28Thứ Hai, 03/06/2024, 19:23
146 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 146

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 03/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 146

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng chúng ta đọc Kinh hay nghe pháp đều là nhắc nhở chính mình về việc sanh tử lớn, vô thường đến rất mau chóng, mọi thứ có hình tướng chỉ là hư vọng. Tất cả Kinh Phật, giáo huấn của Phật đều chỉ nhắc nhở việc này, tuy nhiên chúng ta đọc lâu ngày không cảm thấy việc sanh tử là lớn, không cảm thấy vô thường đến nhanh mà càng đọc lại càng nhởn nhơ.

Chúng ta hãy quán sát sẽ thấy người thân của chúng ta đang ngày một ra đi, đến lúc chỉ còn mình chúng ta. Ông bà, cô dì chú bác đã ra đi rất nhiều, chỉ còn lại một vài người. Những người đó nói cho đúng hơn là cũng đang chờ chết, sức khỏe không còn nhiều nữa.

Tiền tài danh vọng địa vị dù nhiều dù cao đến mấy, rồi nó cũng tự rời xa chúng ta hoặc chính chúng ta rời xa nó, do đó, chính mình phải phản tỉnh. Có được “cái thấy” này chúng ta mới hạ quyết tâm buông xả mọi thứ ở thế gian, quyết cầu sanh Tịnh Độ. Như thế chúng ta mới đạt được mục đích của việc học Phật.

Phật Bồ Tát và tổ sư đại đức đều đã nói ra nguyên nhân chúng ta học Phật không thành công. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Thế nào là tiến bộ? Là sửa đổi khuyết điểm, phát huy ưu điểm chính là chân thật có tiến bộ.” Hòa Thượng dạy chúng ta xem lại tập khí của mình có tái phạm không, nếu có tái phạm là chưa tiến bộ. Khuyết điểm thì sửa, ưu điểm thì phát huy.

Ngài chỉ dạy rằng không thể hôm nay sửa mai lại phạm, vài năm sau lại phạm thì như thế không tiến bộ. Người tiến bộ thì phải cải sửa khuyết điểm và không ngừng phát huy ưu điểm. Đây là chân thật có tiến bộ.

Hôm qua, chúng tôi có nghe đức Pháp chủ chia sẻ rằng thời kỳ Mạt pháp, người tu hành chểnh mảng nên có những vị Bồ Tát xuất hiện để nhắc nhở chúng ta cần phải tinh tấn. Thật vậy, thời kỳ Mạt pháp người ta chỉ tu hành nơi hình thức. Việc này, chúng ta có thể quán chiếu trên chính bản thân mình, cũng đều thấy rõ. Chúng ta chỉ làm cho dễ coi, chứ chưa thật làm, cho nên không có kết quả. Các Ngài nhắc nhở chúng ta để chúng ta nỗ lực hơn trong công việc, trong bổn phận của mình chứ không phải cứ thấy có tấm gương tốt là chúng ta chạy theo, cuối cùng mình chẳng làm được việc gì.

Chúng ta thấy tấm gương của các Ngài thì chúng ta phải phản tỉnh xem lại công phu và dụng tâm của mình trong đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác của chính mình. Tuy nhiên, chúng ta không xem xét lại mà cứ chạy theo, làm phiền lòng cả người tu hành. Cho nên hằng ngày chúng ta tinh tấn hay tinh tướng.

Chúng ta phải quán chiếu trong mọi lĩnh vực mình làm, tâm mình có tinh tấn không? Liệu có phải việc mình thích và việc tu hành thì tinh tấn còn mọi việc khác thì rề rà. Như thế là sai rồi. Thế gian gọi là hai tâm ba ý. Mình dụng nhiều tâm quá, chỉ dùng một tâm mới đúng. Cuốc đất, trồng rau, lái xe đều là như nhau. Ở bất kỳ lĩnh vực nào đều dụng tâm cần cù, siêng năng, tinh tấn.

Hòa Thượng nói: “Tại vì sao từng đời từng đời không như nhau, tức là đời sau thấp kém hơn đời trước? Tại vì chuyên học cái xấu chứ không học cái tốt!” Lời dạy này của Hòa Thượng khiến chúng ta phải phản tỉnh rằng chúng ta toàn học sự chểnh mảng chứ không học sự chuyên cần nên đời sau luôn thấp hơn đời trước.

Người xưa đều làm ra điều tốt còn người ngày nay làm ra nhiều việc làm hư hại. Nguyên nhân là do người ngày nay học cái xấu, thấy người ta “tự tư tự lợi”, chểnh mảng thì mình cũng “tự tư tự lợi” và chểnh mảng theo. Rất là khó khi một mình ta tinh tấn trong khi xung quanh thì mọi người đều chểnh mảng. Cho nên có thể giữa bao nhiêu người buông lung mà chúng ta có thể tinh tấn được thì người đó có thiện căn phước đức nhân duyên rất sâu dày.

Hòa Thượng nói: ‘Người chỉ học cái xấu mà không học cái tốt là người không có trí tuệ.” Chúng ta là hạng người này. Sự chểnh mảng thì học theo rất giống nhưng sự tinh tấn của người ta thì chúng ta học hoài, học không giống. Học điều tốt thì khó học mà học hư, học xấu thì rất dễ dàng. Cho nên đạo nghiệp không thể có thành tựu.

Mấy ngày nay mọi người nói chúng tôi mở zoom lạy Phật để mọi người cùng lạy lúc 3g45. Nhân đây, chúng tôi muốn nương vào mọi người để lạy Phật đúng giờ, chứ không phải để mọi người nương vào chúng tôi. Đó là chúng ta cùng nhau tinh tấn chứ không phải tinh tướng. Chúng ta dùng phương pháp lạy Phật niệm Phật để đối trị với vọng niệm và hôn trầm.