38Thứ Ba, 04/06/2024, 18:56
147 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 147

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 04/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 147

Hòa Thượng nói: “Phàm hễ việc gì cũng đều là cơ duyên. A Di Đà Phật xây dựng một thế giới Cực Lạc để cung cấp cho chúng sanh ở thế giới 10 phương có duyên một đạo tràng tu học. Tuyệt đối không có một chút tư tâm vì chúng ta tu hành mục tiêu của chúng ta là đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc cho nên tâm nguyện giải hành của chúng ta phải tương ưng với Phật A Di Đà”.

Chúng ta phải làm đủ tiêu chuẩn để hết báo thân này, chúng ta được về Tây Phương Cực Lạc. Cho nên chúng ta cần “tận tâm tận lực” hy sinh phụng hiến mà không có một chút tâm tư riêng. Tâm nguyện giải hành tương ưng với Phật A Di Đà thì mới nắm chắc phần vãng sanh.

Suốt quá trình dài 70 năm, Hòa Thượng luôn khuyên chúng ta “tự hành hóa tha” tức là tự mình tu hành và sửa đổi để giúp người khác cũng tu hành và sửa đổi; khi người sửa đổi được cũng góp phần giúp chính mình sửa mình tốt hơn nữa.

Hòa Thượng đã dạy chúng ta rất kỹ về cương lĩnh tu học nhưng chúng ta hoặc là không làm, hoặc là làm không hết, hoặc là làm sai. Ngày nay việc này vẫn khó vì chúng ta tu hành được một chút thì chìm trong danh vọng lợi dưỡng. Ở trong danh vọng lợi dưỡng mà không bị chìm đắm trong đấy thì đây mới là buông xả.

Đa phần mọi người khi làm thường nghĩ đến quyền lợi bản thân. Khi mình có thể quên đi lợi ích cá nhân thì lợi ích mang lại còn nhiều gấp vô số lần. Chúng ta thấy bác Hồ đã hy sinh thời niên thiếu, hạnh phúc riêng của mình để chăm lo cho dân tộc đến bây giờ mỗi lần nhớ đến lời dạy của Bác, mọi người vẫn thấy rất thân thương, gần gũi, chân thật. Niệm tri ân của chúng ta về sự hy sinh phụng hiến của Bác cho cả dân tộc đều không phai mờ. thông qua tấm gương đức hạnh dân tộc cho thấy sự hy sinh phụng hiến không bao giờ bị thiệt thòi. Người sống nhờ phước. Phước là người biết hy sinh phụng hiến, “tận tâm tận lực” vì người khác mà lo nghĩ.

Hòa Thượng nhắc nhở: “Người tu hành phải chú ý đến sức khỏe của thân thể - thân an thì đạo nghiệp mới tiến bộ. Thế nhưng không nên khắc ý tìm cầu sự bảo dưỡng. Tâm địa thanh tịnh là căn bản của khỏe mạnh. Ăn uống đơn giản cũng là nhân tố rất quan trọng.” Khi chúng ta không có tâm tham cầu, thì chúng ta sẽ tự biết cân bằng về ăn uống.

Bên cạnh đó, việc ngủ cũng vậy, ngoài 50 tuổi mà 4 giờ sáng vẫn còn ngủ thì cơ thể sẽ bị tắc nghẽn. Cho nên con người hiện đại hoàn toàn ngược với người xưa. Người xưa tâm tịnh thân động còn người ngày nay thân tịnh nhưng tâm động. Chúng ta ít vận động nên một tháng cộng dồn lại xem chúng ta có đi bộ được 10 cây số không? Điều kiện ngày nay khiến chúng ta không có thời gian đi bộ thì chúng ta dùng thời gian để lạy Phật.

Quan trọng là chúng ta biết điều dưỡng thân tâm của mình. Có sức khỏe tốt thì tinh thần sáng suốt. Mọi sự tư duy của chúng ta sẽ đúng đắn. Gầy yếu thì trí tuệ lu mờ, chúng ta không thể có tư duy sáng suốt được. Ăn uống đơn giản nhưng cố gắng đủ chất chứ không phải sơ sài.

Hòa Thượng nói: “Chỉ cần chúng ta phát tâm hoằng pháp lợi sanh, đem Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền đến với mọi người thì chúng ta có thể đem nghiệp lực chuyển thành nguyện lực. Người học Phật, quan trọng nhất là phải biết đem nghiệp lực biến thành nguyện lực thì thân này của chúng ta sẽ là thân thừa nguyện tái lai.

Chúng ta nên coi công việc dạy dỗ các con là sứ mạng thì rất tốt nhưng nếu coi đó là trách nhiệm phải gánh vác thì tâm thái sẽ rất cực khổ, nặng nề. Hàng ngày chúng ta làm việc với tâm vui vẻ, hy sinh phụng hiến thì thân này của chúng ta không phải do nghiệp lực mà đến cõi Ta Bà mà thân này do nguyện mà đến. Chúng ta sẽ hoàn toàn quên đi tất cả.

Hòa Thượng nói: “Sự thành bại của một người có liên quan rất lớn với tâm lượng của họ. Nếu mỗi người, mỗi niệm đều vì tất cả chúng sanh thì sự thành công đó của họ sẽ rất lớn, họ sẽ không bị lao tâm khổ chí.” Một người “tự tư tự lợi” muốn có thành công thì đã phải hao hơi tổn sức rất nhiều. Việc thành công là do chúng sanh có phước. Chúng ta cứ “tận tâm tận lực” mà việc không thành công là do chúng sanh không có phước.

Chúng ta đối với cảnh giới này còn rất xa, chúng ta mới thấy cái bóng của nó và lâu lâu cũng được hưởng một chút cái bóng của nó nhưng mà bóng râm đó không ở lâu trên đầu chúng ta. Vì sao vậy? Vì tâm chúng ta luôn thay đổi cho nên cảnh giới liền theo đó mà thay đổi.