và gia đình họ không như ý thì họ sẽ đau khổ.

Hòa Thượng nói chân thật phát tâm vì người, đem nghiệp lực chuyển thành nguyện lực. Rõ ràng chỉ cần thay đổi ý niệm. thì thân này sẽ không phải là thân nghiệp báo mà là thân thừa nguyện tái lai. Chúng ta khổ vì không chuyển ý niệm, suốt ngày trách móc, than trời trách đất, chỉ cần đổi ý niệm. Mọi thứ khổ đau do chính chúng ta gieo đời trước. Muốn chuyển đổi thì phải hy sinh phụng hiến vì người lo nghĩ, đừng vì mình mà lo nghĩ nữa thì đời sống tự khắc chuyển đổi.

Hòa Thượng nhắc rằng sự thành bại của một người là ở chỗ tâm lượng của người đó có rộng mở hay không? Khi chúng ta luôn nghĩ đến việc đôi bên cùng có lợi thì chúng ta không gây thù chuốc oán. Nếu có lợi thì nhường lợi cho người ta trước, còn mình thì phần sau. Thế gian này, mỗi người đều có sẵn tâm lượng của Bồ Tát.

Nếu mình dụng tâm nhường cho người ta bằng tâm chân thành thì liền ngay đó cũng đề khởi lòng chân thành của người ta, người ta cũng sẽ nhường lại. Mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm này, chỉ cần chúng ta có ý nhường người chân thành thì ngay tức thì người ta sẽ nhường mình. Đừng nghĩ rằng chỉ có mình mới có tâm Bồ Tát, người ta có tâm Bồ Tát rộng lớn hơn mình nhiều.

Có lần chúng tôi đi mua 1 cân mướp đắng, chúng tôi chủ động nói với chị bán hàng bán cho mình trái già vàng, để lại trái non xanh chị bán cho người khác. Mình làm như vậy, mình tưởng mình là Bồ Tát nhưng cô bán hàng với tâm lượng rộng đã cân cho chúng tôi 1 cân trái xanh tươi ngon và toàn bộ trái vàng thì tặng cho chúng tôi. Cho nên chúng ta phải xét lại tâm mình có thật không hay đang ảo danh ảo vọng? Người ta phải chi tiền để mua hàng ra chợ bán, vậy mà người ta vẫn có tâm bố thí như vậy.

Hòa Thượng nói thành bại của một người là do tâm họ có rộng lớn hay không, tâm lượng rộng là mỗi niệm đều “vì người lo nghĩ”. Trong nhà Phật gọi là trong tâm không có “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, không có ý niệm tốt với người để người tốt với mình.