135Thứ Năm, 30/05/2024, 12:55
142 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 142

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 30/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 142

Trong nhà Phật, tất cả việc làm đều là biểu pháp nhắc nhở chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta thắp hương là biểu thị cho việc quên đi chính mình, phục vụ chúng sanh”. Nhiều người hiểu lầm về việc này, họ dùng nhiều tiền để mua những vật phẩm trưng bày trên bàn thờ Phật, họ cho rằng làm như vậy thì sẽ có nhiều phước báu. Ngày trước, có người tặng Hòa Thượng một bức tượng cổ bằng gốm rất đẹp, mọi người chụp ảnh bức tượng Phật đó, in ra vải lụa và phổ biến khắp nơi. Hòa Thượng nói: “Tôi chỉ mang theo hình ảnh tượng Phật in trên giấy lụa, bức tranh này giá chỉ một đồng nên không ai muốn lấy!”.

Trước đây, tôi đến thăm một nhà, họ trang trí căn phòng nơi thờ Phật tốn hàng tỷ đồng, họ nói tôi có thể đến đó ngồi dịch Kinh, tôi chỉ mỉm cười và không bao giờ trở lại nơi đó nữa. Tôi nghe nói, sau này người đó làm ăn không tốt, ngôi nhà đó đã bị người khác siết nợ. Chúng ta phải học Phật bằng tâm cung kính chứ không bằng tâm tham cầu.

Phật pháp hưng suy đều do người học Phật có thật làm hay không. Chúng ta chỉ làm trên hình tướng thì sẽ không có kết quả. Nhà Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả những thứ có hình tướng đều là giả, chỉ có chân tâm, bổn tánh thanh tịnh của chúng ta là thật. Chúng ta học Phật để quay trở về với chân tâm, bổn tánh, thanh tịnh của mình. Chúng ta học Phật là để phá mê, khai ngộ, lìa khổ được vui, chúng ta muốn lìa khổ, được vui thì chúng ta phải thật làm. Chúng ta thường có tâm lý cầu nguyện, ỷ lại, nương nhờ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta muốn có được an vui thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật; chúng ta làm càn, làm quấy thì chúng ta không thể có cuộc sống bình an. Chúng ta muốn thuận với đất trời thì chúng ta phải tuân theo quy luật của đất trời, chúng ta muốn thuận với người thì chúng ta tuân thủ quy định, phép tắc của con người. Nếu chúng ta làm theo cách riêng của mình thì chúng ta đã sai. Tất cả là biểu pháp trong nhà Phật đều để khải thị cho chúng ta xả bỏ chính mình, bỏ đi ngã chấp. Chúng ta chấp trước vào thân vô cung nặng, đây gọi là thân kiến.


Hòa Thượng nói: “Chúng sanh sở dĩ sinh tử luân hồi trong vô lượng kiếp vì thấy có cái ta, chấp chặt cái ta”. Hằng ngày, từng khởi tâm động niệm của chúng ta đều vì ta mà lo nghĩ. Chúng ta đốt đèn sáp, đốt hương là hình ảnh tượng trưng cho sự xả bỏ, đốt cháy chính mình soi sáng cho người. Đây là biểu pháp nhắc nhở chúng ta hy sinh chính mình phục vụ cho người.

Hằng ngày, khi tôi dẫn con gái lên chùa lạy Phật, tôi thấy mọi người đốt hương rất nhiều, mùi hương rất khó chịu; tôi sửa lại những que hương mọi người cắm chưa ngay ngắn, đây chính là cách tôi sửa nội tâm của chính mình. Chúng ta phải cúng Phật bằng hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát. Tất cả việc làm của nhà Phật đều là biểu pháp nhắc nhở chúng ta hy sinh chính mình thành tựu cho người.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta dùng thời gian dài tu tập thì tự nhiên ngã chấp của chúng ta sẽ dần dần nhỏ đi”. Nhà Phật dạy chúng ta phải xa lìa ngã chấp. Trong nhà Phật quả thấp nhất là Tu đà hoàn, người chứng quả Tu đà hoàn đã là vô ngã, không còn thấy cái ta. Chúng ta không còn cái ta thì việc chúng ta mặc áo rách, ăn cơm thiu, ngủ ở nghĩa địa đều không có chướng ngại. Chúng ta học Phật phải đạt đến mức thấp nhất là quả Tu đà hoàn, là không còn thấy cái ta, không thấy ta đã chứng quả Tu đà hoàn. Chúng ta thấy chúng ta đã chứng quả Tu đà hoàn thì đó là chúng ta chưa chứng quả gì. Chúng ta vẫn đang thấy mọi thứ xung quanh là thật, người khác mắng chúng ta xong họ đã quên từ lâu nhưng trong tâm chúng ta vẫn lưu lại, khi có cơ hội thì chúng ta mang những điều đó ra hành hạ mình. Đây là như Hòa Thượng nói: “Chúng ta tự làm, tự chịu”.

Ở thế gian, những người thật sự xả bỏ, quên đi chính mình thì mới có thể làm được việc lớn. Các chiến sĩ bộ đội của nước ta cũng đã: “Sống bám đá, chết hóa đá biến thành bất tử”. Trong nhà Phật, chúng ta muốn có thành tựu thì trước tiên, chúng ta phải quên đi chính mình. Chúng ta đã học điều này nhiều lần nhưng chúng ta vẫn không làm được, thậm chí, ngã chấp của chúng ta ngày càng nặng. Khi chúng ta chưa có tên tuổi, địa vị thì cái ngã của chúng ta nhỏ, khi chúng ta có tên tuổi, địa vị thì ngã của chúng ta càng lớn vì chúng ta cho rằng mình có quyền uy, thế lực. Chúng ta có ngã nên chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ngã của chúng ta nhỏ đi thì tự tánh thanh tịnh của chúng ta sẽ hiển lộ. Quả vị thấp nhất trong nhà Phật cũng đã không còn có ngã.

Có một câu chuyện vui, trong buổi họp, khi một người đàn ông không được người dẫn chương trình giới thiệu về mình, ông đã tức giận nói: “Cô biết tôi là ai không?”. Cô dẫn chương trình mìm cười nói với mọi người: “Ông này đã quên mình là ai, nếu ai biết ông thì có thể nhắc cho ông biết tên, tuổi của ông là gì!”. Chúng ta cũng thường ở trạng thái này, chúng ta đến một nơi, chúng ta cũng nhìn xem có ai biết chúng ta không, đây là chúng ta muốn khẳng định cái ta.

Hòa Thượng nói: “Sự hưng suy của Phật pháp và sự hưng thịnh của quốc gia có quan hệ rất mật thiết, chúng ta nhìn lại lịch sử thì chúng ta có thể nhận thấy điều này. Mọi người quan niệm một cách sai lầm, cho rằng tụng Kinh, bái sám có thể tiêu tai, tiêu nạn nhưng kỳ thật không phải vậy! Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Chúng ta phải tuân thủ giáo huấn của Phật Đà, như pháp mà tu hành hay chính là phải “y giáo phụng hành” thì nhất định sẽ có cảm ứng”. Chúng ta làm đúng như pháp thì nhất định sẽ có cảm ứng. Có người nói, ngày ngày họ tụng Kinh, gõ mõ để cầu quốc thái dân an nhưng bản thân họ không tu hành như pháp, họ vẫn làm những việc trái với pháp luật, trái với vai trò, bổn phận của mình. Nhiều người xem thường việc tu hành đúng như lý, như pháp, khi họ phản tỉnh thì đã quá muộn, họ phải chờ đến kiếp sau. “Kiếp sau” ở đây có thể là ngay kiếp sau, cũng có thể là vô lượng kiếp sau.

Hôm qua, mọi người khai giảng lớp “Con đường đạt đến nhân sanh hạnh phúc” ở tỉnh Gia Lai, tôi đã lên lớp sớm nhưng tôi không bật Camera vì tôi muốn quan sát biểu thái của mọi người, ban đầu, một số người chưa hiểu ý nghĩa của việc đọc Kinh văn, sau khi có người phân tích thì mọi người bắt đầu dần hiểu. Chúng ta phải thật làm, thật có kết quả thì chúng ta mới có động lực học tập.

Chúng ta có một chút kết quả thì chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng đó là do mình làm tốt! Lời Phật, lời Hoà Thượng là khuôn vàng thước ngọc, bất cứ ai làm theo lời dạy đó chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp. Cách đây 10 năm tôi đã nói, ai học theo lớp “Con đường đạt đến nhân sanh hạnh phúc” trong 10 buổi và thật làm theo mà không có kết quả thì tôi sẽ nằm xuống làm đường để họ đi qua.

Ngày trước, tôi qua thôn Di Đà ở Bắc Mỹ, tôi làm lễ tri ân Cha Mẹ, vợ chồng cho một gia đình họ, mọi người đều ôm nhau khóc. Người bố đã chia sẻ về “Phép tắc người con”, về ý nghĩa của ngày sinh nhật cho những người con, một thời gian sau, anh nói, những người con đã biết lấy nước mời Ba Mẹ, xếp dép cho Ba Mẹ đi, trước khi đi học và sau khi đi học về thì biết chào Ba Mẹ. Nhưng một thời gian sau, họ không còn xem trọng những điều này nữa, họ đang chìm đắm trong danh vọng, tiền tài đến khi họ bừng tỉnh thì mọi việc đã muộn.

Nếu người người tuân thủ giới luật, pháp luật, phong tục tập quán thì xã hội sẽ tốt đẹp, không lừa gạt nhau. Ngày nay, mọi người tìm cách lừa gạt nhau để chiếm đoạt tiền tài, có những người bị lừa gạt nên mất hàng trăm tỷ, có những người đi lừa gạt người vẫn bị những người khác lừa gạt. Chúng ta phải thật làm thì mới thật có kết quả, chúng ta đọc Kinh một cách qua loa thì chúng ta không thể có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta cầu phước, tiêu tai, miễn nạn, những điều này đều là quả, chúng ta phải chân thật tu nhân thì chúng ta mới có được quả báo tốt”. Chúng ta chỉ cầu nguyện suông thì không thể có kết quả. Thí dụ, chúng ta muốn ăn dưa, đậu thì chúng ta phải trồng dưa, trồng đậu. Chúng ta đến xin Phật trái dưa thì Phật sẽ hướng dẫn chúng ta mua hạt giống phù hợp với loại đất nơi chúng ta sống, hướng dẫn chúng ta cách chăm sóc, sau một thời gian thì chúng ta sẽ có quả dưa.

Chúng ta luôn muốn khoẻ mạnh, sống lâu nhưng chúng ta thường tuỳ tiện trong việc ăn uống. Đạo lý này tưởng chừng dễ hiểu nhưng nhiều người không hiểu. Chúng ta muốn khoẻ mạnh, sống lâu nhưng chúng ta không rèn luyện sức khỏe và chỉ ăn theo sở thích. Hòa Thượng từng nói: “Thân thì phải động, tâm thì phải tĩnh”. Chúng ta đang làm hoàn toàn ngược lại, tâm chúng ta động nhưng thân chúng ta không động. Thân là một cỗ máy, thân không động thì sẽ tắc.

Ngày trước, một thời gian dài, tôi ngồi một chỗ phiên dịch mà không vận động nên toàn thân tôi bị tắc, tôi bị bệnh rất nặng và không sử dụng được máy tính nữa. Từ đó, tôi chú trọng rèn luyện thân thể, hiện tại, thân tôi không phát sinh thêm bệnh. Hằng ngày, tôi chỉ ăn no đến tám phần.

Chúng ta muốn có phước thì chúng ta phải trồng phước, cách trồng phước rất đơn giản. Xuất phát điểm của tôi thua mọi người, tôi sinh ra trong một gia đình bần cố nông, Cha Mẹ đều không được học hành đầy đủ. Chúng ta trồng phước bằng cách chúng ta làm tất cả những việc cần làm, thí dụ như chúng ta bố thí rau, đậu cho mọi người. Hôm nay, có người nói với tôi, họ sẽ làm mười mẻ đậu để mang tặng, đây chính là chúng ta tu phước. Chúng ta có phước báu thì chúng ta sẽ thoát được tai nạn. Có người gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng nhưng sau đó, họ vẫn có thể đứng dậy đi lại bình thường.

Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống cơ duyên là vô cùng quan trọng. Thế gian pháp và xuất thế gian quyết định đều ở chữ duyên, chúng ta có thể nhận biết được điều này thì mọi việc chúng ta làm sẽ không có chướng ngại, việc này Phật pháp thường gọi là quán cơ. Chúng ta có thể chân thật đem chữ duyên tham thấu thì đó chính là quán cơ”. Chúng ta may mắn gặp được Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Độ và gặp được một vị Thầy chân thật tu hành. Tôi có duyên may mắn gặp bộ đĩa Hòa Thượng. Tôi có duyên này nhờ tôi sẵn sàng cho đi. Ngày trước, khi hoàn cảnh sống của tôi rất khó khăn, Sư bà mời tôi đến dạy lớp chữ Hán, Sư bà nói không có tiền trả cho tôi nhưng tôi đã nói: “Sư bà yên tâm, có tiền hay không có tiền con cũng dạy y như vậy!”. Chúng ta muốn có duyên tốt thì chúng ta phải có tâm tốt, tâm chúng ta phải chân thành.

Nếu chưa đủ duyên, duyên chưa chín muồi mà chúng ta cưỡng cầu thì chúng ta sẽ làm hỏng việc. Trước đây, có hai chị em thường mời tôi tới một đạo tràng nhỏ chia sẻ, đây là những người trong gia đình, một lần, tôi nói với người em là: “Sao con tu hành mà mặt tối thui vậy!”. Từ đó, họ giận và tránh mặt tôi, không mời tôi đến gia đình họ chia sẻ nữa. Chữ duyên là vô cùng quan trọng. Chúng ta xem một người chân thật có thể tiếp nhận một việc hay chưa thì chúng ta mới nói. Có người nhờ chúng ta chỉ lỗi nhưng chúng ta chỉ lỗi cho họ một vài lần thì họ tránh mặt chúng ta, tùy từng trường hợp mà chúng ta phải quán cơ.

Nhiều người học Phật chỉ để cầu xin, họ cho rằng Phật Bồ Tát là vị thần đầy đủ quyền năng ban phước, giáng hoạ cho họ. Phật có thể thành Phật vì Ngài đã xả bỏ những việc thế gian, chỉ làm những việc cần làm. Phật đã khai phá ra con đường, chúng ta chỉ cần y theo lời dạy của Ngài mà làm. Trước đây, khi chúng ta mới mở trường dạy văn hoá truyền thống, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi mang những chuẩn mực người xưa vào giảng dạy, hiện tại, tất cả mọi việc đều đã có quy trình.

Nếu chúng ta ỷ lại nương nhờ, mong cầu bảo hộ che chở mà không thật làm thì đó là chúng ta chỉ vọng tưởng. Nhiều người thế gian cũng sẵn sàng hy sinh phụng hiến. Người xưa kể câu chuyện, khi một vị quan đi sứ qua một quốc gia, ông nhìn một vị vua của đất nước đó rất thích thanh kiếm của mình, ông tự nói trong tâm là khi đi sứ quay trở về sẽ tặng vị vua đó thanh kiếm. Khi ông trở về, ông đi ngang qua quốc gia đó thì vị vua đã băng hà , ông đã treo thanh kiếm mà mình hứa tặng ở mộ của vị vua đó.

Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Nhiều người hiểu lầm về câu nói này nên họ chỉ cầu cúng, van xin được tai qua, nạn khỏi. Chúng ta vọng tưởng nên chúng ta cho rằng Phật có thể ban phước, giáng họa cho chúng ta. Phật đã nói: “Trên bước đường giải thoát ta chỉ là người dẫn đường còn các con phải tự đi”. Chúng ta phải thật làm, nương theo giáo huấn của Phật mà làm thì chúng ta mới thật có kết quả. Chúng ta muốn có phước thì chúng ta phải tu phước. Chúng ta “Bố thí, trì giới , nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định” đều là chúng ta tu phước. Hằng ngày, chúng ta sống đúng theo pháp luật, chuẩn mực thì cũng là chúng ta đang tu phước. Chúng ta hiểu sai thì chúng ta làm sai, nhận kết quả sai. Chúng ta không thể tiêu tai, miễn nạn thì chúng ta cho rằng Phật pháp không linh, đây không phải do Phật pháp không linh mà do chúng ta không thật làm.

****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!