23Thứ Tư, 29/05/2024, 18:40
141 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 141

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 29/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 141

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng người học Phật pháp Đại thừa có tâm lượng rộng lớn, luôn tự hỏi chính mình là mình đã làm gì được cho chúng sanh hay chưa. Hòa Thượng từng nói: “Bạn không làm phiền lòng chúng sanh đã là phước cho chúng sanh rồi”, chứ đừng nói đến việc độ chúng sanh. Trải qua thời gian, chúng ta mới cảm nhận được câu nói này của Hòa Thượng. Còn việc độ chúng sanh là vấn đề quá xa.

Tâm lượng rộng mở là tâm sẵn sàng hy sinh, phụng hiến không phải là tâm nhỏ hẹp chỉ nghĩ cho chính mình. Chúng ta có được chỗ tốt của Phật pháp của chuẩn mực Thánh Hiền vậy chúng ta có giới thiệu chỗ tốt đó cho chúng sanh hay không? Chúng ta đã làm mai một việc này rất nhiều.

Trong thời đại hiện này, nếu không dũng mãnh tinh tấn mà thúc đẩy thì những giá trị tốt đẹp đó sẽ thất truyền. Nếu thất truyền trong tay chúng ta thì chúng ta có lỗi với người xưa. Chúng ta xét kỹ lại xem nếu như vậy, chẳng phải mình là người vong ân phụ nghĩa rồi hay sao. Hòa Thượng nhắc chúng ta đừng bao giờ cho rằng mình không có năng lực. Chúng ta chỉ cần tận tâm tận lực làm tốt vai trò của mình chính là đã làm tốt chuẩn mực của Phật, Bồ Tát Thánh Hiền khiến người nhìn vào mà ngưỡng mộ.

Hòa Thượng nhắc nhở rằng: “Giáo dục của người xưa mục đích là “Tư Vô Tà” – không nghĩ tưởng xằng bậy như trong Luận ngữ đã nói.” Nếu làm bất cứ việc gì cũng dính vào “danh vọng lợi dưỡng”, “ảo danh ảo vọng”, “tham sân si mạn”, thì đó là tà. Chúng ta tỉ mỉ quán sát mới thấy từ sáng đến chiều mình có đầy tập khí phiền não như luôn biểu thị “cái ta” và “cái của ta”, rồi “tham sân si mạn”.

Nếu cứ duy trì tâm thái này thì tâm không thể thanh tịnh. Khi có tâm thanh tịnh thì niệm Phật mới tương ưng, mọi việc chúng ta làm mới là Phật sự. Nếu chúng ta làm với tâm phân biệt, chấp trước thì vẫn là Ma sự.

Cho nên Hòa Thượng dạy chúng ta nhìn cho thấu, buông xuống cho được. Buông xuống được rồi mới có thể tùy duyên, mới có thể tự tại. Mỗi việc chúng ta làm hiện vẫn đang cưỡng cầu chứ chưa tùy duyên. Đó là lý do khiến chúng ta mệt mỏi, buồn phiền, có chướng ngại.

Hòa Thượng trong suốt 40 năm đã làm ra một tấm gương buông xả, đó là không quản người, không quản việc, không quản tiền. Hằng ngày chúng ta có quá nhiều chấp trước, ở trong chăn ấm đệm êm thành quen nên chỉ có chút thay đổi là bị mệt bị bệnh. Chẳng qua là do chúng ta không để cho mình thích nghi với hoàn cảnh đại tự nhiên nên dần dần mới như vậy.

Người ta thì không biết nóng, không biết lạnh, thân thể luôn điều hòa vì không có vọng tưởng. Khi Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi Bà Hứa Triết có lạnh không? Bà Hứa Triết trả lời rằng Bà không biết. Bà luôn cảm thấy thân thể mát mẻ. Buổi sáng, bà chỉ cần ăn một trái táo và một hộp sữa chua là đủ. Bà ăn được như vậy là vì không có vọng tưởng, còn chúng ta ăn đủ thứ vẫn không no vì quá nhiều vọng tưởng.

Lúc xưa, Đức Phật mỗi ngày ăn 1 hạt mè mà Ngài có thể sống được bởi Ngài có tâm thanh tịnh nên chỉ cần một lượng rất nhỏ là đủ. Có những người hai ngày ăn một bữa mà vẫn khỏe mạnh. Đó là do vọng tưởng ít đi nên năng lượng tiêu hao không cần nhiều.

Hòa Thượng nói: “Trong luận ngữ dạy “Tư Vô Tà”, trong Phật pháp dạy “chánh tri chánh kiến”. Qua đây có thể biết căn bản của giáo dục Phật đà đều là chánh tri chánh kiến. Có trí tuệ thì phá trừ được ngu si, tham ái, sân hận, phiền não tự nhiên giảm ít”.

Rõ ràng người có trí tuệ thì sẽ quán chiếu được việc gì nên làm, nên tiết kiệm. Từ đó họ xa lánh được chướng ngại, phiền não hoặc các duyên có thể dẫn khởi phiền não. Phàm phu không có trí tuệ nên thứ gì cũng muốn tiếp cận, muốn va chạm nên khi phiền não nổi lên rồi mới cảm thấy hối hận.

Chúng ta đối với điểm này thật quá kém nên phải cố gắng, thời khóa gắng giữ cho đủ, đúng giờ, chuẩn mực. Việc duy trì thời khóa không chỉ trong tu tập mà trong mọi mặt đời sống, mới giúp chúng ta có trí tuệ. Chúng ta có sắp xếp giờ nào việc đó không? Có tận tâm tận lực làm không? Có đúng hẹn không?

Chúng ta có bê tha, tùy tiện thích làm giờ nào cũng được không? Như vậy chỉ tự làm hư hại mình. Cho dù không ai thúc ép vào chuẩn mực giờ giấc thì chính chúng ta phải tự thúc ép mình. Lớp học của chúng ta bắt đầu lúc 5 giờ kém 10, mọi người có thể vào muộn chứ bản thân chúng tôi không thể tùy tiện, cứ đúng giờ là lên lớp, không sớm hơn hoặc muộn hơn.