30Thứ Bảy, 01/06/2024, 21:57
144 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 144

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 01/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 144

Nếu chúng ta có lòng tin sâu sắc đối với đạo lý nhân quả thì chúng ta nhất định sẽ làm đến được 100%. Chúng ta chưa làm được vì chúng ta mê hoặc điên đảo, cho thật là giả, nhận giả là thật. Tiền tài danh vọng, những xúc thọ ngoài thân đều là giả. Hằng ngày, nếu chúng ta thương hay ghét ai mà chúng ta không ngủ được thì đây đều là chúng ta nhận giả làm thật. Chúng ta mê hoặc điên đảo nên chúng ta khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích của mình. Nếu là người tin sâu thì họ sẽ nhận thấy thân này là giả vậy thì huống hồ là vật ngoài thân.

Ngày nay một số người dùng học thuật của họ để diễn giải nhân quả theo cách riêng của họ. Họ giảng nhân quả để người khác tin, người khác phụng hành, nhưng họ không làm như vậy. Đây chính là họ đã phá kiến. Hòa Thượng nói: “Phá giới thì có thể cứu phá kiến thì không thể cứu”. “Phá kiến” là chúng ta có cái thấy ngược lại với giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền. Chúng ta phải cẩn trọng trong việc tiếp nhận Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền.

Người ngày nay tự do ngôn luận, tự do xuất bản, họ diễn giải sai nhưng họ vẫn có thể xuất bản. Chúng ta đã in sách nhưng có người vẫn dùng sách này để biên tập lại và in. Trước đây, có một người nổi tiếng xuất bản sách, trong quyển sách đó viết, niệm Phật không cần diệt vọng tưởng, không cần giữ giới. Có những người niệm Phật nhiều năm cũng tin điều này. Giới là nền tảng của nền tảng. Giới giúp chúng ta ngăn ngừa những khởi tâm động niệm, tạo tác sai lầm.

Hòa Thượng nói, Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc, Thiên Đế, Thích Ca Mâu Ni Phật đều dùng giới để giáo dục chúng sanh. Từ giới sinh định, từ định sinh trí tuệ. Chúng ta muốn về được cung trời thì chúng ta phải giữ năm giới mười thiện từ trung phẩm trở lên, ngoài ra chúng ta phải tu tâm từ bi, hỷ xả. Phật dạy: “Với người thì chúng ta từ bi, với ta thì chúng ta phải thanh tịnh”. Chúng ta muốn thanh tịnh thì chúng ta phải giữ giới.

chúng ta học tập, tu hành phải có sự truyền thừa. chúng ta nhìn thấy người thật, việc thật, kết quả thật nhưng chúng ta vẫn chưa chắc làm được. Một số người tin theo những người ở đất nước khác, cho dù những người này làm một cách mơ mơ hồ hồ, không có kết quả rõ ràng. Có người nói với tôi, họ cảm thấy một người có khả năng rất siêu việt vì khi người đó bị xe đụng thì họ có thể đứng dậy bình thường. Đây là việc rất bình thường. Chúng ta trải qua năm tháng tu hành thì chúng ta mới chân thật đối trị được tập khí, phiền não. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Chúng ta khuyên họ bỏ đi tập khí xấu ác nên họ không thích nghe. Có người nói niệm Phật không cần diệt vọng tưởng, không cần giữ giới thì họ liền tin. Ngày trước, Ngài A Nan hỏi Đức Phật: “Khi Ngài nhập Niết Bàn thì chúng con biết nương vào ai?”. Phật nói: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”.

Chúng ta sống trong tiện nghi, vật chất nên chúng ta dần mất đi năng lực sinh tồn. Người tinh tấn thì đời sống của họ sẽ rất thanh đạm. Chúng ta không chịu được nắng mưa, không trải qua đời sống khổ cực, chúng ta sống trong tiện nghi thì chúng ta không thể tinh tấn. Chúng ta ở trong đời sống vật chất, tiện nghi mà chúng ta bị cám dỗ thì chúng ta vẫn là phàm phu. Chúng ta muốn làm Thánh Hiền, làm Phật Bồ Tát thì chúng ta phải rời xa những thứ tiện nghi này. Phật nói, thân này là giả nhưng chúng ta vẫn chấp trước vào thân một cách nặng nề. Bậc quân tử, hiền nhân thì đã không màng đến danh lợi. Trên “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh”.

Đời sống tiện nghi khiến con người dần mất đi năng lực. Khi tôi đến Tịnh Tông Học Hội ở Bắc Mỹ, tôi nhìn thấy gian bếp có rất nhiều máy móc tiện nghi như máy rửa chén, máy giặt tự động. Những máy móc này khiến chúng ta không phải lao động, chúng ta dư thừa năng lượng. Chúng ta thường không dùng năng lượng dư thừa để tận tâm tận lực làm việc lợi ích chúng sanh mà chúng ta thường dùng năng lượng dư thừa để tạo nghiệp. Chúng ta không được dùng những tiện nghi này một cách miễn phí mà chúng ta đang phải cật lực làm việc để thanh toán cho những hóa đơn tiền điện, nước, ga, thuê nhà, tiền xăng, tiền sửa ô-tô, tiền phí cầu đường…