Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 27/05/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 139
Trước mắt họ là người thật, việc làm thật, kết quả thật mà họ cũng không tin. Ngay đến người học Phật nhiều năm mà còn nói trường hợp Hòa Thượng Hải Hiền vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi là do cơ địa của Ngài như vậy. Để có được “chánh tri chánh kiến” còn phải nhờ đến phước đức nhân duyên nhiều đời.
Khi có “Chánh tri chánh kiến” thì tâm địa mới thanh tịnh, lúc đó, việc chúng ta làm mới là Phật sự, còn ngược lại “tà tri tà kiến”, tâm không thanh tịnh, thì là Ma sự. Một khi như vậy thì dù cho có tu hành, có trì giới cũng không khai được chánh trí tuệ mà chỉ có thể khai được tà trí tuệ. Tà trí tuệ thì hại rất nhiều người. Chúng ta phải phản tỉnh việc này từ xã hội hiện đại.
Nếu không nương tựa Kinh điển và giáo huấn của Phật thì rất dễ rơi vào “tà tri tà kiến”. Ngay cả khi việc học tập đều tập trung cho giáo huấn của Phật nhưng khi dụng tâm là “tự tư tự lợi” thì vẫn là “tà tri tà kiến”. Nhà Phật có câu: “Tâm tròn đầy tất cả pháp tròn đầy” còn tâm thiên lệch thì dù có nói Phật pháp hay chuẩn mực Thánh Hiền thì vẫn là “tà tri tà kiến”.
Người chân thật có “chánh tri chánh kiến’ thì không có chút ý niệm tư lợi. Có ý niệm tư lợi là “tà tri tà kiến”. Hòa Thượng nói người ở thế gian tạo phước nhiều thì có thể có được trí tuệ nhưng không phải là chánh trí tuệ mà là tà trí tuệ. Ví dụ có những môn phái đề xướng trường chay, mở nhiều quán chay giá rẻ, giúp đỡ và khuyến khích tất cả mọi người ăn chay.
Việc này khiến họ có phước báu nhưng họ làm việc đó để chiêu dụ một việc khác cho nên họ có tà trí tuệ. Đệ tử của họ lẻn ăn mặn một ngày thì liền bị họ phát hiện khiến người đệ tử này càng nể nang. Vì chiêu trò quyền năng này mà nhiều người bị chiêu dụ. Đây chẳng phải là thần thông gì lớn lắm, năng lực của Ma cấp thấp cũng làm được.
Phật pháp chân chính là tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến, phục vụ chúng sanh. Phật pháp chân thật rời xa “cái ta và cái của ta”, còn cường điệu “cái ta và cái của ta” thì đó không phải là Phật pháp.
Bản thân chúng tôi có rất nhiều sự trải nghiệm sâu sắc về vấn đề này. Trong cuộc sống, chúng ta nhìn sơ qua cũng biết người nào chân thật “vì người mà lo nghĩ”. Hòa Thượng nhắc chúng ta rằng tâm của chúng ta và của Phật giống y như nhau cho nên tướng mạo và năng lực của chúng ta giống y như Phật. Thế nhưng, vì tập khí phiền não của chúng ta quá lớn, che lấp hết năng lực tướng hảo này.
Người xưa có câu: “Tánh tương cận, tập tương viễn” tức là tâm thuần tịnh thuần thiện đã có sẵn nơi chúng ta, còn vọng niệm, tập khí phiền não là do chúng ta bị ô nhiễm. Cho nên chỉ cần bỏ tập khí xấu ác này thì tự tánh thanh tịnh hiển lộ. Chỉ cần chúng ta làm theo giáo huấn của Phật Bồ Tát mà Hòa Thượng đã đúc kết lại 16 chữ là hằng ngày xa lìa: “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”.
Đối với “danh vọng lợi dưỡng”, lợi ích tất cả chúng sanh là lợi của mình và lợi của mình là của tất cả chúng sanh. Ngưỡng ban đầu đã là không dễ khi mình dành phần lợi giữa người và mình mỗi bên là 50 và 50, sau đó dần dần phần của người tăng lên 70 và của mình giảm còn 30; tiếp theo tỷ lệ này là 80 và 20; 90 và 10; sau cùng hết thảy đều dành cho người thì chúng ta sẽ tự tại. Lúc này năng lực, đức tướng, trí tuệ, thứ vốn có trong chúng ta sẽ hiển hiện như Phật. Hòa Thượng nhắc cái có sẵn, vốn có bên trong đi tìm thì dễ dàng hơn.
Từ đây, chúng ta phải quán chiếu để biết tại sao người ta là Thánh Hiền, là trượng phu mà chúng ta không là Thánh Hiền, không là trượng phu. Từ đó chúng ta không trách Phật vì sao không giúp! Phật Bồ Tát lúc nào cũng mong muốn tất cả chúng sanh thẳng đến thành Phật thì các Ngài mới an lòng như đại nguyện của Địa Tạng Bồ Tát: “Khi nào địa ngục rỗng không lúc đó tôi mới nguyện làm Phật và khi nào độ hết chúng sanh thì tôi mới chứng quả Bồ Đề”. Cho nên Hòa Thượng nói 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật là do tướng tùy tâm chuyển còn chúng ta thì hiện tướng xấu ác, “tham sân si”, “tự tư tự lợi”.