97Thứ Năm, 06/06/2024, 20:18
149 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 149

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 06/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 149

Hòa Thượng nói: “Chỗ vĩ đại của Phật pháp Đại Thừa là ở tâm lượng rộng lớn, chân thật không có một chút tâm tư riêng, tất cả những lời giáo huấn của các Ngài đều lưu xuất từ tự tánh tự nhiên”. Lời giáo huấn của các Ngài không phải từ kiến thức, suy luận. Các Ngài chân thật mong muốn chúng sanh đạt đến hạnh phúc chân thật, các Ngài không có ý niệm thu hút tín đồ hay phe phái.

Hòa Thượng nói: “Ngày ngày chúng ta đọc Kinh, nghe pháp nhiều thì chúng ta nhất định sẽ sinh trí tuệ”. Chúng ta phải làm mọi việc một cách cẩn trọng, không tùy tiện theo tập khí. Người có trí tuệ biết chắc chắn rằng nếu họ hành xử theo tập khí thì sẽ có sai sót. Ở thế gian, mọi người luôn tranh danh đoạt lợi, sẵn sàng đạp đổ tất cả để đạt được mục đích, người có trí tuệ sẽ không làm việc khiến người khác hiểu lầm. Chúng ta tiếp cận giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền chính là chúng ta đang làm bạn với Thánh Hiền, với Phật Bồ Tát. Người xưa dạy: “Không sách Thánh bỏ không xem. Che thông minh hư tâm trí”. Nếu không phải là sách của Thánh Hiền thì chúng ta không nên xem, không phải là người học Thánh Hiền, học Phật Bồ Tát thì chúng ta không nên kết giao. Người chân thật học Thánh Hiền, học Phật Bồ Tát thì tâm lượng của họ sẽ rộng lớn, người không học Thánh Hiền, không học Phật Bồ Tát thì tâm lượng nhỏ hẹp.

Chúng ta gần gũi những người đầy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì những mầm mống có sẵn trong chúng ta sẽ nảy mầm. Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Chúng ta chưa có đạo lực ảnh hưởng, chế ngự người thì tốt nhất là chúng ta nên tránh. Tôi thường nhắc nhở chính mình là: “Không nên cho mình có cơ hội”. Tôi tìm cách tránh né chốn đông người, dễ bị cám dỗ. Cách đây nhiều năm, khi tôi ra nước ngoài, tôi yêu cầu mọi người không tổ chức tiệc tùng, không tổ chức tham quan du lịch, không phải là tôi không thích những điều này mà vì chúng có thể khiến tôi động tâm. Chúng ta đến những nơi xa hoa đó thì những nơi đó sẽ khắc sâu vào trong tâm khảm của chúng ta, chúng ta rất khó cạo rửa. Đây là chúng ta bảo hộ tâm cho chính mình. Chúng ta phải luôn là người hộ pháp cho chính mình.

Chúng ta hiểu rõ nội tâm của chính mình nên chỉ có chúng ta có thể bảo hộ, phản tỉnh chính mình. Tốt nhất là chúng ta đừng đến những nơi làm chúng ta sinh khởi tập khí, phiền não. Có thể có nhiều người đã chứng quả Tu Đà Hoàn, tuy họ có thể ko nói ra nhưng chúng ta quan sát hành vi của họ thì chúng ta có thể biết. Người chứng quả Tu Đà Hoàn đã đạt đến vô ngã, không còn thấy cái ta. Phật nói: “Bao giờ các ông chứng được quả A-La-Hán thì mới được tin vào chính mình”. Chúng ta tùy tiện, buông lung thì chúng ta phải tự nhận lấy kết quả. Chúng ta đọc sách của Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền chính là chúng ta làm bạn với các Ngài. Chúng ta không màng danh lợi nhưng chúng ta vẫn có thể bị người khác lợi dụng để đoạt danh lợi.

Hòa Thượng nói: “Học Phật quan trọng nhất là xây dựng được tín tâm, sau đó, chúng ta đi theo một con đường chính xác để tu sửa, cho nên Phật Đà đã phải giảng Kinh đến 49 năm, từ hành nghi của Ngài chúng ta biết được sự quan trọng của học vấn”.

Hôm qua, có người hỏi tôi, chúng ta học “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Đệ Tử Quy” có phải là xen tạp không? Có người sợ học nhiều thứ là xen tạp nên mỗi tuần họ học một thứ. Tôi nói, chúng ta học Kinh là học cương lĩnh, học “Thập thiện Nghiệp Đạo” để đối trị ba nghiệp, học “Đệ Tử Quy” để đối nhân xử thế, ba việc này tuy ba là một, tuy một mà là ba, hoàn toàn ko xen tạp. Nếu những việc này là xen tạp thì Hòa Thượng đã không giảng.

Ngày trước, sau bữa ăn sáng, Hoà Thượng giảng “Thập thiện Nghiệp Đạo” trong nửa giờ, sau đó Ngài giảng “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” hoặc các Kinh khác, buổi tối, khi nhiều người đến nghe thì Ngài giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”. Nhiều người tự đặt ra quy định, mọi người phải học theo thứ tự do họ đặt ra để họ mưu lợi. Có người hỏi tôi, học như thế nào để không xen tạp. Tôi nói, chúng ta học theo lời Hòa Thượng thì chúng ta sẽ không xen tạp. Hòa Thượng giảng tất cả các Kinh đều quy về “Kinh Vô Lượng Thọ”, Hòa Thượng khuyến khích chúng ta học để chúng ta hoàn thiện tư cách của một con người, những điều này là phương tiện để chúng ta tiếp tục học trở thành cư dân của đất Phật. Khi Hòa Thượng sắp vãng sanh, Hòa Thượng luôn nhắc chúng ta học tập chuẩn mực Thánh Hiền, trước tiên, chúng ta phải biết cách làm người, biết cách đối nhân xử thế. Đây là chánh lộ.