28Thứ Bảy, 01/06/2024, 21:56
143 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 143

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 31/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 143

Hòa Thượng thường nhắc nhở chúng ta: “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Cầu không phải là chúng ta tụng Kinh mà là chúng ta phải “y giáo phụng hành”, trải qua năm tháng học tập, cải đổi chính mình. Hòa Thượng sống giữa vật chất, cám dỗ nhưng Ngài triệt để buông xả và làm theo lời Phật dạy. Hòa Thượng đã nhắc nhở chính mình và nhắc nhở chúng ta năm đức: “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” và năm hạnh: “nhìn thấu, buông xả, tự tại, tuỳ duyên, niệm Phật”.

Ngày trước, ở bên cạnh Tịnh Tông Học Hội có một dãy biệt thự, họ muốn hiến tặng Hòa Thượng dãy nhà này nhưng Hòa Thượng nói, họ hãy cho Ngài thuê với giá tượng trưng để Ngài chỉ có quyền sử dụng; trong điều khoản hợp đồng nói rõ điều kiện, bên B phải tu hành đúng pháp luật, đúng giới luật, nếu bên B tu hành không đúng thì phải trả lại nhà.

Nhiều người cho rằng, trong nhà Phật là “hữu cầu tất ứng”, nếu dùng tiền cúng dường thì sẽ được “một vốn, bốn lời”. Chúng ta bố thí thì chúng ta sẽ có phước nhưng điều quan trọng là dụng tâm của chúng ta. Tâm chúng ta vì hoằng dương Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền, chân thật mang lại lợi ích chúng sanh thì chúng ta mới có phước báu lớn. “Cầu” là chúng ta phải thật làm.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp không có người giảng dạy tuy là người trí cũng không thể hiểu đúng”. Có người thắc mắc, họ cầu nhưng không có ứng, họ cho rằng Phật pháp không linh. Chúng ta phải tuân thủ giáo huấn của Phật Đà, tu hành đúng như pháp. Chúng ta làm sai thì chúng ta nhận kết quả sai. Chúng ta tu hành nhưng chúng ta vẫn phiền não vì chúng ta tu không đúng như pháp. Phật dạy chúng ta phải quên đi chính mình nhưng chúng ta không làm được.

Mỗi chúng ta đều rất có phước báu, chúng ta được sống trong một đất nước bình yên, chúng ta có cơm no áo ấm, được tiếp nhận Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền. Hơn 50 năm trước, đất nước chưa độc lập, khi tôi đang ngủ thì phải chạy xuống hầm trú ẩn. Hầm đó được xây bằng gạch, bên trên được chất nhiều bao trấu, nếu có hai trái bom rơi xuống thì người trong hầm cũng khó sống. Chúng ta có những tấm gương rất tuyệt vời, Hòa Thượng đã làm một cách triệt để theo lời dạy của Phật. Có những người tu hành bị truyền thông, báo chí phát hiện nên đời sống của họ không được an ổn. Hòa Thượng nói: “Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta giả ngu”. Chúng ta biết tường tận nhưng chúng ta giả như không biết gì. Giống như, trước đây, khi Hòa Thượng đến thăm một vị Lão Hòa Thượng, vị Lão Hòa Thượng nói, có người đã đến gạt Ngài lần thứ ba.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có lòng tin đối với đạo lý nhân quả nhưng chưa chắc là lòng tin của chúng ta sâu sắc. Người tin sâu nhân quả nhất định làm được 100%. Chúng ta chưa tin sâu vì phàm phu chúng ta mê hoặc, điên đảo, không rõ chân tướng sự thật, khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích của chính mình”. Chúng ta chưa làm đến được là chúng ta chưa tin sâu. Chúng ta còn nghĩ đến lợi ích của chính mình là chúng ta chưa tin sâu nhân quả. Phật nói, thân này là giả, vật ngoài thân càng là không thật. Hòa Thượng nói: “Chỉ có nhân quả là chân thật”. Hạt dưa gieo xuống đất, đủ điều kiện thì hạt dưa sẽ mọc thành cây dưa.

Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật nói, thân thể là quả báo, thân tướng, dung mạo, sức khỏe thuộc về chánh báo, những hưởng thụ trong đời sống là y báo, là nhân đời trước chúng ta đã tạo. Con người không thể thoát ra được bởi vì không tin nhân quả, người thật tin, thật làm một cách triệt để mới có thể siêu vượt”. Ngày nay, một số người diễn giải một cách kỳ lạ, họ nói nhân quả để người khác sợ, để người ta mang tiền tài vật chất đi tặng cho họ. Người chân thật tin nhân quả sẽ biết thân này không thật, huống hồ là vật chất ngoài thân. Người chân thật tin nhân quả thì sẽ làm như Hòa Thượng nói: “Cái chúng ta đáng được thọ dụng chúng ta cũng nhường cho người khác”.

Trên trang tinhkhongphapngu.net, có rất nhiều video Hòa Thượng giảng Kinh, tất cả bộ Kinh đều khuyên chúng ta vì lợi ích chúng sanh mà lo nghĩ, vì lợi ích của chúng sanh mà làm. Chúng ta là tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh chính là mình. Hòa Thượng nói: “Chúng ta bảo người ta bố thí, cúng dường nhưng chúng ta thì muốn vào càng nhiều càng tốt. Không thể có đạo lý đó!”. Chúng ta bố thí thì chúng ta có phước báu, chúng ta có phước báu thì tiền tài, vật chất sẽ đến. Tiền tài, vật chất càng đến thì chúng ta càng bố thí thậm chí khi tiền tài chưa đến thì chúng ta đã nghĩ đến những việc cần làm.