23Thứ Hai, 03/06/2024, 10:02
145 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 145

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 02/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 145

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng mỗi một người sống ở thế gian đều mong cầu khỏe mạnh, sống lâu, thông minh trí tuệ và tiền của dư dả. Đó là quả, muốn có quả thì phải trồng nhân. Đa phần mỗi người chỉ thích quả mà không biết tu nhân. Cho dù có tu nhân thì họ làm không làm đúng pháp, chỉ là làm hời hợt bên ngoài, làm cho dễ coi.

Hòa Thượng, Thầy Trần, Thầy Thái từng nói rằng trong cuộc đời luôn cần có những tấm gương tu hành. Thông qua những tấm gương sẽ khiến mình hướng đến đó mà học tập, mà phản tỉnh, mà xem xét về việc gieo nhân của mình. Trong xã hội có rất nhiều giai tầng, có rất nhiều lĩnh vực. Ở mỗi lĩnh vực, chúng ta thấy mọi người dụng tâm tốt đẹp thế nào, nỗ lực ra sao thì mình học tập tấm gương đó. Quan trọng là chúng ta phải biết quên đi chính mình, xả bỏ chính mình thì mọi năng lực siêu nhiên của con người sẵn có nơi tự tánh đều sẽ hiển lộ.

Chúng ta chưa vượt qua tập khí đời thường nên chưa khơi dậy được năng lực tự tánh. Phật, Bồ Tát, Tổ sư Đại đức từng chỉ dạy rằng năng lực, trí tuệ, đức tướng của Như Lai đều có trong chúng ta nhưng vì chúng ta dính vào “cái ta” và “cái của ta” nên luẩn quẩn trong đó không thể vượt qua phạm trù của con người.

Chỉ cần chúng ta vượt ra ngoài phạm trù của con người thì năng lực của chúng ta sẽ đạt mức mà người ta gọi là siêu nhiên. Điều này Phật đà, Tổ sư Đại đức và Hòa Thượng từng nói với chúng ta nghe. Trong đời sống hiện đại, con người đang bị xoay vần bởi vật chất, nên việc Hòa Thượng Tịnh Không từ năm 36 tuổi thực hành Tam Bất Quản: không quản tiền, không quản người, không quản việc là điều mà thế gian cho rằng không thể làm được, không tiền làm sao có thể sống được.

Hòa Thượng từng kể về một cụ ông sống trong một ngôi nhà giàu sang với con cái thì ông không thích mà thích nay đây mai đó, đói thì ăn đồ ăn thừa ở quán ăn, ăn xong lại đi du sơn ngoạn thủy, tự do tự tại. Con cháu bắt về, sống trong đệm ấm chăn êm thì ông bảo đó không phải là cuộc sống của con người.

Cho nên người xưa từng dạy “tri túc thường lạc” – biết đủ thường vui. Nếu không biết đủ, chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, trong tâm ham cầu. Cho nên đối với tiền tài hay việc khỏe mạnh sống lâu, chúng ta đều tùy duyên chứ không cưỡng cầu. Sống thêm được một ngày thì tận tâm tận lực làm cho tốt. Nhiều người mong cầu sống lâu để thỏa mãn tham dục cá nhân là điều không nên.

Vì tâm mong cầu nên có nhiều người tuy tích cực bố thí nhưng để cầu phước báu trí tuệ, để được khỏe mạnh sống lâu, để được giàu có. Hòa Thượng từng dạy “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”. Công đức, phước báu cũng không nghĩ tới thì càng không cần đến “danh vọng lợi dưỡng”, chỉ cần tận tâm tận lực mà làm.

Trong Phật pháp có câu: “Đến pháp còn nên xả huống hồ phi pháp”, do đó Phật pháp, thế gian pháp, công đức phước báu hay thậm chí quả vị như thế nào, chúng ta đều không nghĩ tới, không mong cầu. Tuy nhiên, vì chúng sanh mong cầu tiền tài, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu nên Phật mới nói pháp đó cho chúng snah.

Có lần Phật nói rằng vì chúng sanh không tiếp nhận được pháp nhất thừa, pháp đưa chúng sanh thẳng đến thành Phật nên Phật mới thuyết pháp nhị thừa, tam thừa. Chúng sanh không muốn thành Phật mà muốn có cuộc sống an vui, khỏe mạnh, có trí tuệ sáng suốt một chút, vậy thì Phật phải nói pháp tương ưng với điều đó cho họ nghe.

Phật dạy chúng ta từng bước tu hành để chúng ta dần xả bỏ được chính mình. Điều quan trọng nhất trong bố thí là chúng ta tập làm để xả bỏ đi “cái ta” và “cái của ta”, tập xả bỏ những thứ bên ngoài, rồi dần dần xả bỏ những thứ bên trong.

Đạo lý Phật dạy không đơn giản là bố thí tiền tài để có tiền tài mà Phật muốn dạy chúng ta bố thí vật ngoài thân tiến tới bố thí tập khí phiền não, thói quen xấu ác của mình. Con người lo sợ đến cái chết nhưng khi họ vượt ngưỡng của bản thân, họ đâu có chết. Chính vì vậy, cần phải giữ trạng thái tinh tấn, đừng để cho mình bị lui sụt!

Mấy ngày nay ai cũng xao động về một tấm gương tu hành. Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương đó để mỗi chúng ta cần phải nỗ lực trong phần việc của mình chứ không phải để đi theo. Đi theo để làm gì? Rồi phiền não, vọng tưởng, tham cầu vẫn là phiền não, vọng tưởng, tham cầu.